Toàn cảnh phiên làm việc ngày 10/11 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh |
Sáng 10/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với 443 ĐBQH tán thành, chiếm 88,96%. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến dân chủ ở cơ sở tại Chỉ thị số 30-CT/TW, Kết luận số 120-KL/TW, Thông báo kết luận số 160-TB/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó nhấn mạnh phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây là một dự án Luật khó, có tính đặc thù trong thể chế chính trị - pháp lý của Nhà nước ta, phạm vi điều chỉnh bao trùm và tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau như: Tên gọi của dự án luật, thành lập Liên đoàn Hợp tác xã, vị trí, vai trò của Liên minh được hợp tác xã, các hình thức tổ chức hợp tác xã, kế toán, kiểm toán hợp tác xã.
Các ĐBQH Đoàn Nghệ An tại phiên làm việc sáng 10/11 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh |
Việc sửa đổi Luật Hợp tác xã nhằm bổ sung, hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống các thành viên của tổ chức kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Chiều 10/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với 465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,37% tổng số ĐBQH. Theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng được thông qua là tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 của cả nước đạt khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.
Đại biểu phát biểu thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) Ảnh: Quang Khánh |
Chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2023, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) liên quan đến các nội dung như: Cần làm rõ khái niệm người tiêu dùng; có quy định chi tiết về loại hình bán hàng trực tiếp, bán hàng đa cấp; hướng đến các giải pháp hữu hiệu, kịp thời để thể chế hóa hình thức bảo vệ người tiêu dùng; người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin về sản phẩm, hàng hóa; mở rộng đối tượng yếu thế cần ưu tiên bảo vệ trong dự thảo Luật.
Các ĐBQH Đoàn Nghệ An tại phiên làm việc sáng 10/11 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh |
Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thích ứng với môi trường kinh doanh mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.