Ảnh minh họa

Về kiến nghị của cử tri Phạm Thị Hồng Thái, Sở Tài chính trả lời như sau:

1. Tình hình hoạt động của các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các tỉnh, thành:

Ngày 08/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo tham khảo, hiện trên cả nước có hơn 20 Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Hầu hết các Quỹ bảo lãnh hiện có đều hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, phát sinh rất ít khoản bảo lãnh với giá trị bảo lãnh rất nhỏ. Chẳng hạn, Quỹ bảo lãnh tín dụng tỉnh Bạc Liêu đến nay đã hoạt động 10 năm song chỉ tiếp nhận 06 hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh tín dụng; sau khi thẩm định chỉ có 01 hồ sơ đủ điều kiện cấp chứng thư bảo lãnh với giá trị hợp đồng là 1,8 tỷ đồng. Quỹ bảo lãnh tín dụng tỉnh Quảng Nam từ năm 2016 đến năm 2021 chỉ tiếp nhận 03 hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh; trong số đó không có dự án nào đủ điều kiện được cấp bảo lãnh tín dụng. Quỹ bảo lãnh tín dụng tỉnh Đà Nằng trong 05 năm hoạt động chỉ cấp bảo lãnh cho 14 doanh nghiệp (15 lượt bảo lãnh) với tổng giá trị 18,1 tỷ đồng.

Thực hiện nội dung tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 27/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiên quyết cho dừng hoạt động, giải thể các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước hoạt động không hiệu quả; hiện một số Quỹ ở các tỉnh, thành phố đã hoặc đang làm thủ tục để trình UBND tỉnh giải thể như: Đà Nằng, Lạng Sơn, Bạc Liêu, Quảng Nam.

Một số lý do dẫn đến hoạt động bảo lãnh tín dụng của các Quỹ gặp khó khăn là do bất cập trong quy định về cơ chế hoạt động và nguồn vốn của Quỹ. Cụ thể như sau:

Doanh nghiệp muốn bảo lãnh về cơ bản vẫn phải có tài sản đảm bảo, nếu không sẽ khó được Quỹ xem xét chấp nhận bảo lãnh vì rủi ro cao. (Nghị định số 34/2018/NĐ-CP có quy định về bảo lãnh tín chấp không cần tài sản thế chấp, tuy nhiên do nguyên tắc Quỹ phải bảo đảm an toàn vốn nên việc cấp bảo lãnh dựa trên tín chấp hầu như không thực hiện được). Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu về tài sản đảm bảo thì thường sẽ tiếp cận vay vốn ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tín dụng mà không cần xin bảo lãnh từ Quỹ do phát sinh thêm hồ sơ, thủ tục, mất thêm thời gian và phải trả thêm khoản phí bảo lãnh.

Mặt khác, theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, Quỹ bảo lãnh tín dụng có quyền không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong một số trường hợp, khi đó về phía các ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ gặp rủi ro và không mặn mà đối với các khoản cho vay có bảo lãnh của Quỹ.

Trong giai đoạn từ 02/12/2013-08/03/2018, các Quỹ bảo lãnh tín dụng nhỏ và vừa hoạt động theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; theo đó điều kiện thành lập Quỹ là có đủ mức vốn điều lệ tối thiểu là 30 tỷ đồng do ngân sách cấp tỉnh cấp. Từ ngày 08/3/2018 trở đi, các Quỹ phải tăng vốn điều lệ thực có lên tối thiểu 100 tỷ đồng do ngân sách cấp tỉnh cấp theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018. Quỹ bảo lãnh tại một số tỉnh đã thành lập trước thời điểm Nghị định số 34/2018/NĐ-CP có hiệu lực đến nay không thể tiếp tục hoạt động do không đáp ứng đủ điều kiện vốn điều lệ thực có tối thiểu theo quy định.

2. Về viêc xây dựng Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An:

Thứ nhất, Nghị định số 34/2018/NĐ-CP quy định vốn điều lệ thực có tối thiểu tại thời điểm thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là 100 tỷ đồng do ngân sách cấp tỉnh cấp. Số vốn này đối với tỉnh Nghệ An cũng như nhiều tỉnh trên cả nước là thực sự khó khăn trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.

Thứ hai, các quy định hiện hành về cơ chế hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng còn nhiều bất cập. Các Quỹ bảo lãnh tín dụng ở các tỉnh, thành trên cả nước đều hoạt động không hiệu quả sau nhiều năm và đã có một số Quỹ tại một số tỉnh thực hiện giải thể (đã nêu cụ thể ở mục 1).

Như vậy, với các khó khăn và bất cập như trên, Sở Tài chính chưa tham mưu UBND tỉnh triển khai xây dựng Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.