Bên cạnh đó, các bác tài cũng bày tỏ mong muốn có một giải pháp tạo thuận lợi hơn cho người dân để biết chắc chắn rằng, mình không còn sót nồng độ cồn trong máu. Giải pháp đó là gì? Mời các bạn cùng lắng nghe câu chuyện giữa VOV Giao thông và các bác tài.

Thưa quý vị, tôi đang ngồi trong xe cùng anh Trần Đại Nghĩa, một tài xế chạy dịch vụ ở Hà Nội. Anh Nghĩa này, anh nghĩ sao về quy định giới hạn nồng độ cồn bằng 0?

Về quy định đó, mình nghĩ vẫn cứ để nguyên nồng độ cồn ở mức 0 như thế thì sẽ nghiêm hơn. Nhưng có một ý nữa, là không ai là không uống tuyệt đối cả.

Ví dụ, hôm nay mình có cuộc vui với bạn bè, có uống thì mình muốn là nhà nước mình có thể lập trạm, lập chốt để người dân đến đó kiểm tra trước khi điều khiển phương tiện giao thông.

a1-nhieu-tai-xe-ung-ho-gioi-han-nong-do-con-bang-0-nhung-ben-canh-do-cung-mong-co-tram-do-mien-phi-cho-nguoi-dan-tu-chu-dong-truoc-khi-lai-xe-0742.jpg

Nhiều tài xế ủng hộ giới hạn nồng độ cồn bằng 0, nhưng bên cạnh đó, cũng mong có trạm đo miễn phí cho người dân tự chủ động trước khi lái xe

Mình nhiều khi có hôm uống vài chén, nhưng thực tế hôm sau không dám đi. Đó là nghề của mình nhưng không dám. Mình không biết cơ thể mình hết nồng độ cồn lúc nào. Định lượng uống 1,2,3 chén nó khó lắm. Cơ thể mỗi người nó khác.

Nên mình nghĩ có điểm nào đó có máy chính thống của nhà nước để người nếu muốn, lái xe chuyên nghiệp có thể ra đó kiểm tra trước khi đi đâu đấy.

Anh nhắc tới việc này, tôi mới nhớ ra từng có một anh bạn hỏi có cách nào để kiểm tra nồng độ cồn bằng máy đã được kiểm định không. Chẳng lẽ lại ra nhờ các chốt kiểm tra để xin thổi thử.

Mình thì chưa bao giờ xin thổi thử. Mình đã được kiểm tra thổi nồng độ cồn khá nhiều. Mình cũng không biết cho người ta thổi thử hay không. Mình chưa thấy tiền lệ nên cũng chưa thử.

Đúng là vấn đề này có quy trình chứ cũng không phải ai cũng đề nghị test thử ở chốt kiểm tra được. Vậy anh đã thử tìm hiểu thiết bị đo nồng độ cồn trên thị trường?

Mình cũng không biết được. Hàng bán trên mạng cũng rất nhiều, nhưng mình không tin được nó có đảm bảo không.

Máy móc của lực lượng chức năng đã được kiểm định, có tiêu chuẩn. Máy của mình với máy của họ không khớp nhau thì cũng chẳng giải quyết được gì.

Nếu lập trạm đo nồng độ cồn miễn phí thì anh nghĩ đặt ở đâu là hợp lý?

Ở gần một phường nào đó, hoặc nút giao thông trọng điểm nào đấy, để người dân có thể đến thổi thử. Tốt nhất thì mình nghĩ nên đặt ở các phường, để người dân tự kiểm tra trước khi đi làm thôi.

Một ý tưởng khá hay. Xin cảm ơn anh.

a2-cac-bac-tai-cho-rang-hien-nay-cac-may-do-mua-tren-mang-khong-co-gia-tri-tham-khao-vi-khong-cung-chung-loai-voi-loai-csgt-dang-su-dung-0743.jpg

Các bác tài cho rằng, hiện nay các máy đo mua trên mạng không có giá trị tham khảo vì không cùng chủng loại với loại CSGT đang sử dụng

VOV Giao thông sẽ trò chuyện thêm với một tài xế khác, là anh Nguyễn Văn Chiến, tài xế hãng taxi Thanh Nga. Một người cũng rất quan tâm nội dung này.

Chào anh, hiện nay có một số bác tài lo ngại việc uống rượu bia xong, nhưng 1-2 ngày sau không dám chạy xe vì không chắc nồng độ cồn trong người đã hết chưa. Anh nghĩ sao về vấn đề này?

Nó tùy theo uống rượu hay bia. Nếu uống bia ấy, thông thường tối nay uống, ngày mai lái xe bình thường. Còn uống rượu, phải nghỉ thêm 1 ngày, ngày kia mới dám chạy xe, may ra là không lên. Còn trưa nay uống, sáng mai test thì vẫn dính bình thường.

Đó cũng là băn khoăn của các bác tài. Ở nước ngoài, có bộ phận đo nồng độ cồn ngay trên xe, hoặc ở các địa điểm công cộng thì có trạm đo miễn phí để người dân đến đo thử. Quan điểm của anh như thế nào vì hiện máy đo trên thị trường không được kiểm định như máy đo của CSGT?

Nếu thế thì mua máy của Bộ KH-CN cấp thôi. Họ phải cấp cho các hàng quán, ai thích mua thì mua, còn phải đúng quy định của Bộ cấp thì mới được. Bây giờ nó khó một cái là uống rượu bia, một hớp cũng dính, chứ không phải nồng độ bao nhiêu là phạt. Cứ uống là phạt.

Nếu có xe mà không dám chạy thì lại phải điều anh em, bạn bè hoặc thuê người đến chạy về thôi. Bây giờ, gia đình có vợ chồng cùng có bằng thì gọi vợ lên đánh xe về cũng được. Mấy anh em tôi cũng đều có vợ có bằng rồi, xác định uống ở đâu thì vợ cầm lái về.

Như thế là có điều kiện quá rồi. Đúng là phòng ngừa là chính, nếu xác định lái xe chuyên nghiệp, thì xác định là không uống?

Đúng rồi. Mấy tháng nay mình không uống. Từ năm 2020 đến nay, mình chẳng bia rượu luôn.

Xin cảm ơn anh!

Tự đo nồng độ cồn trước khi tham gia giao thông là mong muốn dễ hiểu của các bác tài để chắc chắn nồng độ cồn không còn tồn dư trong cơ thể. Nên chăng, bên cạnh việc kết quả xác định của các chốt kiểm soát hiện tại, người dân được cung cấp thêm các lựa chọn khác, như lập trạm đo nồng độ cồn miễn phí nơi công cộng, hoặc được mua các máy đo được kiểm định theo tiểu chuẩn của Bộ Khoa học-Công nghệ để tham khảo.

Đây là cách tạo thuận lợi để người dân tham gia giao thông chủ động và an toàn hơn. Nó cũng phù hợp với định hướng phòng ngừa hơn là xử phạt.