Sáng 21-12, tiếp tục phiên họp 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung, chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự kiến kỳ họp khai mạc vào thứ Năm (ngày 5-1-2023) và bế mạc vào chiều thứ Hai (ngày 9-1-2023).

tong-thu-ky-qh-bui-van-21-12-9928--n1.jpg

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tại kỳ họp bất thường lần thứ hai này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định năm nội dung, gồm:

- Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

- Việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

- Xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách, gồm: việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

Với nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ GTVT quản lý, ông Cường thông tin do Chính phủ chưa gửi hồ sơ tài liệu chính thức nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét, cho ý kiến. Do đó, theo ông, chưa có cơ sở để trình Quốc hội xem xét nội dung này tại kỳ họp bất thường lần thứ hai.

Liên quan đến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay về cơ bản các nội dung lớn đã được cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo luật thống nhất tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội.

ba-nguyen-thuy-anh-4281.jpg

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đáng chú ý, dự thảo luật đã quy định Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Thủ tướng thành lập.

Hội đồng Y khoa quốc gia có các nhiệm vụ như chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề…

Theo bà Thúy Anh, hiện có một nội dung liên quan đến Hội đồng Y khoa quốc gia chưa được thể hiện tại dự thảo luật, là xác định mô hình tổ chức, địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia.

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề.

“Để thận trọng và thuận tiện cho Chính phủ trong quá trình điều hành, dự thảo Luật ghi nhận hình thức tổ chức này theo hướng quy định Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập; giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của tổ chức này”- bà Thủy Anh nói.

Theo bà Thúy Anh, tới đây, Ủy ban Xã hội sẽ họp về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án luật này, để chậm nhất là ngày 30-12-2022 hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ hai.

ĐỨC MINH