“Ngày thứ Bảy vì dân”
Gia đình ông Trương Huy Khoa (ở khối 2A, thị trấn Thanh Chương) được giao đất ở từ năm 1996. Trong quá trình sử dụng, gia đình có cơi nới, phát sinh diện tích tăng thêm, nhiều năm chưa cấp được bìa đất. Đầu năm 2023, qua kiểm tra hiện trạng sử dụng của gia đình ông Khoa phù hợp với quy hoạch, chính quyền thị trấn Thanh Chương hướng dẫn ông hoàn thành nghĩa vụ tài chính ở diện tích tăng thêm và chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính về đất đai để làm hồ sơ cấp GCNQSD đất. Tháng 7/2023 vừa qua, gia đình ông Khoa đã được cấp GCNQSD đất.
Cùng ở thị trấn Thanh Chương, trường hợp gia đình ông Nguyễn Trọng Hiệp (khối 3A), lại khó khăn hơn, bởi không có quyết định giao đất, chỉ có hoá đơn thu tiền, nhưng lại chỉ có con dấu mà không có số hiệu trên con dấu. Trên cơ sở báo cáo của UBND thị trấn, UBND huyện thành lập đoàn thanh tra liên ngành trực tiếp xác minh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của gia đình ông Khoa trên cơ sở xem xét các trường hợp được giao đất cùng thời điểm, xác thực thông qua cán bộ thị trấn làm việc thời kỳ đó. Sau khi có thông báo của UBND huyện, UBND thị trấn hướng dẫn gia đình ông Hiệp kê khai, hoàn thiện hồ sơ và được cấp bìa trong năm 2022.
Trên đây là hai trong nhiều trường hợp được tháo gỡ vướng mắc để cấp GCNQSD đất thông qua tổ chức làm việc ngoài giờ hành chính, kể cả ban đêm và thực hiện “Ngày thứ Bảy vì dân” của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện cùng UBND thị trấn Thanh Chương. Đồng chí Tưởng Đăng Hào – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Chương cho biết: Ở thị trấn, ngoài đất cấp không đúng thẩm quyền thì quá trình sáp nhập một số cụm dân cư xã Thanh Ngọc và xã Đồng Văn vào thị trấn gắn với sắp xếp lại các khối, từ 10 lên 15 khối cùng với nhiều trường hợp đất chồng lấn, đất phát sinh tăng thêm so với quyết định giao đất… Và thông qua các ngày làm việc ngoài giờ và “Ngày thứ Bảy vì dân” của Chi nhánh Văn phòng đất ký đất đai huyện cùng thị trấn để tổ chức rà soát các trường hợp khó khăn, vướng mắc, kiểm tra và đo đạc lại thực địa, đưa ra hướng giải quyết cụ thể từng trường hợp; hướng dẫn người dân kê khai, hoàn thiện hồ sơ thủ tục để cấp bìa. Từ đó đã tháo gỡ vướng mắc để cấp GCNQSD đất cho nhiều trường hợp.
Ở xã Thanh Thuỷ, “Ngày thứ Bảy vì dân” đã được tổ chức hai lần; ngoài trao GCNQSD đất cho người dân, toàn bộ lãnh đạo, viên chức Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện về tận xã thực hiện đăng ký biến động thông tin trên GCNQSD đất cho người dân sau khi sáp nhập xóm và đổi chứng minh thư bằng căn cước công dân. Theo chia sẻ của đồng chí Hà Hồng Thái – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Thanh Thuỷ, việc làm này tạo thuận lợi cho người dân không phải đi lại tốn kém xăng xe, thời gian, công sức. Đặc biệt, khi Chi nhánh cùng địa phương, người dân ngồi lại với nhau để làm rõ trường hợp nào đủ điều kiện cấp giấy và hướng dẫn người dân kê khai, hoàn thiện hồ sơ để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy GCNQSD đất. Nhờ vậy, hàng năm, xã Thanh Thuỷ cấp được 200 – 250 GCNQSDĐ, trong đó cấp GCNQSDĐ lần đầu là 30 – 50 trường hợp (đây chủ yếu là các trường hợp có vướng mắc). Đến thời điểm này, tỷ lệ cấp đổi đất nông nghiệp đạt hơn 70% (gần 30% còn lại do GCNQSDĐ gốc của các hộ dân đang thế chấp tại các cơ sở tín dụng) và đất cấp không đúng thẩm quyền cơ bản đã tháo gỡ để cấp giấy cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Quang Huy – Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện cho biết: Một vấn đề quan trọng, gây vướng mắc, lúng túng nhất ở cơ sở là xác định nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất để xem xét đủ điều kiện hay không đủ điều kiện cấp giấy và có vi phạm hay không vi phạm hành chính về đất đai, kể cả việc tăng diện tích so với văn bản giao đất. Tổ chức “Ngày thứ Bảy vì dân”, cán bộ, nhân viên Chi nhánh trực tiếp về cơ sở kiểm tra giấy tờ của người dân, xác định ranh giới, thời điểm và quá trình sử dụng đất, biến động tăng và nguyên nhân tăng, hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ. Thông qua hoạt động này sẽ không có cơ hội cho cán bộ, công chức ở cơ sở nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và “cò” cũng không có cơ hội “chen” vào; bởi UBND xã – cơ quan tổ chức kê khai, xét duyệt và Chi nhánh – cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, cùng người dân ngồi lại với nhau, trường hợp nào đủ điều kiện, trường hợp nào không đủ điều kiện cấp giấy đều rõ cả. Đây cũng là hoạt động giúp Chi nhánh thẩm định bước đầu ngay tại cơ sở để khi xã hoàn thiện hồ sơ gửi lên, đơn vị chỉ cần xem hồ sơ có sai sót gì về thông tin hay không, chứ không phải thẩm định lại đủ điều kiện hay không đủ điều kiện cấp giấy. Điều này có tác động giảm tỉ lệ hồ sơ từ xã gửi lên Chi nhánh bị trả về, từ 30% xuống còn 10% (chủ yếu do sai chỉnh tả hoặc sai số lô, thửa ghi trong hồ sơ).
