Về kiến nghị của cử tri xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau:

Nghệ An là một trong những tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của cả nước với đa dạng các loại vật nuôi: Theo số liệu của Cục Thống kê, thời điểm tháng 6/2023, tổng đàn trâu, bò 798.802 con (trong đó đàn trâu 268.576 con, đàn bò 530.226 con); đàn bò sữa 79.139 con. Tổng đàn lợn 979.636 con. Tổng đàn gia cầm 33.625 nghìn con. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung còn gặp nhiều khó khăn và thách thức do ngành chăn nuôi chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, sản xuất chưa gắn với giết mổ, chế biến và thị trường tiêu thụ, giá thành sản xuất chăn nuôi đang ở mức cao trong khi đó giá bán các sản phẩm thiếu ổn định nên người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp đã tham mưu nhiều giải pháp để ổn định đầu ra sản phẩm cho ngành chăn nuôi; đặc biệt đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4222/QĐ-UBND, ngày 09/11/2021 phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030; đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp để ổn định đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi như tổ chức các hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp và các địa phương trên phạm vi cả nước; tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư các nhà máy giết mổ, chế biến; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu động vật, sản phẩm động vật; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi,...

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn ổn định đầu ra cho ngành chăn nuôi, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:

- Tiếp tục bám sát các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp theo Đề án phát triển chăn nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã được phê duyệt; trong đó tập trung các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng các kênh thị trường tiêu thụ giảm các khâu trung gian.

- Khuyến khích, thu hút, mở rộng các nhà máy chế biến, phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích phát triển các cơ sở, HTX, doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ và vừa để tiêu thụ sản phẩm tại chỗ cho người nông dân.

- Phát triển các hình thức tiêu thụ các sản phẩm thông qua liên kết các chuỗi chăn nuôi - giết mổ - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm để kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung - cầu thị trường sản phẩm chăn nuôi.

- Đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi sẽ giúp hạ giá thành và sản xuất chăn nuôi bền vững;

- Tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn liên ngành: Nông nghiệp, Công an, Quản lý thị trường,…để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu động vật, sản phẩm động vật.