bna-mai-hoa-4-723.jpg
Đồng chí Nguyễn Nam Đình, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu bế mạc Hội nghị

...

Sau một buổi làm việc tích cực, cởi mở, nghiêm túc và hiệu quả, Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã cụm 2, lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026 với chủ đề "Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của HĐND các cấp" đã hoàn thành nội dung đề ra.

Hội nghị đã được nghe 09 tham luận trong đó 08 tham luận của đại diện Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã, đặc biệt Hội nghị đã được nghe ý kiến, trao đổi kinh nghiệm hoạt động nói chung và kinh nghiệm tổ chức công tác giám sát nói riêng của đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Thị An Chung.

Tại Hội nghị này, chúng ta đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát chuyên đề, trong đó nhấn mạnh các vấn đề: kinh nghiệm lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề; trao đổi, làm rõ sự khác nhau giữa giám sát chuyên đề của HĐND và giám sát của Thường trực, các Ban HĐND; làm rõ vai trò của Thường trực HĐND các cấp trong giám sát chuyên đề của HĐND; việc thảo luận các nội dung, kiến nghị của Báo cáo giám sát chuyên đề trình tại kỳ họp HĐND; việc xây dựng dự thảo nghị quyết sau giám sát để trình kỳ họp HĐND thông qua và tổ chức thực hiện các nội dung đã đề cập trong nghị quyết.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề, qua kinh nghiệm của HĐND tỉnh, huyện và thị xã, cũng như kết quả trao đổi tại Hội nghị hôm nay, đề nghị Thường trực HĐND huyện, thành phố, thị xã quan tâm thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, việc lựa chọn nội dung, chuyên đề giám sát phải phù hợp, đúng trọng tâm; quan tâm lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trên cơ sở nắm bắt, theo dõi ý kiến, kiến nghị của cử tri, đặc biệt là những ý kiến, kiến nghị kéo dài chưa được giải quyết, gây bức xúc trong dư luận, Nhân dân; thông qua các hoạt động của HĐND (từ các kỳ họp, tiếp xúc cử tri, phiên giải trình, chất vấn...) có những vấn đề đã trả lời, đã hứa nhưng việc thực hiện chưa đúng cam kết; những nội dung, hoạt động ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống của Nhân dân.

Việc xác định nội dung giám sát cũng cần có sự thông tin, trao đổi cùng với ngành dọc và cùng cấp, tránh trường hợp có nội dung, bức xúc mà không có cơ quan, tổ chức nào giám sát hoặc có nội dung nhiều cơ quan cùng giám sát.

Thứ hai, việc thành lập đoàn giám sát cần đảm bảo cơ cấu hợp lý các thành viên. Thông thường, thành viên các đoàn giám sát chuyên đề bao gồm một số Uỷ viên Thường trực HĐND, các thành viên là đại biểu HĐND, đại diện Ủy ban MTTQVN, người công tác tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, các chuyên gia có am hiểu sâu về chuyên đề tiến hành giám sát. Cùng với đó, cần đổi mới phương thức giám sát, trong đó giám sát trực tiếp tại cơ sở trước, sau đó giám sát tại các cơ quan chuyên môn có liên quan; kết hợp nghiên cứu báo cáo, nghe trao đổi, đối chiếu nội dung báo cáo với kiểm tra hồ sơ, thực tế tại địa phương, cơ sở, sử dụng các phương pháp đối thoại, điều tra xã hội học để có thông tin đa chiều và đầy đủ trong việc thực hiện chuyên đề giám sát.

Thứ ba, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề phải đảm bảo khách quan, cụ thể và có căn cứ, không dùng những từ như “một số nơi”, “có lúc, có nơi”… mà không có số liệu, thông tin cụ thể đi kèm; cần chỉ ra những kết quả đạt được, nhất là những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt phải có tư liệu, số liệu để minh chứng cho vấn đề đó.

Báo cáo giám sát cần đưa ra thời hạn để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát. Dự thảo báo cáo phải được tất cả các thành viên đoàn giám sát có ý kiến tham gia trước khi thông qua tại buổi làm việc với các chủ thể giám sát. Sau khi thông qua dự thảo báo cáo thì tiến hành phát hành báo cáo, đồng thời dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND tiếp theo xem xét thông qua.

Thứ tư, hoạt động tái giám sát; kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát chuyên đề cần được quan tâm thường xuyên. Thường trực HĐND có thể tiến hành giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kết quả giám sát đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, đúng tiến độ các kiến nghị giám sát; đưa ra các chế tài đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị tái giám sát thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm .

Đối với việc tổng hợp, theo dõi các kiến nghị sau giám sát, trường hợp chưa ứng dụng được công nghệ thông tin, chuyển đổi số xây dựng phần mềm theo dõi hoạt động giám sát thì cần lập bảng biểu để tiện cho công tác tái giám sát sau này. Tới đây trong công tác chuyển đổi số của HĐND tỉnh, hoạt động theo dõi việc giải quyết kiến nghị sau giám sát là một trong những nội dung được quan tâm thực hiện đầu tiên.

Thứ năm, đề nghị Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tham mưu văn bản gửi Thường trực HĐND các cấp huyện để có thông tin và có báo cáo tổng hợp về các hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND các huyện, thành phố, thị xã hàng năm. Đây là kênh thông tin tham khảo giúp Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực HĐND cấp huyện nắm được các nội dung đang được cơ quan dân cử quan tâm, cũng như để tiến hành các hoạt động giám sát trên địa bàn toàn tỉnh.

...

Ban biên tập (lược ghi)