Về kiến nghị của cử tri huyện Tương Dương, Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với địa hình đa dạng, phức tạp được chia thành ba vùng sinh thái: miền núi, trung du và đồng bằng ven biển. Vùng miền núi có 11 huyện, thị xã với 217 xã, phường, thị trấn với diện tích tự nhiên chiếm tới 83% diện tích toàn tỉnh. Do tính chất đặc thù đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 19/11/2021 về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3279/QĐ- UBND ngày 24/10/2022 phê duyệt Đề án phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã có 63 trường phổ thông dân tộc bán trú, 56 trường phổ thông có học sinh bán trú với khoảng 20.405 học sinh ăn, ở, học tập tại trường. Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động bán trú cho học sinh tại các trường phổ thông có học sinh bán trú nhưng cán bộ quản lý, giáo viên chưa được thụ hưởng các chế độ chính sách đặc thù.

Để đảm bảo quyền lợi đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên, nhân viên trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An để trình Hội động nhân dân tỉnh xem xét, ban hành. Nghị quyết sẽ quy định cụ thể về nội dung, mức chi đối với nhà trường và giáo viên, nhân viên, học sinh tại các trường này.