dbnd_br_ctqh1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Giải pháp nào quản lý hiệu quả đối với thực phẩm chức năng?

Kết thúc ngày làm việc hôm qua, có 8 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Đào Hồng Lan, trong đó nhiều câu hỏi tập trung vào công tác quản lý nhà nước đối với các thực phẩm chức năng.

Những năm gần đây, tình trạng chào bán các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng xách tay tràn lan xuất hiện trên thị trường, đặc biệt đã tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe người dân, tiềm tàng ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội. Nêu vấn đề này, ĐBQH Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) đề nghị Bộ trưởng với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành thì trách nhiệm về quản lý như thế nào và có giải pháp gì khắc phục trong thời gian tới?

Theo quy định thì dược sĩ phải có mặt tại nhà thuốc khi mở cửa hoạt động, thuốc kê đơn chỉ được bán khi có đơn của bác sĩ, nhưng hiện nay hầu hết các nhà thuốc không có dược sĩ, thuốc kê đơn không có đơn vẫn bán một cách tràn lan. Trước thực trạng này, ĐBQH Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế và Bộ trưởng có cam kết như thế nào để chấm dứt được những tình trạng trên?

Liên quan đến công tác quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) nêu vấn đề: Việc quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm, thực phẩm bổ sung và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố sản phẩm mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, không gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý địa phương; công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc sản phẩm không được hậu kiểm và có nguy cơ dẫn đến sản phẩm không được đảm bảo an toàn.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết vấn đề này?

dbnd_br_ctqh4.jpg
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

Báo cáo 1467 của Bộ Y tế có nêu những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược, mỹ phẩm. Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng có xác định lực lượng quản lý nhà nước tại các địa phương rất mỏng và một trong những giải pháp khắc phục được Bộ Y tế đưa ra trong báo cáo là tăng cường quản lý công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, xử lý nghiêm các vi phạm.

Đặt vấn đề nêu trên, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Bộ trưởng cho biết trong bối cảnh Chính phủ quyết liệt thực hiện chủ trương tinh giản biên chế thì làm thế nào để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, vì nhân lực mỏng, không đủ lực lượng để thanh tra, kiểm tra, nhất là tại các địa phương có số lượng lớn các cơ quan sản xuất và kinh doanh các mặt hàng này?

Cùng mối quan tâm, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) nêu rõ, chưa bao giờ thực phẩm chức năng đa dạng, phong phú như hiện nay, thu hút rất lớn lượng người sử dụng, từ trẻ nhỏ, người trưởng thành đến người già. Theo đó cũng còn rất nhiều người dùng chưa biết cách sử dụng đúng cách, hợp lý. Việc lạm dụng sử dụng thực phẩm chức năng có thể gây ra các phản ứng dị ứng, làm rối loạn quá trình đồng hóa, trao đổi chất của cơ thể do nhận dư thừa chất bổ, chất dinh dưỡng. Thậm chí người bệnh sử dụng thực phẩm chức năng không đúng, không hợp lý sẽ làm mất đi thời gian vàng chữa trị bệnh cho họ.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị Bộ trưởng cho biết, giải pháp căn cơ, hiệu quả nào để người dân hiểu đúng, hiểu đủ về thực phẩm chức năng để biết cách sử dụng đúng, mang lại hiệu quả đúng với bản chất công dụng của thực phẩm chức năng và để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân?

ĐBQH Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) nêu vấn đề: Khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai, ngoài thuốc men, vật tư y tế thì nguồn nhân lực chăm sóc y tế cũng rất quan trọng, trong cuộc chiến khốc liệt đó thực tế đã có nhiều cán bộ y tế hy sinh, như Covid-19 vừa rồi hoặc trong phòng, chống thiên tai, lụt bão nhưng chưa được công nhận liệt sĩ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm đối với việc đề xuất chính sách này?

"Theo tôi, cả 3 chân kiềng ngành y tế gồm có dự phòng, điều trị và cung ứng đều đang rất khó khăn". Nêu câu hỏi này, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp đột phá để tháo gỡ các điểm nghẽn?

Ví dụ về cung ứng, thì tình trạng thiếu thuốc là triền miên. Hiện giờ chúng ta đang có vấn đề là các bệnh nhân thiếu thuốc phải tự mua thuốc bảo hiểm y tế trong thời gian qua và cho tới giờ vẫn chưa có một động thái nào về phía cơ quan chức năng để có thể đền bù lại chi phí này. Đối với việc bùng phát sởi do thiếu vaccine chúng ta khắc phục như thế nào?

