Đại biểu Nguyễn Đàm Văn (huyện Yên Thành):

Cần tháo gỡ vướng mắc “gói” hỗ trợ doanh nghiệp

Đại dịch Covid- 19 diễn ra đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã và tất cả các đối tượng, đặc biệt là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ngừng trệ, gặp khó khăn. Thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tại Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và công tác an sinh xã hội.

dai-bieu-nguyen-dam-van-huyen-yen-thanh-660.png

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các chính sách hỗ trợ triển khai chậm và có một số vướng mắc. Bên cạnh các doanh nghiệp ở Nghệ An chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ, việc tiếp cận thông tin các chính sách hạn chế, khó khăn thì vấn đề thủ tục hành chính cũng đang có những vướng mắc, phức tạp, nảy sinh tâm lý trong doanh nghiệp “nhọc” quá không muốn làm nữa.

Các doanh nghiệp sau dịch khó khăn do trong thời gian dài giảm quy mô sản xuất hoặc tạm dừng sản xuất lại còn đối diện với việc tăng giá xăng, nguyên liệu đầu vào, nên có thể nói khó khăn chồng khó khăn. Khó khăn sau dịch Covid-19 của các doanh nghiệp và hạn chế trong triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được HĐND tỉnh thấy rõ và đã lựa chọn đưa nội dung này vào chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Mong muốn sau phiên chất vấn này, HĐND và UBND tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị liên quan phổ biến, thông tin về chính sách, làm rõ các tiêu chí cụ thể để hưởng các “gói” hỗ trợ cho doanh nghiệp biết; đồng thời nghiên cứu tháo gỡ về thủ tục để các doanh nghiệp có cơ hội thụ hưởng đầy đủ và kịp thời các chính sách , góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn tỉnh.

Đại biểu Phạm Tuấn Vinh (thị xã Thái Hòa):

Có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công

Để đẩy nhanh kế hoạch đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2022, bên cạnh sự chủ động của các chủ đầu tư, thì các sở, ban, ngành cấp tỉnh cần quan tâm phối hợp, hỗ trợ cho các chủ đầu tư trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư công. Đề nghị Sở Tài chính và Sở Xây dựng cần cập nhật thường xuyên giá nguyên vật liệu để thông báo kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình phê duyệt các dự án. Nhiều dự án, theo thông báo giá nguyên vật liệu quá thấp so với thực tế, dẫn đến nhiều chủ đầu tư không phê duyệt được dự án. Vì vậy, rất mong cập nhật thường xuyên giá nguyên vật liệu.

pham-tuan-vinh-thi-xa-thai-hoa-3842.png

Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ máy ban quản lý dự án của các ban, ngành, địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. “Giao tự chủ về biên chế, chúng tôi rất lúng túng vì không có hướng dẫn nào cả. Mà UBND cấp huyện thì không đủ thẩm quyền để giao biên chế viên chức cho các ban quản lý dự án mà phải tỉnh giao”. Đề nghị Sở Nội vụ cần quan tâm, tham mưu cho UBND tỉnh có hướng dẫn cụ thể trong việc giao tự chủ cho các ban quản lý dự án các địa phương. Muốn làm tốt công tác đầu tư công thì nếu bộ máy vững sẽ yên tâm về mặt công việc. Và hiện nay, mỗi địa phương đang làm một cách.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (huyện Nghĩa Đàn):

Có kế hoạch tổng thể khắc phục hạ tầng lưới điện xuống cấp

Hiện nay, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, nhiều kỳ họp HĐND huyện, hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử, từ Quốc hội đến HĐND các cấp đều phản ánh hạ tầng, cơ sở vật chất điện sinh hoạt của người dân xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp điện cho người dân, nhất là những khu vực cuối nguồn điện; đặc biệt nhiều địa bàn, hạ tầng lưới điện xuống cấp nghiêm trọng, đe doạ đến sức khoẻ, an toàn tính mạng của người dân.

dai-bieu-hoang-thi-thu-trang-huyen-nghia-dan-6493.png

Liên quan đến vấn đề này, HĐND huyện Nghĩa Đàn đã có nhiều cuộc làm việc với Điện lực huyện Nghĩa Đàn và đơn vị này đã rất cố gắng khắc phục, tuy nhiên chỉ là chắp vá vì thiếu nguồn lực mà nguồn lực là phải tầm Điện lực Nghệ An, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới có thể giải quyết được.

Dù đây không phải là vấn đề mới, nhưng đây là vấn đề bức xúc kéo dài; vì vậy đề nghị HĐND, UBND tỉnh cần chỉ đạo rà soát một cách tổng thể, toàn diện thực trạng hạ tầng lưới điện trên phạm vi toàn tỉnh để có kế hoạch đầu tư tổng thể, trong đó ưu tiên tập trung những nơi xuống cấp trầm trọng, đe doạ đến sức khỏe và tính mạng của Nhân dân.

