- Ý kiến số 16: Cử tri Lô Minh Châu, trú tại bản Lìm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu phản ánh trong đợt mưa lũ lớn từ tối ngày 26/9/2023 đến rạng sáng ngày 27/9/2023 cộng với xả lũ của 02 nhà máy thủy điện (Nhà máy thủy điện Nhạn Hạc, nhà máy thủy điện Châu Thắng) đã gây ngập lụt trên diện rộng, làm thiệt hại về nhà cửa, lúa hoa màu và một số tài sản khác của Nhà nước và Nhân dân. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ nguyên nhân của việc ngập lụt trên diện rộng, việc xả lũ của thủy điện có đúng quy trình được phê duyệt hay không?.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Ngày 21/12/2023, UBND tỉnh đã có Công văn số 10932/UBND-TD giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan thành lập Đoàn công tác để kiểm tra, tham mưu xử lý thiệt hại do xả lũ tại huyện Quỳ Châu. Ngày 04/01/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 04/QĐ-SNN về việc Thành lập Đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, xác minh nguyên nhân gây thiệt hại và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện Quỳ Châu trong thời gian ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 9 năm 2023) theo kiến nghị của các hộ dân xã Châu Tiến và xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu. Ngày 29/02/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh nguyên nhân gây thiệt hại tại Báo cáo số 77/BC SNN.ĐKTLN, theo đó nguyên nhân chính gây ra thiệt hại và đánh giá việc việc xả lũ của thủy điện cụ thể như sau:
- Nguyên nhân chính gây ra thiệt hại
- Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ ngày 25/9/2023 đến sáng ngày 29/9/2023 trên địa bàn huyện Quỳ Châu có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa đo được tại Khí tượng Quỳ Châu: 431mm. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Quỳ Châu lượng mưa đo được tại Trạm khí tượng Quỳ Châu từ 1h00 phút đến 7h00 phút ngày 27/9/2023 là 231 mm.
- Mưa lũ xảy ra vào ban đêm, mưa to, mất điện diện rộng, nước lũ lên nhanh, thiếu phương tiện ứng phó, hệ thống thông tin, liên lạc bị ảnh hưởng gây khó khăn trong công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục.
- Mưa lũ lớn, lâu chưa xuất hiện nên một số bộ phận người dân đang còn chủ quan về công tác ứng phó, khi nước lên nhanh không kịp vận chuyển tài sản và vật nuôi ra khỏi khu vực nguy hiểm (Theo mực nước tại trạm thuỷ văn Quỳ Châu cũ là 79.81m thì tần suất xuất hiện là khoảng P=3%, tức là 33 năm xuất hiện 1 lần).
- Đánh giá việc việc xả lũ của thủy điện Châu Thắng
Hồ chứa thủy điện Châu Thắng có Quy trình vận hành đơn hồ đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt theo thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ các quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 13/11/2019. Theo đó, việc vận hành điều tiết lũ (từ thời điểm lũ lên đến khi đạt đỉnh) không được làm gia tăng lưu lượng xả xuống hạ du so với lưu lượng tự nhiên đến hồ. Mặt khác, hồ thủy điện Châu Thăng có dung tích hữu ích nhỏ (4,217 triệu m), không có dung tích phòng lũ và không có chức năng cắt lũ, vì vậy căn cứ mực nước của hồ chứa thủy điện Châu Thắng trong suốt quá trình vận hành xả lũ do chủ hồ cung cấp, nhà máy đã vận hành đảm bảo tuân thủ vận hành thiết bị xả lũ theo quy trình được phê duyệt.
