qh-21-11-1700535590735.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%

Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày. Theo đó, về cơ bản, tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội giao đã được thực hiện tốt, một số nội dung vượt chỉ tiêu. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh, trật tự phục vụ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

qh-2102-1700535784610.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn về kinh tế - xã hội làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật; nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật còn hạn chế; năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, Chính phủ đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về trật tự xã hội; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Chính phủ tiếp tục rà soát, khắc phục sơ hở, thiếu sót để phòng ngừa tội phạm; chủ động nhận diện, phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt…

qh-2101-1700535834083.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Kịp thời tham mưu với Đảng, Quốc hội các chủ trương, giải pháp bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…

Kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố

Báo cáo công tác năm 2023, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, năm 2023, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Trong bối cảnh đó, toàn ngành kiểm sát nhân dân đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 98.466 vụ án hình sự (tăng 20,4% so với năm 2022).

qh-2103-1700535955675.jpg
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo. Ảnh: Lâm Hiển

Về một số kết quả thực hiện trong năm 2023, các chỉ tiêu quan trọng cơ bản đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Cụ thể, toàn ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 168.578 nguồn tin về tội phạm (tăng 13,5%), bảo đảm 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kiểm sát. Yêu cầu khởi tố 790 vụ án; yêu cầu hủy bỏ 12 quyết định khởi tố vụ án do chưa bảo đảm căn cứ pháp luật; trực tiếp ra 20 quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật. Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 134.501 vụ/209.197 bị can (tăng 17,9% số vụ và 15,4% số bị can); kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố…

Tuy nhiên, Viện trưởng Lê Minh Trí cũng nêu rõ, chỉ tiêu về chất lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính và kháng nghị giám đốc thẩm các vụ, việc dân sự chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Nguyên nhân chủ yếu là do các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân sự, hành chính rất rộng, nhất là lĩnh vực liên quan đến đất đai trong thực tế còn có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng chưa được hướng dẫn thống nhất, dẫn đến việc nhận thức, áp dụng pháp luật, đánh giá tài liệu, chứng cứ giữa Tòa án và Viện kiểm sát còn khác nhau.

Trong năm 2024, ngành kiểm sát xác định tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong thực hành quyền công tố, đặc biệt là nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm. Chủ động kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm và các cơ quan hữu quan loại trừ các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm để bảo vệ quyền lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

qh-2104-1700536037201.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Giải quyết, xét xử các vụ án hình sự đạt 98%

Báo cáo công tác năm 2023, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2023, các Tòa án đã thụ lý 606.209 vụ việc, giải quyết được 540.490 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,16%; cao hơn năm trước 0,26%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,89%, thấp hơn năm trước 0,01% và đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%).

Về các vụ án hình sự, các Tòa án đã thụ lý 96.084 vụ với 182.717 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 94.161 vụ, với 176.040 bị cáo, đạt tỷ lệ 98% về số vụ và 96,35% về số bị cáo (cao hơn năm trước 0,29% về số vụ và 0,21% về số bị cáo), vượt 10% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao (trên 88%). Về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các Tòa án đã thụ lý 468.828 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 408.070 vụ việc; đạt tỷ lệ 87,04 %, vượt 9,04% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao (trên 78%)…

211120230856-z4900357890480_a918-1700536182352.jpg
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo. Ảnh: Lâm Hiển

Bên cạnh đó, toàn ngành cũng đã tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý công chức, người lao động có hành vi vi phạm được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.

Tuy nhiên, tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao; một số Tòa án giải quyết án còn chậm so với quy định; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm còn chưa cao…

Trong thời gian tới, toàn ngành xác định thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra. Tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn xét xử. Đổi mới quy trình lựa chọn và công bố án lệ theo hướng rút ngắn về thời gian và thủ tục, nâng cao chất lượng của án lệ…

Tính đến ngày 30.9.2023, còn 180.905 người có án phạt tù

Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2023, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được duy trì và thực hiện có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật về thi hành án dân sự. Chính phủ cũng tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Tư pháp triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội giao. Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế…

Về kết quả thi hành án dân sự, tổng số việc phải thi hành là 923.541 việc, có điều kiện thi hành 691.593 việc; thi hành xong 575.667 việc, đạt tỉ lệ 83,24%. Về kết quả thi hành án hành chính, các cơ quan đã thực hiện theo dõi 1.388 bản án, quyết định có hiệu lực có nội dung phải thi hành. Đến nay, đã thi hành xong 582 bản án, quyết định (tăng 153 bản án, quyết định so với năm 2022). Về hoạt động Thừa phát lại, hiện có tổng số 194 Văn phòng Thừa phát lại và đã tống đạt được 828.275 văn bản, lập 90.741 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 9 việc, thụ lý tổ chức thi hành án 5 vụ việc, doanh thu đạt hơn 173 tỷ đồng.

