Quyền bầu cử, quyền ứng cử- những quy định của pháp luật:

Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp- đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Hiến pháp 1946- bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta đã ghi nhận quyền này tại điều thứ 18 như sau:

“Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử trừ nhữngngười mất trí và những người mất công quyền.

Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.

Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”.

Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân tiếp tục được khẳng định xuyên suốt các bản Hiến pháp 1959 (tại điều 23), Hiến pháp 1980 (tại điều 57), Hiến pháp 1992 (tại điều 54), Hiến pháp 2013 (tại điều 27). Hiến pháp hiện hành của nước ta quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân”.

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công dân địa phương thông qua bầu cử để trực tiếp lựa chọn những cá nhân có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình vào cơ quan đại diện của nhân dân ở địa phương hoặc tự mình ứng cử để được lựa chọn (thông qua bầu cử) là người đại diện cho nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Điều 2 Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân 2003 đã ghi nhận lại những quy định này của Hiến pháp “Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật”.

Quyền bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được hiểu quyền công dân được lựa chọn để bầu người xứng đáng, đại diện cho mình ở các cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương mà không bị bất kỳ sự cản trở nào. Công dân từ đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân. Quyền bầu cử bao gồm: quyền giới thiệu người ứng cử (đề cử), quyền tham gia các hoạt động bầu cử và quyền bỏ phiếu bầu.

Quyền ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân là quyền của công dân được trở thành ứng cử viên đại biểu hội đồng nhân dân khi đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Quyền ứng cử bao gồm quyền được giới thiệu ứng cử và quyền tự ứng cử. Trên cơ sở cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử theo phân bổ, cơ quan, tổ chức, đơn vị đó xem xét các tiêu chuẩn của người được ứng cử, sau khi lấy ý kiến nhận xét của cử tri tại Hội nghị cử tri, giới thiệu người của tổ chức mình ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân và đưa vào danh sách hiệp thương. Công dân có thể tự ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân nếu tự thấy mình có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện và nguyện vọng đóng góp trí tuệ cho đất nước.

Việc thực hiện quyền bầu cử, ứng cử của công dân qua cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016:

Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (16.480 m2), trong đó có 83% diện tích là đồi núi, dân số đông (gần 3 triệu người). Tại thời điểm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 có 20 huyện, thành, thị trong đó có 10 huyện miền núi, vùng cao; 479 xã, phường, thị trấn (trong đó có 248 xã miền núi, 27 xã biên giới). Toàn tỉnh có 25 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh; 225 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện; 3.952 khu vực bỏ phiếu. Vì vậy, công tác tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, dưới sự tập trung chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao, đạt 98,3%, có những đơn vị tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 100%. Không khí bầu cử phấn khởi, ngày bầu cử đã thực sự trở thành ngày hội chính trị của cử tri tỉnh nhà.

Qua cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm lỳ 2011-2016, có thể nhận thấy, công dân trên địa bàn tỉnh đã ý thức được bầu cử nói chung và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân nói riêng là quyền và nghĩa vụ của mình nên đã tích cực tham gia vào cuộc bầu cử từ giai đoạn giới thiệu người ứng cử đến giai đoạn bỏ phiếu bầu. Việc giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử được thực hiện một cách nghiêm túc trên cơ sở cơ cấu, tiêu chuẩn, số lượng đại biểu thông qua Hội nghị hiệp thương đã lựa chọn được đội ngũ ứng cử viên đáp ứng tiêu chuẩn, từ đó sàng lọc để đưa ra đội ngũ ứng cử viên đại biểu HĐND chính thức. Kết quả, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã thống nhất giới thiệu 250 ra ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh để bầu 85 đại biểu (nhiều gấp 3 lần số đại biểu được bầu), trong đó tự ứng cử 2 người (0,1%); ở cấp huyện đã giới thiệu 1.967 người để bầu 786 đại biểu; ở cấp xã đã giới thiệu 29.084 người để bầu 12.702 đại biểu, trong đó tự ứng cử 133 người. Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 đã lập danh sách sơ bộ 219 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh (trong đó có 2 trường hợp tự ứng cử); 1.656 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện (có 1 hồ sơ tự ứng cử). Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba đã chọn ra danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân, ở cấp tỉnh chọn được 135 người, ở cấp huyện chọn được 1.240 người, ở cấp xã chọn được 20.349 người. Có thể nhận thấy, số lượng người được giới thiệu chính thức ra ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân nhiều hơn số lượng được bầu để cử tri chọn lựa.

