Cụ thể, trong Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng kết Kỳ họp thứ Ba và chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV do Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành có hai điểm đáng chú ý đặc biệt:

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, sớm chuẩn bị các nội dung trình tại Kỳ họp thứ Tư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan nói trên tổ chức hội thảo, tọa đàm, các cuộc trao đổi, làm việc giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo để bảo đảm chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết; nhất là các dự án luật khó, phức tạp như Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Điều này trước hết cho thấy tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa cho mọi khâu, mọi việc và tinh thần cầu thị, lắng nghe - thể hiện qua hoạt động tham vấn chuyên gia, các đối tượng chịu tác động chính sách và các cuộc làm việc giữa cơ quan chủ trì thẩm tra với cơ quan soạn thảo, đã trở thành “nếp” của các cơ quan của Quốc hội.

Hơn thế nữa, tinh thần này đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng tới các bộ, ngành, địa phương thông qua việc yêu cầu các cơ quan khẩn trương, sớm chuẩn bị các nội dung trình tại Kỳ họp thứ Tư. Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ. Khi cơ quan soạn thảo dự án luật chuẩn bị các phần việc của mình từ sớm, từ xa và tăng cường tham vấn các bên liên quan cũng như đội ngũ chuyên gia thì chắc chắn sẽ góp phần bảo đảm tiến độ và chất lượng dự thảo luật. Đây cũng là điều kiện “cần” để các cơ quan thẩm tra làm tốt phần việc của mình. Có như vậy, dự án luật khi đặt lên bàn nghị sự Quốc hội mới đạt chất lượng cao nhất.

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan có liên quan sớm xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Kế hoạch tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về các nội dung dự kiến trình Quốc hội.

Trong đó, nghiên cứu cách thức tổ chức Hội nghị cho hợp lý, hiệu quả, bảo đảm lấy được tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội. Định hướng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chia nhóm nội dung để tổ chức thảo luận. Đại biểu Quốc hội quan tâm nội dung nào sẽ đăng ký tham dự góp ý nội dung đó, không nhất thiết tham dự tất cả nội dung như lâu nay.

Định hướng này cho thấy Quốc hội đang tìm tòi đổi mới trong từng khâu, từng việc nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội như tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Và nếu cách làm này - đại biểu quan tâm nội dung nào sẽ đăng ký tham dự góp ý nội dung đó - được triển khai trong thực tế thì đây sẽ là điểm đổi mới đột phá góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật.

Thực tế, kể cả các đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng khó mà giỏi hết trong mọi lĩnh vực. Hơn nữa, mức độ quan tâm của đại biểu đến các vấn đề cũng khác nhau. Khi góp ý vào nội dung mình quan tâm và có kiến thức sâu, chắc chắn phát biểu của đại biểu Quốc hội sẽ chất lượng hơn và giúp ích nhiều hơn cho cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra.

Rõ ràng, bằng những việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, lãnh đạo Quốc hội đang cho thấy đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội không chỉ là những đề án, chiến lược to tát mà có thể cụ thể hóa ngay trong những việc quen thuộc, thường ngày. Điều này chắc chắn sẽ làm cử tri hài lòng và có thêm niềm tin vào Quốc hội Khóa XV.

Hà Lan