Về công tác thi hành án hình sự, tính đến ngày 30.9.2023, còn 180.905 người có án phạt tù. Công tác xét, đề nghị tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện, đã đề nghị tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho 103 phạm nhân; đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho gần 98.000 phạm nhân; lập hồ sơ, đề nghị và được tòa án nhân dân có thẩm quyền quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện cho trên 1.600 phạm nhân…

Trong thời gian tới, trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, Thừa phát lại xác định sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước; Chỉ thị số 04-CT/TW; Kết luận số 05-KL/TW. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, chỉ đạo hoàn thiện Dự thảo các văn bản pháp luật trình Quốc hội ban hành. Tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 và Nghị quyết số 16/2021/QH15…

Tội phạm xâm hại trẻ em tăng tăng 41,88% so với cùng kỳ năm 2022

Trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy an Tư pháp cơ bản tán thành với nhiều nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Tuy nhiên, tổng thể chung tội phạm gia tăng về số vụ, số người chết, và thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra chứng tỏ công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực còn có mặt chưa đạt yêu cầu. Điều này không chỉ gây bất an trong Nhân dân về trật tự, an toàn xã hội mà còn thể hiện sự hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực.

qh-2105-1700536400240.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo. Ảnh: Lâm Hiển

Về công tác phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm tuy đạt kết quả tích cực, đạt được nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao song kết quả phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Nhiều vụ mua bán người ở trong nước diễn ra rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn. Tội phạm xâm hại trẻ em tăng so với cùng kỳ năm 2022 (xảy ra 1.853 vụ tăng 41,88%). Các vụ việc xâm hại trẻ em mặc dù đã có sự quan tâm chỉ đạo, xử lý của Quốc hội và các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn diễn ra phức tạp. Đặc biệt, xảy ra nhiều vụ việc người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng xâm hại thân thể, tính mạng, xâm hại tình dục trẻ gây bức xúc dư luận.

Về báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2023, viện kiểm sát các cấp tiếp tục chú trọng công tác này, nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số trường hợp phải đình chỉ điều tra đối với bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can phạm tội, liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát; vẫn còn một số trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt…

Về công tác kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự đạt nhiều kết quả tích cực song chất lượng công tác kiểm sát tại một số Viện kiểm sát địa phương chưa cao, nhất là về điều kiện, tiêu chuẩn xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, nên chưa kịp thời phát hiện vi phạm để kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục và xử lý vi phạm. Vẫn còn một số quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện bị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị, Tòa án cấp có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ do áp dụng pháp luật không đúng, trong khi Viện kiểm sát cùng cấp không phát hiện được vi phạm để kháng nghị…

Về công tác của các tòa án, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2023, số lượng vụ án đã được thụ lý tăng so với năm 2022, các Tòa án đã phối hợp với Viện kiểm sát đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án, đặc biệt là các vụ án lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tuy nhiên, còn một số trường hợp áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; một số trường hợp vi phạm thời hạn gửi bản án, quyết định cho Viện Kiểm sát.

Về công tác thi hành án và thực hiện chế định Thừa phát lại, Ủy ban Tư pháp cho rằng, năm 2023, hoạt động của Cơ quan thi hành án dân sự đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm trong việc thi hành Luật Tố tụng hành chính; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thi hành án hành chính ở địa phương. Hoạt động Thừa phát lại có nhiều phát triển tích cực.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng án có điều kiện thi hành tồn đọng chuyển kỳ sau còn ở mức cao; việc thu hồi khoản nợ cho các tổ chức tín dụng còn chậm, kết quả thi hành xong thấp hơn so với cùng kỳ. Kết quả thi hành án hành chính mới đạt 42,32%; nhiều trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước không tự nguyện thi hành, dẫn đến Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành. Hoạt động thừa phát lại vẫn còn hạn chế, nhất là về xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án.

Trong ngày hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về các báo cáo trên.