Về kiến nghị của cử tri Nguyễn Trần Băng, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời tại văn bản số 58/SKHĐT-TH ngày 06 tháng 01 năm 2023, cụ thể như sau:
- Về giải pháp để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt để chỉ đạo các ngành, các cấp, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 như:
- Thành lập Tổ công tác về đầu tư công và phân công nhiệm vụ các đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành liên quan theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc tiến độ các dự án theo từng lĩnh vực; Tổ công tác, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra thực tế hiện trường, làm việc trực tiếp với các địa phương và một số chủ đầu tư để hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
- Chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, cam kết giải ngân hàng tháng cho từng dự án. 10 ngày một lần tổng hợp kết quả giải ngân và thông báo đến từng Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị về kết quả giải ngân của từng đơn vị mình.
- Tổ chức hội nghị giao ban xây dựng cơ bản toàn tỉnh để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
- Rà soát, thực hiện 05 đợt điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; trong đó, đã điều chỉnh giảm 36 dự án giải ngân chậm với số vốn 235,225 tỷ đồng để bổ sung cho 30 dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn (theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Nghị định 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020, thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hằng năm giữa các dự án trước ngày 15 tháng 11 năm kế hoạch).
Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc và đốc thúc nhà thầu tập trung thi công đảm bảo khối lượng để giải ngân vốn; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở quản lý xây dựng chuyên ngành trong việc thẩm định, giải quyết hồ sơ thủ tục; giao Kho bạc nhà nước tỉnh, Kho bạc nhà nước các huyện, thành, thị tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các chủ đầu tư trong việc giải ngân vốn, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch đầu tư công năm 2023.
- Về kiến nghị chuyển các dự án lớn cho các Ban quản lý dự án cấp tỉnh làm chủ đầu tư
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 Ban quản lý dự án thuộc cấp tỉnh và các Sở, 21 Ban quản lý dự án cấp huyện được thành lập, hoạt động đảm bảo điều kiện, năng lực theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình giao chủ đầu tư cho các dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã xem xét đến các điều kiện năng lực cũng như tính chất công trình (ngành, lĩnh vực, địa bàn) để giao chủ đầu tư phù hợp.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, các dự án lớn, trọng điểm chung của cả tỉnh đều đã được giao cho Ban quản lý cấp tỉnh và các Sở (có Ban quản lý dự án chuyên ngành trực thuộc) làm chủ đầu tư (hiện nay, Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp đang được giao làm chủ đầu tư 03 dự án chuyển tiếp và 05 dự án khởi công mới với số vốn 657,303 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): 11 dự án chuyển tiếp và 03 dự án khởi công mới với số vốn 615,634 tỷ đồng; Ban quản lý dự án công trình giao thông Nghệ An (thuộc Sở Giao thông vận tải): 11 dự án chuyển tiếp và 05 dự án khởi công mới với số vốn 5.244,206 tỷ đồng).
Đối với các dự án lớn trên địa bàn các huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã giao cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị (đã có Ban quản lý dự án cấp huyện) làm chủ đầu tư theo đúng quy định. Vì vậy, việc đề nghị chuyển các dự án lớn cho các Ban quản lý cấp tỉnh làm chủ đầu tư đã và sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét cho từng trường hợp cụ thể, đảm bảo phù hợp với quy định và với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.