Công dân đã tích cực tham gia các Hội nghị cử tri để đóng góp ý kiến, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Tại Hội nghị cử tri, công dân bày tỏ tín nhiệm đối với những người ứng cử. Một số cử tri tỉnh nhà đã yêu cầu, xác minh, làm rõ một số vụ việc liên quanđến người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân như vấn đề kê khai tài sản, việc thực hiện công việc của người ứng cử, người ứng cử vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình… Các vụ việc đều được người có thẩm quyền xác minh, làm rõ và trả lời với công dân.

Cuộc bầu cử đã bầu ra 85 đại biểu HĐND tỉnh (trong đó: nữ 15 người, chiếm 17,6%; dân tộc thiểu số 14 người, chiếm 16,5%; trẻ tuổi 3 người chiếm 3,5%); 783 đại biểu HĐND cấp huyện (trong đó: nữ 219 người chiếm 28%; dân tộc thiểu số 148 người chiếm 18,9%; trẻ tuổi 131 người chiếm 16,73%; 2 đơn vị phải bầu cử thêm); 12.441 đại biểu HĐND cấp xã (trong đó: nữ 2.841 chiếm 23,01%; dân tộc thiểu số 2.510 người chiếm 20,33%; trẻ tuổi 2.610 người chiếm 21,14%; 91 đơn vị phải bầu cử thêm; 3 đơn vị phải bầu cử lại).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên thì cuộc bầu cử bộc lộ một số hạn chế, đó là:

Thứ nhất,Công tác giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND có nơi chưa thực sự được quan tâm. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị không giới thiệu người ứng cử hoặc giới thiệu nhưng không đủ số lượng người được ứng cử theo phân bổ (Công ty Cổ phần Mỹ nghệ Nghệ An và Công ty CP Thanh Thành Đạt xin không giới thiệu người ứng cử vì không có thời gian để tham gia; Trường Cao đẳng KTKT, UBND xã Kim Sơn, huyện Quế Phong được phân bổ 2 người nhưng chỉ giới thiệu được 1). Một số cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử, giới thiệu những người không đủ tiêu chuẩn, mất uy tín nên một vài đơn vị bầu cử số phiếu phân tán, tỷ lệ phiếu bầu của một số đại biểu trúng cử thấp; một số đơn vị bầu thiếu đại biểu (có 75 đơn vị bầu cử đại biểu cấp xã bầu thiếu đại biểu). Một số địa phương thiếu ứng cử viên đại biểu HĐND sau khi kết thúc ba hội nghị hiệp thương.

Thứ hai, Số lượng người tự ứng cử đại biểu HĐND các cấp đạt thấp. Sau ba hội nghị hiệp thương, không lựa chọn được người nào đủ điều kiện tự ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện. Số lượng người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã chỉ có 88 người/20.349 ứng cử viên (đạt 0,43%). Một số ứng cử viên tự ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của công dân thấp thậm chí có người chỉ đạt tỷ lệ tín nhiệm là 26,6%.

Thứ ba, Một số ứng cử viên tiếp xúc cử tri không đầy đủ, cá biệt có trường hợp không tham gia vận động bầu cử; Có ứng cử viên chuẩn bị dự kiến chương trình hành động của mình nếu trúng cử một cách qua loa, đại khái.

Thứ tư, Ở một số nơi công dân chưa thực sự ý thức được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong hoạt động bầu cử nên tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt thấp (VD: Tổ bầu cử số 11 của xã Yên Na tại khu vực lòng hồ thủy điện bản Vẽ chỉ có 4/111 cử tri đi bầu, đạt tỷ lệ chiếm 3,6%); Cá biệt, có 3 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND xã phải tổ chức bầu cử lại do đã để xảy ra những sự cố nhưng giải quyết không kịp thời, làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Thứ năm, Vẫn còn tình trạng bỏ phiếu thay (trong nhà có nhiều cử tri thì một người đại diện cho cả nhà đi bỏ phiếu); bỏ phiếu cho xong (không quan tâm đến ứng cử viên mình lựa chọn hoặc không lựa chọn là ai) hoặc lựa chọn theo cảm tính.

Kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và cơ chế bảo đảm thực hiện quyền bầu cử, ứng cử của công dân ở địa phương:

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức của công dân về quyền bầu cử và quyền ứng cử để công dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của việc tham gia bầu cử, ứng cử vào cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương chính là việc người dân tham gia thực hiện quyền lực nhà nước.

2. Mở rộng phạm vi lựa chọn của cử tri bằng cách tăng số lượng ứng cử viên cho một đơn vị bầu cử. Điều 42 Luật bầu cử đại biểu HĐND quy định: "Số người ứng cử đại biểu HĐND ở các đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó ít nhất là 02 người" nhưng trên thực tế ở Nghệ An thì các đơn vị bầu cử đều có số dư ở mức tối thiểu là 02 người. Tỷ lệ sít sao giữa đại biểu được bầu và số ứng cử viên thu hẹp khả năng lựa chọn của cử tri, do vậy, sẽ rất khó khăn cho việc lựa chọn được những đại biểu thật xứng đáng.

3. Đổi mới việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND các cấp theo hướng tránh tạo ra sự chênh lệch quá lớn giữa ứng cử viên này với ứng cử viên khác. Thực tế có những ứng cử viên tự cho mình hoặc tự nhìn nhận thấy mình chỉ là “quân xanh” cho các ứng cử viên khác nên vận động bầu cử chỉ mang tính hình thức, thiếu chủ động. Việc vận động bầu cử "thiếu sinh khí" của ứng cử viên khó tạo ra "không khí tranh cử", do đó cử tri sẽ không thấy được không khí "nóng bỏng" của cuộc bầu cử. Mặt khác, sự tham gia ít ỏi những người tự ứng cử (cho dù bất cứ lý do gì) so với những người được cơ quan, tổ chức giới thiệu trong danh sách bầu cử làm cho cuộc bầu cử dường như chưa thực sự mở rộng. Do đó, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục tự ứng cử để tạo điều kiện cho nhiều người đáp ứng đủ những điều kiện của ứng cử viên có thể tham gia tự ứng cử.

4. Quy định đặc thù hơn về tiêu chuẩn đại biểu HĐND các cấp; làm rõ quy định tại khoản 3 điều 3 Luật hiện hành "có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu" để tạo điều kiện cho công dân tự nhìn nhận, đánh giá khả năng của mình khi quyết định tự ứng cử đại biểu hoặc được cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử. Mặt khác, quy định và áp dụng các quy định về tiêu chuẩn đại biểu và cơ cấu đại biểu sao cho đảm bảo sự hài hòa giữa yêu cầu về tiêu chuẩn đại biểu với yêu cầu về cơ cấu, thành phần đại biểu. Để đảm bảo chất lượng đại biểu, cần ưu tiên đề cao tiêu chuẩn đại biểu trước rồi mới tính đến yêu cầu bảo đảm cơ cấu, thành phần sau. Có như thế thì khi được cử tri tín nhiệm bầu và trúng cử, người đại biểu mới thực hiện tốt được nhiệm vụ đại biểu của mình, không phụ lòng mong đợi, kỳ vọng của cử tri.

5. Điều chỉnh rút gọn và thực chất hơn bước hiệp thương lần thứ hai về việc lập danh sách sơ bộ những người ứng cử. Việc điều chỉnh sẽ giảm bớt một số khâu mang tính hình thức trong công tác hiệp thương, đồng thời điều chỉnh tăng thời gian cho các bước tiếp theo của công tác hiệp thương được hợp lý hơn mà vẫn giữ vai trò của Mặt trận Tổ quốc.

6. Nâng cao năng lực hoạt động của HĐND các cấp, trao quyền thực sự choHĐND để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương. Đồng thời có cơ chế để tạo điều kiện cho đại biểu HĐND thực hiện vai trò đại diện của nhân dân trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Khi hoạt động của HĐND không còn hình thức, khi vai trò của đại biểu HĐND được coi trọng và khẳng định người dân sẽ phát huy tối đa quyền làm chủ của mình thông qua quyền bầu cử, quyền ứng cử đại biểu HĐND các cấp./.

An Chung- Thu Nguyễn