Mới đây, Bộ Tư pháp đã có dự thảo Tờ trình Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội trong việc thí điểm giao một số Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Lý do thực hiện thí điểm là nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp thời gian qua, trong đó có việc giảm tối đa tình trạng trễ hạn cấp Phiếu... Đồng thời tăng tính chủ động của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính.

Thí điểm tại ít nhất 5 huyện của Nghệ An

Theo dự thảo tờ trình, thực tiễn triển khai Luật lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy, công tác xác minh thông tin Lý lịch tư pháp trước 1-7-2010 tại các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án… thường gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2021 -2023, cả nước cấp hơn 2,6 triệu Phiếu lý lịch tư pháp, trong đó tỷ lệ trễ hạn khoảng 2,1% (tương đương khoảng 54.000 trường hợp).

Về lý do lựa chọn Hà Nội, TP.HCM và Nghệ An để thực hiện thí điểm, Bộ Tư pháp cho biết, theo thống kê, hiện nay đây ba địa phương có số lượng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp lớn nhất cả nước. Từ năm 2021 đến năm 2023, TP Hà Nội cấp khoảng 240.300 phiếu, TP.HCM cấp khoảng 308.000 phiếu, tỉnh Nghệ An cấp khoảng 185.000 phiếu lý lịch tư pháp, chiếm khoảng 28% tổng số Phiếu lý lịch tư pháp được cấp trên toàn quốc. Tỷ lệ trễ hạn của TP Hà Nội, TP.HCM khoảng 2%, tỉnh Nghệ An khoảng 7%.

Thay vì phải xin cấp phiếu Lý lịch tư pháp ở Sở Tư pháp, dự thảo Nghị định hướng dẫn Nghị quyết thí điểm đề xuất 3 địa phương trên lựa chọn Phòng tư pháp thực hiện thí điểm theo tiêu chí:

(i) Bảo đảm nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Công chức Phòng Tư pháp có kỹ năng về công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành tư pháp và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.

(ii) Địa bàn quận, huyện thực hiện thí điểm là địa phương đông dân số, có nhu cầu cao về cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Số lượng Phòng Tư pháp được áp dụng thí điểm ít nhất là một phần ba trong tổng số Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM, riêng tỉnh Nghệ An ít nhất là 5 Phòng Tư pháp được lựa chọn thí điểm.

2024-03-31_123556_20240331123616.jpg
Người dân đến làm thủ tục tại Sở Tư pháp.

Thủ tục xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp ở cấp huyện

Cũng theo dự thảo, người dân có nhu cầu cấp phiếu sẽ nộp hồ sơ gồm Tờ khai và bản sao CMND hoặc căn cước hoặc hộ chiếu, tại nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Phòng Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Phòng Tư pháp nơi cư trú cuối cùng trước khi xuất cảnh.

Trường hợp cá nhân ủy quyền cho người khác (không phải là cha, mẹ, vợ, chồng, con) làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì phải có văn bản ủy quyền.

Việc gửi hồ sơ được thực hiện qua một trong các phương thức: Trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh; hoặc trực tuyến trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VneID (khi điều kiện cho phép); hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Tư pháp.

Dự thảo cũng đề xuất ba mẫu tờ khai cho người có yêu cầu:

Mẫu số 01: Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp dùng cho cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Mẫu số 02: Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp dùng cho cá nhân trong trường hợp ủy quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và cha, mẹ của người chưa thành niên yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1, số 2.

Mẫu số 03: Mẫu văn bản yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp dùng cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.