Tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp
Sau gần hai năm chống chọi với dịch Covid-19 và rơi vào trạng thái gần như tê liệt hoạt động do phải thực hiện giãn cách xã hội, cuối năm ngoái, doanh nghiệp vận tải hành khách với gần 300 đầu xe của ông Đoàn Thế Xuyên (tỉnh Quảng Ninh) đã rục rịch chạy trở lại. Dù chỉ mới hoạt động khoảng trên 30% công suất, "chạy là lỗ" song “còn hơn để xe nằm im tại bãi”. Tuy vậy, giá xăng liên tiếp lập đỉnh trong một tháng qua khiến ông Xuyên như ngồi trên đống lửa vì lỗ chồng lỗ.

Đây cũng là tình cảnh chung của các doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh hiện nay. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP. Hồ Chí Minh Lê Trung Tính xác nhận, hiện, các doanh nghiệp trên địa bàn mới chỉ hoạt động chưa đạt 50% công suất. Thời gian qua, một số nơi xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu cục bộ khiến người dân, doanh nghiệp rất bức xúc. Thực tế, các ngành chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phải xem xét giảm thuế với xăng, dầu song đến nay “giải pháp căn cơ vẫn chưa rõ”. Do đó, việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo giám sát về vấn đề xăng dầu là rất cần thiết, kịp thời, đáp ứng mong mỏi của cử tri và cộng đồng doanh nghiệp vận tải, ông Tính nói.
Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên chia sẻ: Hiện, chi phí nhiên liệu cho một container lạnh chở rau quả xuất khẩu theo đường bộ lên biên giới phía Bắc chiếm 40 - 50% giá thành vận chuyển. Giá xăng liên tiếp lập đỉnh đã ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. “Giá xăng dầu trong nước tăng theo đà tăng của thế giới là tất yếu, nhưng còn nhiều vấn đề chưa rõ, gây bức xúc như chuyện nhập khẩu, cung ứng xăng dầu liệu đã phù hợp, giá thành liệu có thể điều chỉnh giảm được không để hỗ trợ doanh nghiệp?… Điều này cần có câu trả lời minh bạch. Do vậy, Quốc hội giám sát sẽ góp phần làm sáng rõ những vấn đề này, để tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp”, ông Nguyên tin tưởng.
Công khai, minh bạch kết quả giám sát
Xăng dầu được ví như huyết mạch của nền kinh tế. Thời gian qua xuất hiện tình trạng khan hiếm do một số cửa hàng xăng đóng cửa, không bán hàng, giá xăng tăng cao đã gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân. Đặc biệt, giá xăng tăng kéo theo giá các mặt hàng, dịch vụ tăng, tạo sức ép lớn lên việc kiểm soát lạm phát.
Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2.2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm nay, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính một phần do giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới. Trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng thì nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,35% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 21.1, 11.2 và 21.2.2022 làm chỉ số giá xăng dầu tăng 5,8% (tác động CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm).
Từ thực tế đó, việc giám sát của Quốc hội đối với xăng dầu đang đặt ra rất nhiều kỳ vọng. Theo TS. Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, từ thực tế khan hiếm xăng dầu cục bộ thời gian qua đã đặt ra vấn đề cần xem xét tổng thể cách điều hành xăng dầu hiện nay. "Giám sát của Quốc hội sẽ đưa ra bức tranh tổng thể, từ đó có kế hoạch, chiến lược cụ thể cho vấn đề “huyết mạch” này, bảo đảm cho nền kinh tế ổn định để phát triển”.
Theo ông Nhân, cuộc giám sát lần này cần làm rõ quy trình nhập, cung ứng xăng dầu ra thị trường; chỉ ra những lỗ hổng, thiếu sót và các cảnh báo; trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, trực tiếp là Bộ Công thương trong việc dự báo, chuẩn bị nguồn cung. Bên cạnh đó, cần làm rõ việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ để xử lý số tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo tinh thần Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội, làm rõ khả năng cung ứng xăng dầu trong nước.
“Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đối phó với những bất ổn chính trị, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung xăng dầu, dự báo giá dầu tiếp tục tăng cao, việc đưa ra những kịch bản, kế hoạch cụ thể là rất cần thiết, bao gồm cả việc chuẩn bị nguồn dự trữ, nhập ở đâu, nhập như thế nào, bảo đảm nguồn cung trong nước ra sao là rất cần thiết. Nếu chúng ta không thể bảo đảm ổn định nguồn cung xăng dầu thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế”, ông Nhân kiến nghị.
Đại diện các doanh nghiệp đề xuất, từ cuộc giám sát này cũng cần đánh giá về các loại thuế đối với xăng dầu hiện nay. Kết quả giám sát cần được công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp.
Đặt rất nhiều kỳ vọng vào cuộc giám sát của Quốc hội lần này, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng đề xuất: Cần làm rõ hiệu quả hoạt động của Quỹ bình ổn (gồm thu, chi kể từ khi thành lập đến nay) và công khai kết quả này. Cùng với đó, cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu càng sớm càng tốt. “Trước mắt, Quốc hội có thể xem xét giảm hoặc tạm dừng thu thuế bảo vệ môi trường 4.000 đông/lít xăng E5 và 3.800 đồng/lít xăng RON 92 để giảm giá xăng, bởi cả hai đều là xăng nhiên liệu sạch”, ông Hùng kiến nghị.
Báo cáo kết quả giám sát trong tháng 3
Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan có liên quan thực hiện theo dõi, nắm bắt tình hình về sản xuất, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong giai đoạn hiện nay và việc bình ổn thị trường xăng dầu trong nước; tình hình hoạt động và thực trạng về tài chính của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đồng thời, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2021/QH15. Trên cơ sở đó, các cơ quan báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát trong tháng 3.2022.
Minh Châu