- Ý kiến số 19: Các cử tri: Lữ Kim Thành, trú tại bản Khun, xã Châu Hội; Lô Minh Châu, trú tại bản Lìm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu phản ánh hiện nay việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai trên lĩnh vực nông nghiệp đã được thực hiện theo Quyết định 48/2017/QĐ-UBND ngày 05 tháng 06 năm 2017 của UBND tỉnh. Riêng đối với các hộ tiểu thương có tài sản, hàng hoá bị ngập lụt, trôi, hư hại thì chưa có chính sách hỗ trợ. Kiến nghị có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng này.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Đối với lĩnh vực công thương hiện nay chưa có chính sách và các văn bản hướng dẫn việc hỗ trợ tài sản, hàng hoá tại các chợ bị ngập lụt, trôi, hư hại do thiên tai như kiến nghị của cử tri. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện căn cứ ngân sách của địa phương và các quy định pháp luật để nghiên cứu phương án hỗ trợ cho đối tượng nêu trên (nếu có quy định).
- Ý kiến số 29: Các cử tri: Lữ Văn Sơn, trú tại bản Tằm; Lê Văn Tiến, trú tại bản Mới, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ để ban hành quyết định thu hồi phần diện tích đất mà Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Châu đã rà soát và thống nhất chuyển trả hơn 1.500ha đất về cho địa phương quản lý để giao đất cho các hộ dân.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Ngày 06/3/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1324/STNMT-QLĐĐ gửi UBND huyện Quỳ Châu giải quyết kiến nghị của cử tri. Cụ thể như sau:
“Sau khi xem xét, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, trên cơ sở ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Công văn số 5159/SNN-KL ngày 22/12/2023), BQL Rừng phòng hộ Quỳ Châu (tại Báo cáo số 38/BC-BQL ngày 13/12/2023) và báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu (tại Công văn số 70/UBND-TNMT ngày 25/01/2024), Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
- Việc đo đạc lập bản đồ địa chính đối với quỹ đất đang quản lý, sử dụng của các Ban quản lý rừng nói chung và BQL rừng phòng hộ Quỳ Châu nói riêng thuộc nội dung của Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân, sử dụng” được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-UBND ngày 11/5/2021 và điều chỉnh tại Quyết định số 222/QĐ-UBND ngày 21/01/2022 (thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ) .
- Hiện nay, đối với phần diện tích các BQL rừng đề nghị giữ lại để tiếp tục quản lý, sử dụng đã được UBND tỉnh phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận QSD đất và xây dựng CSDL địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định 118/NĐ-CP do 10 BQL rừng phòng hộ và 1 BQL rừng đặng dụng quản lý, sử dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An” tại Quyết định số 3518/QĐ-UBND ngày 10/11/2022; đối với phần diện tích các BQL rừng dự kiến trả về cho địa phương quản lý (phần diện tích 1.529,46 ha của BQL rừng phòng hộ Quỳ Châu đề nghị lập trích lục, trích đo thuộc loại này) chưa được lập thiết kế kỹ thuật - dự toán.
- Trên cơ sở ý kiến của BQL rừng phòng hộ Quỳ Châu tại Báo cáo số 38/BC-BQL ngày 13/12/2023, của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 5159/SNN-KL ngày 22/12/2023, của UBND huyện Quỳ Châu tại Công văn số 70/UBND-TNMT ngày 25/01/2024; để sớm giải quyết kiến nghị của cử tri, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh triển khai việc khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật dự toán đo đạc lập bản đồ địa chính đối với phần diện tích BQL rừng phòng hộ Quỳ Châu dự kiến trả về địa phương phục vụ công tác thu hồi đất theo quy định hiện hành; đồng thời trực tiếp thi công thực hiện đo đạc để rút ngắn thời gian giải quyết kiến nghị của cử tri.
Đề nghị UBND huyện Quỳ Châu, BQL rừng phòng Quỳ Châu phối hợp với Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh trong quá trình điều tra, khảo sát.”
