Triển khai quyết liệt
Là địa bàn trung tâm của huyện Thanh Chương, để đảm bảo hành lang an toàn giao thông (ATGT) luôn thông thoáng, trong thời gian qua, ngoài làm tốt công tác tuyên truyền, ký cam kết, xây dựng các tuyến đường tự quản, UBND thị trấn Thanh Chương còn thường xuyên đẩy mạnh công tác giải tỏa hành lang ATGT trên tuyến Quốc lộ 46C, những điểm họp chợ trên địa bàn. Đến nay, UBND thị trấn Thanh Chương đã giải tỏa được 15m2 ki-ốt, 4 chợ tạm, 183m2 mái che, 36m2 bậc lên xuống, 211 biển quảng cáo, 80m2 quán bán hàng, 133 quầy hàng hóa bày bán, 92m tường rào các loại, 23 điểm tập kết vật liệu xây dựng, 4 điểm rửa xe, 3 điểm giữ xe, 1 điểm bán hàng, 28m3 vật liệu xây dựng và 5 trường hợp vi phạm khác.
Không riêng gì thị trấn Thanh Chương mà các địa phương còn lại trên địa bàn huyện cũng đã tổ chức ra quân giải tỏa hành lang ATGT. Để thực hiện tốt công tác giải tỏa, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT theo Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, trong thời gian qua, UBND huyện Thanh Chương đã ban hành nhiều kế hoạch, công văn chỉ đạo thực hiện công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT, vỉa hè đô thị trên địa bàn huyện. Đồng thời, tổ chức được 8 đợt cao điểm ra quân giải tỏa vi phạm hành lang ATGT.
Trong 2 năm qua, huyện Thanh Chương đã giải tỏa được: 9m2 nhà ở; 348m2 ki-ốt; 4.035m2 mái che; 3.562 biển quảng cáo; 461m2 quán bán hàng; 6.706m hàng rào các loại; 1.860m3 vật liệu xây dựng; 9 chợ tạm; 292 điểm bán hàng; 58 điểm rửa xe… Hiện nay, UBND huyện đã phát động công tác giải tỏa, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT đợt 1 năm 2024, với sự tham gia của 38 xã, thị trấn trên địa bàn và các lực lượng có liên quan.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Lê Đình Thanh cho biết: Trên cơ sở Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải, huyện đã chỉ đạo phòng, ban liên quan xây dựng kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể; đồng thời, HĐND huyện đưa nội dung này vào chương trình giám sát. Huyện thực hiện phương châm xã nào làm tốt, ngành nào làm tốt thì bố trí kinh phí hỗ trợ. Và ngược lại không làm tốt thì không bố trí kinh phí, đồng thời, phê bình, kiểm điểm các đơn vị không làm tốt.
Tại thành phố Vinh, từ nhiều năm nay tình trạng lấn chiếm hành lang, vỉa hè trên địa bàn diễn biến khá phức tạp; các hộ kinh doanh buôn bán, để vật liệu xây dựng lấn chiếm vỉa hè đường phố, lắp đặt biển quảng cáo không đúng quy định gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị vẫn còn diễn ra; xe ô tô dừng, đỗ ở một số tuyến đường sai quy định, nhất là các tuyến đường chính ở trung tâm thành phố gây cản trở, ùn tắc giao thông…Trước thực trạng đó, triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, thành phố đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, ký cam kết và vận động tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Cấp ủy, chính quyền các phường, xã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội đăng ký và thực hiện 136 mô hình “đường tự quản”; 2 đoạn tuyến “văn minh, kiểu mẫu”. Đồng thời, thành phố quan tâm bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Kết quả trong 2 năm thành phố đã giải tỏa được 22m2 nhà ở, 344 quán bán hàng; 86 ki-ốt hàng, 2 điểm chợ tạm; tháo dỡ 1.463 mái che, 131 bậc lên xuống, 2.896 biển quảng cáo.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh Lê Sỹ Chiến cho biết: Thành phố phân công cụ thể và gắn trách nhiệm cho từng phòng, ban, đơn vị, cá nhân trực thuộc đối với từng tuyến đường hoặc địa bàn được giao quản lý với việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi tái lấn chiếm: UBND thành phố thành lập, kiện toàn Ban ATGT thành phố; phân công trách nhiệm, địa bàn cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị, cá nhân để chỉ đạo thực hiện. Thành phố tăng cường công tác kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi tái lấn chiếm; lắp đặt camera tại các điểm “nóng”, khu vực thường xảy ra vi phạm để giám sát và xử lý. Nhờ đó, nhìn chung, bộ mặt đô thị của thành phố ngày càng khang trang, sạch, đẹp, ý thức chấp hành pháp luật của người dân đã được nâng lên.