Về điều trị, bao giờ Bộ sẽ có tổng kết chính thức về mô hình xã hội hóa các cơ sở khám, chữa bệnh để thật sự tăng tính tự chủ của các cơ sở chứ không chỉ cắt giảm về chi từ ngân sách? Bộ trưởng có đấu tranh gì để tăng ngân sách đầu tư cho ngành y tế.

Về dự phòng, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị Bộ trưởng cho biết, thu nhập của nhân viên y tế và tình trạng xin nghỉ việc đã có cải thiện gì và nếu như dịch bệnh quay trở lại thì ngành y tế chúng ta có tự tin ứng phó được hay không?

Có tình trạng trốn công bố, đăng ký với một số loại thực phẩm chức năng

Trả lời các chất vấn của đại biểu liên quan đến vấn đề quản lý thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, quy định trong Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm đã tạo cơ hội để chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, bảo đảm thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với thực phẩm chức năng.

dbnd_br_ctqh3.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

Theo Bộ trưởng, thực phẩm chức năng gồm có thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng, y học... Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dinh dưỡng, y học thì phải có cơ chế đăng ký với các cơ quan nhà nước; còn đối với thực phẩm bổ sung, như: sữa, bánh, các loại vitamin… là tự công bố.

Thế nhưng, trong thực tiễn có những trường hợp là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng lại đưa ra dưới dạng thực phẩm bổ sung để trốn tránh việc phải công bố và đăng ký với các cơ quan nhà nước.

Do đó, về giải pháp, trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã tăng cường kiểm tra đối với công tác hậu kiểm và hàng năm, cơ quan liên ngành của Ban chỉ đạo quốc gia về an toàn thực phẩm đều ban hành kế hoạch kiểm tra hậu kiểm trên toàn quốc, Bộ trưởng cho biết.

111120240354-z6021415446192-47288bf9bc023a23cfdcda536d9e8c71.jpg
Các đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Ví dụ từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm cho 24.643 sản phẩm bảo vệ sức khỏe; trên cơ sở đó đã cùng với các địa phương chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm bảo vệ sức khỏe.

Qua đó, đã phát hiện và xử lý 126 hành vi vi phạm; các địa phương đã kiểm tra 941.836 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bao gồm cả thực phẩm chức năng, trong đó có 85.551 cơ sở vi phạm, phạt tiền đối với 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt lên tới gần 124 tỷ đồng…

Quy định chặt chẽ các điều kiện kinh doanh thực phẩm chức năng

Liên quan đến tình trạng chào bán các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng xách tay xuất hiện tràn lan trên thị trường, đặc biệt là nó đã lan tỏa tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe người dân, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, quy định của pháp luật hiện hành đối với thực phẩm chức năng cũng như mỹ phẩm được quản lý theo cơ chế hậu kiểm, công bố sản phẩm và kiểm tra hậu mãi.

Với cơ chế này thì tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường đăng ký kinh doanh đối với đơn vị có chức năng kinh doanh mỹ phẩm và tiến hành công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đó là Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tùy theo từng loại sản phẩm. Cơ quan quản lý sẽ tiến hành kiểm tra, hậu mại và xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm.

111120240353-z6021415366892-a49e18877ab5a4c9d7aa4cc904ac19bf.jpg
Các đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Hiện nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng đã có những định nghĩa liên quan tới hàng nhập lậu.

Đối với các sản phẩm còn có hiện tượng lách, ví dụ bán trên các website, trang thương mại điện tử hoặc tổ chức các hội thảo... để mà lừa dối người tiêu dùng, đặc biệt là đối với người cao tuổi…, Bộ trưởng cho biết, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng và mỹ phẩm theo hướng quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh, tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng cho biết, cần đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng hải quan, biên phòng, quản lý thị trường và các tổ chức liên quan trong việc kiểm tra, ngăn chặn lưu thông hàng hóa trái phép trên thị trường.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của MTTQ, Hội Bảo vệ quyền lợi tiêu dùng, nhất là ở cấp chính quyền địa phương để phát hiện những hành vi sai phạm và xử lý theo quy định.

Ngoài ra, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, cung cấp những cảnh báo đến người tiêu dùng để có nhận thức và không mua những sản phẩm giả như vậy, Bộ trưởng nói.

Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu chất vấn thuộc lĩnh vực y tế.

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế.

Trung Thành