Như vậy, nội dung kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời, hướng dẫn UBND huyện Quỳ Châu, BQL rừng phòng Quỳ Châu triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Ý kiến số 34: Các cử tri: Lữ Văn Sơn, trú tại bản Tằm; Lê Văn Tiến, trú tại bản Mới, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu phản ánh: Đối với Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 về “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân”, hiện tại, địa phương đang gặp nhiều khó khăn, bất cập trong việc chi trả chế độ bồi dưỡng bảo vệ rừng cho người dân, nhất là thực hiện theo Quyết định số 833/QĐ-UBND đối tượng được quy định là hộ nghèo chưa tự túc được lương thực trên địa bàn tỉnh áp dụng là hộ thiếu đói được quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-BKHĐT ngày 10/01/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (những hộ gia đình không thể có đủ lương thực để ăn hai bữa cơm hàng ngày tính là hộ thiếu đói), vì vậy việc chi trả không thực hiện được. Hiện nay việc ký hợp đồng giữa người dân và Hạt Kiểm lâm đã thực hiện xong, nhưng người dân chưa nhận được tiền bảo vệ rừng 400.000đ/ha.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Đối tượng được nhận hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng (khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng) đã được quy định tại khoản 2 Điều 17, khoản 2 Điều 18 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT bao gồm: Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo; cộng đồng dân cư đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định có tham gia bảo vệ rừng hoặc nhận khoán bảo vệ rừng. Vì vậy, việc chi trả tiền bảo vệ rừng không phụ thuộc vào đối tượng được quy định là hộ nghèo chưa tự túc được lương thực trên địa bàn tỉnh áp dụng là hộ thiếu đói được quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-BKHĐT ngày 10/01/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tất cả các hộ gia định đồng bào dân tộc thiểu số, hộ người kinh nghèo, cộng đồng dân cư cư trú trên địa bàn các xã khu vực II, Khu vực III tham gia công tác bảo vệ rừng đều được thanh toán kinh phí bảo vệ rừng.
- Về việc thanh toán kinh phí bảo vệ rừng:
+ Về thanh toán kinh phí bảo vệ rừng năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 3548/SNN.KL ngày 14/9/2023 về việc phúc đáp Báo cáo số 332/BC-UBND ngày 6/9/2023 của UBND huyện Quỳ Châu. Trong đó đã nêu rõ: việc thanh toán kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng đã được quy định rõ tại khoản 6, Điều 17; khoản 5, Điều 18 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Quỳ Châu chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai tiểu dự án 1, dự án 3 trên địa bàn rà soát lại các hồ sơ tài liệu có liên quan, nếu đủ các điều kiện quy định nêu trên thì thanh toán kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho người dân theo đúng quy định.
+ Về kinh phí bảo vệ rừng năm 2023, theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT việc nghiệm thu bảo vệ rừng thực hiện vào tháng 12 của năm kế hoạch. Vì vậy việc thanh toán tiền bảo vệ rừng năm 2023 được thực hiện sau khi có kết quả nghiệm thu bảo vệ rừng năm 2023.
- Ý kiến số 36: Cử tri Thái Văn Quang, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện Quỳ Châu kiến nghị cho phép Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu giải ngân nguồn vốn năm 2022 thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng cho người dân và kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu 7%.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Về thanh toán kinh phí bảo vệ rừng năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 3548/SNN.KL ngày 14/9/2023 về việc phúc đáp Báo cáo số 332/BC-UBND ngày 6/9/2023 của UBND huyện Quỳ Châu. Trong đó đã nêu rõ: việc thanh toán kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng đã được quy định rõ tại khoản 6, Điều 17; khoản 5, Điều 18 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT.
Vì vậy, đề nghị UBND huyện Quỳ Châu chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai tiểu dự án 1, dự án 3 trên địa bàn rà soát lại các hồ sơ tài liệu có liên quan, nếu đủ các điều kiện quy định nêu trên thì thanh toán kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho người dân theo đúng quy định.
- Về kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu 7% được quy định tại khoản 3, Điều 10 Thông tư số 15/2022/TT-BTC. Tuy nhiên, đến nay Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 thay thế Thông tư số 15/2022/TT-BTC, nội dung chi quản lý, kiểm tra, nghiệm thu 7% không được hướng dẫn chi. Tại Điều 126 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023, điều khoản chuyển tiếp quy định: “1. Đối với các nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phân bổ kinh phí thực hiện trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền và các quy định của pháp luật có liên quan”. Vì vậy, đề nghị huyện Quỳ Châu chỉ đạo các đơn vị thực hiện tiểu dự án 1, dự án 3 tổ chức chỉ trả kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu 7% theo đúng quy định nêu trên.
