Toàn cảnh phiên làm việc sáng 24/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, cũng như rà soát, tiếp thu, chỉnh lý về từ ngữ, văn phong, kỹ thuật lập pháp ở hầu hết các điều, khoản của dự thảo Luật.
Cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về khám bệnh, chữa bệnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu mở đầu phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.
Theo đó, dự thảo Luật đã tiếp thu các nội dung về: chính sách mới; chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; các hành vi bị nghiêm cấm; giấy phép hành nghề; sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn chất lượng và đánh giá, chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám chữa bệnh; quy định liên quan đến cấp cứu; dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa; khám bệnh, chữa bệnh lưu động và khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh
Tuy nhiên, đây là dự án luật quan trọng, được nhiều cử tri và nhân dân hết sức quan tâm. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Dự án Luật hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau về tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh; các quy định về chuyên môn, kỹ thuật; định hình hệ thống y tế; mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường; việc xã hội hóa; cơ chế tự chủ tài chính, hợp tác công tư... nên đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về các vấn đề trọng tâm đã nêu trong báo cáo cùng các nội dung khác đại biểu quan tâm.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Khánh
Tại phiên làm việc sáng nay, các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về các vấn đề trọng tâm đã nêu trong báo cáo cùng các nội dung khác đại biểu quan tâm, như về: Chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; các chính sách mới được bổ sung (thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh và quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh).
Các ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh
Các đại biểu Quốc hội còn thảo luận về các nội dung như: Hội đồng Y khoa quốc gia; dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh; cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; thời điểm thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và các vấn đề quan tâm khác để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Thành Duy - Phan Hậu