Lãnh đạo Vụ BHYT (Bộ Y tế) sáng 19/11 cho biết hiện nay, Danh mục và quy định về thanh toán BHYT đối với thuốc đang được thực hiện theo Thông tư số 20/2022. Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, thông tư này bộc lộ một số vấn đề vướng mắc, đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh theo thực tế.

Bộ Y tế ban hành Thông tư 37/2024 (hiệu lực từ năm 2025) với nhiều quy định mới nhằm gỡ khó cho bệnh viện và thuận tiện cho người bệnh.

Điểm đáng chú ý trong Thông tư 37 là Bộ Y tế sửa đổi cấu trúc danh mục áp dụng đối với danh mục thuốc hóa dược và sinh phẩm là bỏ các cột phân hạng bệnh viện sử dụng thuốc.

Trước đây, thuốc được sử dụng và thanh toán BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh theo hạng bệnh viện bao gồm: bệnh viện hạng Đặc biệt (như Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung ương Huế...); hạng I (thường là các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh), hạng II, hạng III và hạng IV; tuyến chuyên môn kỹ thuật bao gồm: các tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã.

w-thuoc-benh-vien-viet-duc-56091.jpg?width=0&s=VF-hVLufdLoQE0TvhL-CXA
Bán thuốc cho người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hải

Vụ BYTT nhìn nhận việc không phân chia danh mục thuốc theo hạng bệnh viện có nhiều ưu điểm. Cụ thể, các cơ sở khám chữa bệnh được sử dụng toàn bộ thuốc trong danh mục, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật.

Đồng thời, quy định này góp phần hạn chế tình trạng người bệnh lựa chọn đi khám chữa bệnh tại các cơ sở cấp chuyên môn kỹ thuật cao, giảm bớt tình trạng quá tải tại các cơ sở này.

Thông tư cũng bổ sung các quy định mới về hướng dẫn thanh toán thuốc như quy định thanh toán đối với thuốc tại trạm y tế xã, góp phần tăng cường tiếp cận thuốc cho người bệnh mắc bệnh mạn tính khi được quản lý, điều trị tại trạm y tế.

Hoặc, quy định thanh toán đối với thuốc điều trị bệnh mạn tính khi người bệnh đang trong thời gian điều trị nội trú bệnh lý khác, nhằm bảo đảm người tham gia BHYT được tiếp cận sử dụng liên tục và bảo đảm quyền lợi về thanh toán BHYT đối với thuốc.

Ngoài ra, Thông tư còn có quy định thanh toán thuốc trong trường hợp đặc biệt, góp phần tạo tính linh hoạt trong những tình huống như thiên tai, chiến tranh, thảm họa,...

Bộ Y tế đánh giá quy định mới trong Thông tư 37 giúp bổ sung các trường hợp được quỹ BHYT thanh toán nhằm tăng cường tiếp cận thuốc, linh hoạt trong hướng dẫn thanh toán cho người bệnh, tạo điều kiện cho cơ sở khám chữa bệnh được chi trả những chi phí thuốc mà trước kia chưa được thanh toán do chưa có hướng dẫn cụ thể.