- Ý kiến số 46: Cử tri Lô Minh Châu, trú tại bản Lìm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu phản ánh địa phương đã thực hiện các phương án trước mắt hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ gây ra. Về lâu dài, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo có giải pháp hỗ trợ, di dời các hộ vùng bị ngập lụt đến nơi ở mới và hỗ trợ việc khôi phục lại đất trồng lúa, đất sản xuất bị vùi lấp do mưa lũ.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Đối với việc có giải pháp hỗ trợ, di dời các hộ dân vùng bị ngập lụt đến nơi mới. Trung ương đã có chính sách hỗ trợ các hộ dân di dời khỏi vùng bị ngập lụt tại Khoản 2, Điều 15, Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, với mức hỗ trợ là 30 triệu đồng/hộ.
- Đối với việc hỗ trợ khôi phục lại đất trồng lúa, đất sản xuất do mưa lũ: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/20217 về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý sử dụng đất trồng lúa và tại điểm b, khoản 2, điều 8, Nghị định 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 về sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý sử dụng đất trồng lúa có hỗ trợ sử dụng kinh phí để tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng mặt ruộng; thau chua, rửa mặn đối với đất bị nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác.
UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Quỳ Châu cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ phát triển đất trồng lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ để hỗ trợ khôi phục đất trồng lúa.
- Ý kiến số 60: Cử tri Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng trường mầm non xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu phản ánh theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 và Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định đối với học sinh mầm non được hưởng chế độ bán trú và chi phí học tập, trong khi đó học sinh tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) lại không có chế độ hỗ trợ. Đây là vấn đề rất bất cập trong cùng một môi trường dạy học, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn. Kiến nghị quan tâm, xem xét để các cháu nhà trẻ cũng được hưởng chế độ như mầm non.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Qua thực hiện các chính sách quy định tại các Nghị định đã có những bất cập nhất định, đó là chính sách chưa có sự bình đẳng giữa các trẻ khác về độ tuổi nhưng cùng đối tượng, cùng học một môi trường học tập …. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phản ảnh và có các kiến nghị đề xuất với các cấp có thẩm quyền trong việc điều chỉnh, sửa đổi chính sách. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và trình Dự thảo lần 3 Nghị định thay thế Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, trong có các chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non dưới 36 tháng tuổi.
- Ý kiến số 61: Cử tri Lang Văn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hội – Nga, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu kiến nghị hỗ trợ dạy học 2 buổi/ngày cho các Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS và Trường THCS có học sinh bán trú, bởi vì mọi hoạt động giáo dục của trường bán trú và trường có học sinh bán trú đều như nhau nhưng lại không có chế độ hỗ trợ dạy học 2 buổi/ngày, còn trường Trường Phổ thông dân tộc nội trú đã có hướng dẫn cụ thể tại Quyết định số 5671/QĐ-UBND ngày 02/12/2015 của UBND tỉnh.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Trong những năm qua, các trường phổ thông dân tộc nội trú đã được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo Quyết định số 5671/QĐ-UBND ngày 02/02/2015, qua đó, chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông dân tộc nội trú tăng lên rõ rệt. Đối với các trường PTDTBT, việc tổ chức hoạt động không khác gì trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh bán trú ăn, ở tập trung tại trường mỗi tuần mới về nhà một lần, đặc biệt, một số trường học sinh cả tháng mới về nhà, các hoạt động dạy học tăng buổi, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vẫn được tổ chức bình thường như các trường PTDTNT, trong điều kiện kinh phí cho đội ngũ nhà giáo chưa thực hiện được.