Đại biểu Phạm Thành Chung (huyện Tân Kỳ):

Tăng cường kiểm tra, xử lý cán bộ thực hiện thủ tục hành chính vi phạm

Hạn chế trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được HĐND tỉnh tiến hành hoạt động giám sát, giải trình. Nguyên nhân được tập trung vào 2 nội dung chính, trước hết là các quy định của pháp luật và quy định về thủ tục hành chính còn phức tạp, gây khó khăn trong thực tiễn có thể nói “muôn hình vạn trạng”. Thứ hai là thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

pham-thanh-chung-huyen-tan-ky-6414.png

Từ tồn tại đó, để có thể giải quyết rốt ráo và khắc phục được hạn chế, khó khăn trong cấp giấy, hơn ai hết, chính quyền các địa phương cần vào cuộc rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hay thay thế phù hợp thực tiễn đặt ra. Liên quan đến thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhất là giải quyết hồ sơ thủ tục cấp giấy được cử tri bày tỏ bức xúc rất nhiều qua các kỳ tiếp xúc cử tri, vì vậy đề nghị UBND tỉnh, nhất là lãnh đạo các địa phương cần tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm để cho các hiện tượng tiêu cực được chấm dứt.

Đại biểu Trình Văn Nhã (huyện Thanh Chương):

Đổi mới, sáng tạo trong tổ chức kỳ họp

Qua 2 ngày diễn ra Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khoá XVIII nhận thấy, chương trình, nội dung kỳ họp được chuẩn bị, triển khai bài bản, chu đáo và đạt chất lượng cao. Thể hiện là công tác chuẩn bị, ngay từ khi có thông báo dự kiến nội dung chương trình họp, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương chuẩn bị các nội dung liên quan.

Đặc biệt là kỳ họp lần này có nhiều dự thảo Nghị quyết liên quan mật thiết đến đời sống người dân, được cử tri quan tâm. Trong quá trình xây dựng các dự thảo Nghị quyết, báo cáo đã có sự tham gia tích cực, chủ động, đồng hành đồng thời của Ban HĐND tỉnh nên công tác thẩm tra đạt chất lượng cao. Đến khi có dự thảo thì việc đóng góp, phản biện, đưa ra các ý kiến góp ý, để UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi nhằm hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết , báo cáo đạt chất lượng cao hơn. Đặc biệt phải đánh giá rằng đây là kỳ họp tiếp tục có sự đổi mới thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và tạo điều kiện cho các đại biểu dễ dàng, thuận lợi trong việc tiếp cận, tra cứu, nghiên cứu các tài liệu.

trinh-van-nha-huyen-thanh-chuong-1823.png

Bên cạnh đó, công tác điều hành, thảo luận tại 4 tổ đạt chất lượng cao. Các đại biểu HĐND tỉnh đã thể hiện trách nhiệm mà cử tri gửi gắm, thảo luận thực sự sôi nổi, thẳng thắn. Thông qua thảo luận, xuất hiện nhiều vấn đề mới mà đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các ngành, địa phương, cử tri quan tâm. Nhiều vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành nêu lên để cùng tiếp tục thảo luận, làm rõ. Thông qua đó, giúp các đại biểu hiểu rõ hơn kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm, thống nhất các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong 6 tháng cuối năm.

Chất lượng phiên thảo luận tại hội trường cao hơn, vì có sự tương tác trực tiếp giữa các đại biểu HĐND tỉnh với lãnh đạo các sở, ngành khi các vấn đề được nêu ra. Sự điều hành của chủ toạ kỳ họp linh hoạt, hiệu quả. Kỳ họp được truyền hình trực tiếp nên cũng là đợt để cử tri, nhân dân nắm rõ hơn, chắc hơn các vấn đề tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

Những nội dung được đưa ra thảo luận tại hội trường là những vấn đề được cử tri quan tâm. Như vấn đề trong sản xuất nông nghiệp khi đầu vào tăng cao, đầu ra gặp khó khăn; hỗ trợ xi măng trong xây dựng nông thôn mới; hạ tầng lưới điện; quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; sắp xếp, tinh giản bộ máy sau sáp nhập thôn, xóm và chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ thôn, xóm sau sáp nhập... Đặc biệt liên quan đến việc thực hành đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức khi thứ hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Nghệ An có sự sụt giảm. Người dân cũng muốn để tỉnh phát triển thì phải đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó vấn đề con người là rất quan trọng.

Trong phiên chất vấn, việc chọn 2 nội dung chất vấn rất xác đáng, được cử tri và nhân dân quan tâm. Việc HĐND tỉnh đưa ra vấn đề này là để các sở, ngành, chính quyền các cấp và cả cán bộ, công chức của cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để đảm bảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai hiệu quả trong thực tiễn, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, người lao động. Không khí chất vấn sôi nổi, tư lệnh 2 ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng và các sở, ngành liên quan đã trả lời rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Thông qua chất vấn sẽ nâng cao nhận thức, năng lực cho bộ máy cán bộ ở cấp cơ sở, phát huy được tai mắt của cử tri, nhân dân, góp phần các cấp chính quyền vào cuộc xử lý, đảm bảo những việc triển khai trên địa bàn có hiệu quả cao nhất.

bna-3069-01-8656--n3.jpg
Toàn cảnh kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII. Ảnh: Thành Cường

Mai Hoa - Phạm Bằng (ghi)