Đồng bộ các giải pháp
Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND, toàn tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quyết liệt của chính quyền địa phương cơ sở với nòng cốt là cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã để chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Toàn bộ 21/21 huyện, thành phố, thị xã đã thành lập ban chỉ đạo, phân công cụ thể và gắn trách nhiệm cho từng phòng, ban, đơn vị, cá nhân trực thuộc đối với từng tuyến đường hoặc địa bàn được giao quản lý. Ban hành kế hoạch và tổ chức ra quân giải tỏa; các bước triển khai thực hiện giải tỏa vi phạm hành lang ATGT phù hợp với quy định của pháp luật và Kế hoạch số 36/KH-UBND của UBND tỉnh. Qua đó, các phòng, ban, đơn vị đã có ý thức nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; ý thức của người dân về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện, chuyển biến tốt hơn.
Theo báo cáo của các địa phương, tất cả 21/21 huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức ra quân giải tỏa vi phạm hành lang ATGT trên địa bàn quản lý. Kết quả từ ngày 01/01/2022 đến nay, toàn tỉnh đã giải tỏa 38.624 m2 nhà ở, ki-ốt, lều, quán các loại, 253 chợ tạm, 26.759 m2 mái che, 9.091 m2 bậc lên xuống, 19.526 biển quảng cáo, 4.725 hàng hóa bày bán, 2.414 cột điện, cột viễn thông, 19.834m tường rào, 1.757 điểm tập kết vật liệu xây dựng, 22.957 m3 vật liệu xây dựng, 659 điểm rửa xe, giữ xe, 1.422 điểm bán hàng, 59.840 cây cối và các loại vi phạm khác.
Lực lượng Thanh tra giao thông đã thực hiện kiểm tra, xử lý 236 trường hợp (lập biên bản 16 trường hợp vi phạm, xử phạt với tiền gần 115 triệu đồng. Lực lượng Công an Nghệ An đã tổ chức 856 ca tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý 3.227 trường hợp; nộp Kho bạc Nhà nước hơn 1,3 đồng; tạm giữ 412 giấy tờ ô tô, 892 giấy tờ xe máy, 1.024 biển quảng cáo, 287 ô che, 127 xô rác và nhiều tang vật khác. Các lực lượng của UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông,…
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, việc tổ chức giải tỏa vi phạm của các địa phương có dấu hiệu “chùng” xuống, thậm chí không hoạt động. Tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất của đường bộ, mái taluy đường, đường gom, công trình thủy lợi, đấu nối trái phép trên quốc lộ, đường tỉnh, tình trạng họp chợ, lợp mái che trên lề đường để kinh doanh, buôn bán diễn ra ở nhiều nơi chưa có biện pháp xử lý; nhiều tuyến phố, đoạn đường đô thị sau khi giải tỏa xong chỉ trong một thời gian ngắn đã bị tái lấn chiếm nhưng không được xử lý dứt điểm.
Ông Phan Huy Chương – Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Ban ATGT tỉnh sẽ phối hợp các sở, ngành kiểm tra một cách toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 27/2021- HĐND tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT trên địa bàn tỉnh để đánh giá một cách thực chất những hoạt động, kết quả mà địa phương đã thực hiện. Từ đó cùng tìm giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời, phát hiện, nhân rộng các cách làm hay, hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn tỉnh.