Để giảm bớt khó khăn cho đội ngũ nhà giáo công tác tại các trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ nhà trường và học sinh các trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú, trong đó có chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình tăng cường ngoại ngữ, tin học, giáo dục STEM, kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét ban hành.
- Ý kiến số 62: Cử tri Lương Thị Hà, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Châu phản ánh sau khi có kết luận thanh tra, Thông báo kết luận số 584/TB-UBND ngày 07/8/2023 của UBND tỉnh, Sở Tài chính có Công văn số 3808/HD-STC ngày 17/8/2023 về việc xử lý các khoản phụ cấp đã chi trả không đúng quy định cho đội ngũ giáo viên biệt phái về làm việc tại Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện, tuy nhiên việc thực hiện giữa các huyện chưa được thống nhất (có huyện dừng chi trả, có huyện vẫn thực hiện), làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ này, gây khó khăn trong việc điều động đội ngũ giáo viên biệt phái về Phòng Giáo dục và Đào tạo để thực hiện nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo hoạt động chuyên môn theo quy định. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thống nhất, đồng thời quan tâm chế độ cho đội ngũ này.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Việc bố trí công chức, viên chức và nhà giáo công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục trực thuộc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện; Công tác giáo dục và đào tạo của mỗi huyện là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND cấp huyện chủ động trong việc bố trí công chức, viên chức, cán bộ quản lý, giáo viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả để thực hiện tốt quy định trách nhiệm quản lí nhà nước về giáo dục trên địa bàn bên cạnh việc bảo đảm chế độ chính sách đối với nhà giáo, để ngành giáo dục tiếp tục ổn định và phát triển; khi có điều kiện thì bố trí tăng số lượng công chức cho phòng GD-ĐT để có đội ngũ ổn định.
- Ý kiến số 31: Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể: Sửa chữa các kênh mương tại 2 xã Châu Hội và Châu Phong, huyện Quỳ Châu. Trận lũ xẩy ra vào ngày 26-27 tháng 9 năm 2023 vừa qua, trên địa bàn 2 xã Châu Hội và Châu Phong rất nhiều tuyến kênh mương bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng sản xuất của người dân, Ngân sách của địa phương dành cho việc khắc phục, sửa chữa còn gặp khó khăn (các cử tri: Sầm Văn Châu, trú tại bản Chiềng, xã Châu Phong; Lữ Thị Huyền, Phó Chủ tịch HĐND xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu).
UBND tỉnh trả lời như sau:
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Tây Bắc:
- Đối với việc sửa chữa các kênh mương tại xã Châu Hội và Châu Phong, huyện Quỳ Châu: Theo Quyết định số 1726/QĐ-UBND ngày 19/6/2023 của UBND tỉnh Nghệ An về việc Phê duyệt Kế hoạch kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2023 cho UBND các huyện, thành phố, thị xã và các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi; Kế hoạch Tài chính năm 2023 và Danh mục kế hoạch bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi năm 2023 cho các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi. Tại xã Châu Hội và Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tây Bắc Nghệ An có 02 công trình trong danh mục kèm theo Quyết định, gồm: Xã Châu Phong (Đập Huôi Tà, bản Lìm: 60 triệu đồng; Đập Tràn Bản Chiềng: 60 triệu đồng). Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị xây lắp đang tiến hành triển khai thi công.