Theo Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thanh Chương, “Ngày thứ Bảy vì dân” được đơn vị triển khai từ năm 2022 và đến nay đã phối hợp tổ chức tại 32 xã, thị trấn với hơn 40 cuộc được tổ chức.
Quyết liệt trong chỉ đạo.
Khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong cấp GCNQSDĐ, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cấp uỷ, chính quyền trong giải quyết các vấn đề xã hội đặt ra. Bởi vậy, thời gian qua, huyện Thanh Chương đã huy động các cấp vào cuộc với nhiều giải pháp tích cực, quyết liệt. UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo gồm các phòng, đơn vị liên quan và 3 tổ chỉ đạo cơ sở được giao phụ trách từng cơ sở cho từng người. Định kỳ 3 tháng/lần, Ban chỉ đạo huyện tổ chức giao ban với lãnh đạo, công chức địa chính cấp xã và các phòng, cơ quan cấp huyện để đốc thúc và giải quyết các vướng mắc, nhất là các trường hợp cấp đất lần đầu mà theo chia sẻ của đồng chí Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện, nhiều trường hợp phải xin ý kiến các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài Chính mới cấp giấy được cho người dân. Riêng Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện tổ chức giao ban với công chức địa chính cấp xã 1 lần/tháng để hướng dẫn, tháo gỡ về nghiệp vụ chuyên môn. HĐND huyện cũng vào cuộc giám sát, tiến hành chất vấn về công tác cấp GCNQSD đất tồn đọng theo Kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh và Kế hoạch 815/KH-UBND, ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh.
Trên cơ sở chỉ tiêu cấp giấy theo từng năm cho cơ sở, huyện cũng nghiêm túc đánh giá và xem xét trách nhiệm từng địa phương, từng công chức địa chính xã. Như năm 2022, UBND huyện đã xếp loại có 2 xã không hoàn thành nhiệm vụ và có 4 xã hoàn thành ở mức thấp về lĩnh vực tài nguyên – môi trường, trong đó có cấp GCNQSD đất. Trên địa bàn huyện đã có 1 công chức địa chính bị bắt tạm giam để điều tra và 3 công chức phải kiểm điểm trách nhiệm vì có biểu hiện nhũng nhiễu trong thực hiện hồ sơ cấp GCNQSD đất cho người dân.
Từ sự quyết liệt đó, kết quả cấp giấy GCNQSD đất trên địa bàn huyện Thanh Chương thời gian qua có nhiều chuyển biến với tỉ lệ cấp giấy các loại đất đều tăng. Riêng cấp GCNQSD đất lần đầu đối với các trường hợp tồn đọng thuộc Kế hoạch số 815/KH-UBND của UBND tỉnh, huyện đã cấp 469/1.315 trường hợp được rà soát tồn đọng và cấp trái thẩm quyền.
Bên cạnh những chuyển động tích cực, hiện tại, nhiệm vụ này đang đặt ra nhiều khó khăn. Cụ thể có 461/1.315 trường hợp được rà soát chưa đủ điều kiện cấp GCNQSD đất theo quy định pháp luật hiện hành. Cùng với đó, qua thực tiễn nắm bắt cơ sở và ý kiến phản ánh của Nhân dân tại các kỳ tiếp xúc cử tri, huyện Thanh Chương cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp chưa được cấp giấy lần đầu nhưng chưa được rà soát, thống kê, tổng hợp trong Kế hoạch số 815/KH-UBND của UBND tỉnh để giải quyết. Đây là những khó khăn đặt ra cho các cấp ở Thanh Chương cần trách nhiệm và quyết liệt hơn nữa trong “câu chuyện” này./.