bna-img-4959-4070.jpg
Đồng chí Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận tại Hội thảo

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đã được tỉnh xác định là một trong 03 mũi đột phá phát triển trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương.

Thời gian qua, Tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, tập trung vào 03 nhóm giải pháp chính để tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, gồm: (1) Cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, (2) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh để phục vụ, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp/nhà đầu tư và (3) Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư.

Để cụ thể hóa 03 nhóm giải pháp trọng tâm nêu trên, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành nỗ lực, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như:

- Đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, thay đổi cách tiếp cận, cách làm trong công tác xúc tiến, hỗ trợ đầu tư; cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và gắn trách nhiệm người đứng đầu của từng cơ quan, đơn vị trong giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, thường xuyên theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện.

- Xây dựng, sửa đổi quy trình, thủ tục đầu tư; công khai các loại quy hoạch có liên quan, bảng giá đất trên địa bàn và các chính sách, cơ chế hỗ trợ đầu tư, các văn bản, quy định có liên quan đến hoạt động đầu tư để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong quá trình tiếp cận thông tin.

- Kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Đề án phát triển doanh nghiệp và Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức đối thoại, thành lập tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tổ chức đối thoại với công nhân lao động, thực hiện các giải pháp kết nối cung - cầu lao động, nhất là giải quyết thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp trong khu kinh tế và các khu công nghiệp.

Kết quả, môi trường đầu tư kinh doanh của Nghệ An trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 và năm 2020, xếp thứ 18/63 tỉnh thành trên cả nước, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ; những điểm nghẽn, tồn tại hạn chế trong môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh dần được tháo gỡ, khắc phục; tình hình thu hút đầu tư đã có những kết quả đáng ghi nhận.

Trong giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh thu hút được 733 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 112.166,5 tỷ đồng, tăng cả về số lượng và chất lượng dự án so với giai đoạn trước. Riêng 08 tháng đầu năm 2022, đã cấp mới 80 dự án, điều chỉnh 77 lượt dự án, với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 31.461 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư cấp mới và điều chỉnh là 580 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu, uy tín quan tâm đầu tư các dự án quy mô lớn tạo động lực phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Đặc biệt, đã thu hút được các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt, giải quyết được điểm nghẽn về mặt bằng sạch, tạo điều kiện thu hút đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chỉ số PCI của tỉnh vẫn còn một khoảng cách tương đối xa so với các tỉnh nằm trong top đầu cả nước, tốc độ cải thiện còn chậm hơn nhiều tỉnh, thành khác. Năm 2021, tuy có điểm số tăng so với năm 2020 nhưng thứ hạng chỉ số PCI của Nghệ An giảm 12 bậc so với năm 2020, xếp thứ 30/63 tỉnh thành cả nước.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương phân tích từng chỉ số thành phần PCI, đánh giá kết quả đạt được cũng như các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, về nhóm giải pháp chung, cần chú trọng thực hiện:

(1) Tiếp tục nâng cao vai trò, nhận thức, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy cơ sở, người đứng đầu về tầm quan trọng, ý nghĩa việc cải thiện chỉ số PCI.

(2) Hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Thực hiện rà soát, điều chỉnh phù hợp, đồng bộ các loại quy hoạch như: quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu chức năng… Thực hiện quản lý công khai, minh bạch các quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

(3) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025, Đề án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, trong đó tập trung tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng, cải cách hành chính và chất lượng nguồn nhân lực trong thu hút đầu tư.

Đối với giải pháp cụ thể để cải thiện từng chỉ số thành phần PCI, kiến nghị UBND tỉnh phân công trách nhiệm cho từng đơn vị trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ nhằm tập trung cải thiện các chỉ số chuyển biến chậm, xếp hạng thấp, đồng thời duy trì và nâng cao hơn nữa các chỉ số đã được cải thiện tốt. Mục tiêu đến năm 2025, chỉ số PCI tỉnh Nghệ An nằm trong top 15 của cả nước.