- Đối với việc khắc phục ảnh hưởng trận lũ xảy ra vào ngày 26-27/9/2023 trên địa bàn 2 xã Châu Hội và Châu Phong: Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Tây Bắc có Tờ trình gửi UBND tỉnh, các Sở ban ngành (Tờ trình số 376/TTr-TLTB ngày 04/10/2023 về việc xin hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới diễn ra từ ngày 25 – 29/9/2023). Phối hợp với UBND huyện Quỳ Châu trong việc thực hiện Kết luận theo thông báo số 111/TB-UBND ngày 13/11/2023 của UBND huyện Quỳ Châu - Thông báo kết luận của đ/c Lê Hải Lý – PCT.UBND huyện tại hội nghị về việc tu sửa các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất vụ Đông năm 2023 – 2024. Đồng thời, chỉ đạo Chi nhánh Thủy lợi Quỳ Châu lập Tờ trình gửi UBND huyện Quỳ Châu (Tờ trình số 181/TTr-CNTLQC ngày 30/11/2023 về việc xin hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới diễn ra từ ngày 25 – 29/9/2023). Công ty đã hỗ trợ kinh phí máy đào đắp lại tường cánh Đập Huôi Pết, xã Châu Phong. Trong thời gian tới, Công ty sẽ bố trí ca máy để nạo vét khối lượng bồi lấp tại các Kênh Phai Cọ, Kênh Bản Bua, xã Châu Phong. Phối hợp chính quyền địa phương nạo vét các công trình có thể triển khai bằng thủ công và khắc phục sửa chữa các công trình bị hư hỏng.
- Ý kiến số 47: Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể:
- Cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 48 đoạn từ xã Châu Bình qua xã Châu Hội lên thị trấn Tân Lạc, trong đó ưu tiên nâng cốt nền đường ở các điểm thường xuyên bị ngập, mở rộng hành lang ở khúc cua, các điểm khuất tầm nhìn, nhất là ở dốc Kẻ Lè để chủ động xử lý trước khi bị sạt lở. Hiện tại tuyến đường có các bất cập như: Thiết kế nền đường thấp dễ bị ngập lụt; nhiều khúc cua hẹp, khuất tầm nhìn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông như đoạn qua Lèn Chẹt, dốc Kẻ Lè (cử tri Lữ Thị Huyền, Phó Chủ tịch HĐND xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu).
UBND tỉnh trả lời như sau:
Quốc lộ 48 dài 160km, trong đó đoạn từ xã Châu Bình qua xã Châu Hội lên thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu thuộc lý trình Km68+00 - Km87+00.
Hiện trạng:
- Các đoạn Km68+00 - Km74+200 có Bmặt=5,5m, Bnền=7,5m; đoạn Km74 +200 - Km87+00 có Bmặt=5,5m, Bnền= 6,5m, mặt đường BTN chất lượng tốt, êm thuận đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
- Đoạn Km74+600 - Km76+273, Bmặt=5,5m bằng đá dăm láng nhựa, Bnền=6,5m nằm trong phạm vi Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An. Dự án đã cải tuyến sang phía bên phải, hiện đã thi công cơ bản xong, đã thông xe trên tuyến mới và chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng.
Trong các năm qua, Sở GTVT đã thực hiện nhiều dự án sửa chữa nền, mặt đường, hệ thống thoát nước và an toàn giao thông trên đoạn tuyến, cụ thể: Năm 2019 sửa chữa các đoạn Km66-Km82, Km86+850-Km90+00, Km96+00-Km99+00 với kinh phí 33,7 tỷ đồng; Năm 2020 sửa chữa các đoạn Km68+350-Km68+700, Km70-Km74+200, Km77+200-Km78 với kinh phí 13,5 tỷ đồng; Năm 2021, sửa chữa các đoạn Km64 - Km66+200, Km66+850 - Km68+350, Km74+200 - Km74+830 với kinh phí 10,5 tỷ đổng. Đồng thời thường xuyên chỉ đạo Đơn vị quản lý tăng cường thực hiện công tác quản lý, bảo trì trên đoạn tuyến, thực hiện các công tác nạo vét, vệ sinh lòng rãnh dọc, cống ngang, đảm bảo thoát nước tốt trong mùa mưa. Tại dốc Kẻ Lè thuộc lý trình Km85+400 - Km86+850 đã được bố trí hệ thống ATGT đầy đủ, công tác khắc phục các vị trí sạt lở gây bồi lấp nền, mặt đường được thực hiện kịp thời, đảm bảo thuận lợi, an toàn cho cho người và phương tiện qua lại.
