Đây là hội nghị toàn quốc thứ hai về triển khai Chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội được tổ chức sau Hội nghị toàn quốc đầu tiên vào tháng 11.2021, cho thấy cách thức triển khai giám sát bài bản, khoa học, chuyên nghiệp và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bảo đảm hiệu quả, hiệu lực giám sát của Quốc hội.

ctqh-hue-1664176801394.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Việc tổ chức hội nghị thường niên triển khai hoạt động giám sát của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và trách nhiệm của các chủ thể giám sát, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; tạo sự thống nhất, đồng bộ, thông suốt trong việc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Đây cũng là minh chứng cho thấy một Quốc hội luôn đổi mới, giám sát chặt chẽ nhằm làm cho pháp luật có hiệu lực trên thực tế, phát huy vai trò, tính hiệu quả của cơ chế dân chủ đại diện trong thực hành dân chủ, bảo đảm và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, giữ vững kỷ cương xã hội, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước.

Thông tin từ Văn phòng Quốc hội cho biết, Hội nghị sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến với 49 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại Nhà Quốc hội sẽ có sự tham dự của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện: Thường trực Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành Trung ương, các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương. Tham dự tại các điểm cầu có đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy, Thanh tra cấp tỉnh…

uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi20220926104124--n1.jpg

Hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 6.6.2022 về Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội và Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 ngày 4.8.2022 về Chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hội nghị sẽ tập trung đánh giá tình hình triển khai Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và triển khai chương trình giám sát năm 2023, trọng tâm là 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc gồm: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.

Cùng với đó, Hội nghị cũng sẽ thảo luận các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát, nhất là đối với hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động khảo sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tại địa phương; giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát văn bản, xem xét các báo cáo; công tác triển khai hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; việc tăng cường giám sát để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND; đề xuất các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban; tăng cường hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22.7.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Q. Chi