Về kiến nghị của cử tri phường Hưng Phúc, thành phố Vinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau:

Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An được phân công, phân cấp theo Quyết định số 11/2021/QĐ-UBND ngày 20/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân công, phân cấp và phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó, công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm được giao cho các Sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và PTNT và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng 24.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thuộc lĩnh vực Ngành nông nghiệp quản lý, trong đó cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý khoảng 2.000 cơ sở, còn lại là cấp huyện và cấp xã quản lý. Đối tượng cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý là các Công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, chế biến thực phẩm các loại thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chợ đầu mối, không bao gồm cửa hàng, chợ truyền thống, cơ sở sản xuất, bán thực phẩm nhỏ lẻ hộ gia đình.

Nhìn chung những năm qua cùng với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, cùng với sự quan tâm của người sản xuất, tiêu dùng nên chất lượng sản phẩm nông lâm thuỷ sản được nâng lên, nhiều sản phẩm đã có bao bì, nhãn mác rõ ràng, có thương hiệu, có nguồn gốc truy xuất. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm bán trên thị trường thường bị các cơ sở sản xuất, kinh doanh hãm lợi đã lợi dung đưa vào bán tại những nơi ít bị kiểm soát (chợ, bán nhỏ lẻ hộ gia đình, chợ truyền thống, ...).

Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham gia các đoàn liên ngành của tỉnh, tổ chức các đợt thanh tra kiểm tra; tổ chức đào tạo, tập huấn công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, một số kết kết quả cụ thể như: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tham gia 03 đoàn liên ngành của tỉnh và tổ chức 42 cuộc thanh tra, 128 cuộc kiểm tra tại 1.824 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 133 cơ sở với số tiền phạt 887.510.000 đồng; đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn đã được thông báo trên báo đài, mạng thông tin đại chúng và thông báo đến chính quyền địa phương nơi cơ sở hoạt động. Triển khai lấy 200 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản thực hiện các chương trình: Kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản; Giám sát theo Thông tư số 08/2016/TT-BNNPTNT, Cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm; Mẫu sản phẩm thực hiện các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (VietGAP). Trong đó có 02 mẫu không đạt yêu cầu (1 mẫu nhiễm Chloramphenicol, 1 mẫu sử dụng phụ gia bảo quản quá hạn mức). Tổ chức 90 cuộc tập huấn về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cho 2.989 người.

Trong thời gian tới để tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, tiêu thụ thực phẩm gỉa hàng kém chất lượng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt các nội dung như: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin đại chúng báo đài, pano, appich, tờ rơi,… để người quản lý, người dân biết và chấp hành các quy định của nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; Tổ chức các lớp tập huấn về an toàn sinh học, kỹ thuật nuôi, quy phạm thực hành sản xuất tốt VietGAP. Tăng cường công tác thanh kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và giám sát đặc biệt các cơ sở xếp loại C. Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai công tác kiểm tra, xếp loại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt tại các huyện chưa triển khai, kết quả đạt thấp. Tăng cường công tác lấy mẫu giám sát ưu tiên các sản phẩm rau, thịt, thủy sản để tập trung giám sát các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật cấm, ngoài danh mục trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản phẩm sơ chế, chế biến.