Tuy nhiên, tại một số thời điểm mưa lớn kéo dài trong năm kết hợp các đập thuỷ điện xả lũ khiến một số đoạn tuyến như Km68+400 - Km68+700, Km72+900 - Km73+00, Km83+00 - Km83+500 xuất hiện tình trạng ngập trong thời gian ngắn, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân hai bên đoạn tuyến.
Mặc dù trong thời gian qua Sở GTVT đã thực hiện nhiều dự án bảo trì trên hiện trạng đường cũ đảm bảo mặt đường êm thuận nhưng trên đoạn tuyến vẫn tồn tại một số đường cong có bán kính nhỏ, đoạn đường có độ dốc lớn chưa được cải thiện. Về vấn đề này, Sở GTVT đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, đầu tư nâng cấp mở rộng QL.48, tuy nhiên do nguồn vốn đang tập trung cho các công trình trọng điểm nên Bộ GTVT chưa cân đối, bố trí được.
Tại Nghị quyết 162/NQ-CP ngày 04/10/2023 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18 tháng 7 năm 2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đưa dự án nâng cấp mở rộng QL48 từ Yên Lý lên Qùy Hợp, từ Quỳ Hợp lên Quế Phong vào danh mục dự án đầu tư hạ tầng giao thông phấn đấu hoàn thành trước năm 2030.
UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ, ngành trung ương xem xét đầu tư nâng cấp, mở rộng QL.48 trong thời gian tới.
- Đầu tư, sửa chữa, bào trì tuyến Tỉnh lộ 544 đoạn từ Châu Phong đi thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu (đoạn từ bản Đôm, xã Châu Phong đến bản Na Xén, xã Châu Hạnh); cầu qua bản Hội 3, tuyến đường Châu Hội đi Châu Thuận, Châu Hội đi Châu Nga và một số công trình khác đã hư hỏng, xuống cấp, nhiều điểm sạt lở, bị vùi lấp, sụt lún nặng, nhất là sau đợt mưa lũ tháng 9/2023 (các cử tri: Lô Thị Tân, trú tại bản Luồng, xã Châu Phong; Nguyễn Kim Cúc, trú tại bản Việt Hương, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu);
UBND tỉnh trả lời như sau:
Đường tỉnh 544 đoạn từ bản Đôm, xã Châu Phong (Km16) đến bản Na Xén, xã Châu Hạnh (Km2) có lý trình Km2 – Km16. Do ảnh hưởng của mưa lớn xảy ra từ ngày 25/9 đến ngày 29/9/2023 đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề trên ĐT.544: có nhiều điểm sạt lở ta luy dương gây tắc đường; Sụt lún, sạt lở ta luy âm; hư hỏng cống, rãnh dọc xây,…
Để đảm bảo ATGT trên tuyến, Sở GTVT đã chỉ đạo Nhà thầu quản lý, BDTX (Công ty cổ phần QL&XD cầu đường Nghệ An) huy động xe, máy, thiết bị để đào hót đất, đá sạt lở trên mặt đường, khắc phục đảm bảo giao thông thông xe 1 vệt các vị trí sạt lở ta luy dương; rào chắn, đặt biển cảnh báo tại các vị trí xảy ra sự cố để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại.
Để sửa chữa các hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông do mưa lũ gây ra trên các tuyến đường tỉnh (trong đó có ĐT.544), Sở GTVT đã báo cáo và được UBND tỉnh chấp thuận và bố trí nguồn vốn sửa chữa (tại Văn bản số 9474/UBND-NN ngày 03/11/2023 về việc chủ trương kinh phí sửa chữ cấp bách, khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra từ ngày 25/9 đến ngày 29/9/2023 để đảm bảo giao thông trên các tuyến do Sở giao thông vận tải quản lý).
UBND tỉnh chỉ đạo Sở GTVT tiến hành lập hồ sơ thiết kế khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra trên các tuyến đường tỉnh (trong đó có ĐT.544). Dự án đã triển khai thi công và dự kiến hoàn thành trước ngày 30/6/2024.