Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn
Sau khi được học lớp trồng rau an toàn do Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đàn mở, chị Trần Thị Phượng ở xóm 1, xã Nam Xuân và các học viên khác của lớp học đã được tiếp thu thêm về quy trình sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGAP cách trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính; quy trình sản xuất các loại rau ăn quả, rau ăn lá, rau ăn củ. Sau khóa học, chị Phượng đã áp dụng kiến thức đã học vào trồng 2 sào rau màu các loại, đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho gia đình. “Từ trước tới nay, tôi chỉ trồng rau theo kinh nghiệm nên hiệu quả không cao. Sau khi tham gia khóa học, tôi đã biết áp dụng các kỹ thuật trồng rau an toàn từ những vật dụng có sẵn như gừng, tỏi, ớt cay để bón rau trồng theo phương pháp hữu cơ, vừa tiết kiệm được kinh phí, vừa sản xuất an toàn”- chị Trần Thị Phượng nói.
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm qua các cấp, ngành, đơn vị địa phương trên địa bàn huyện Nam Đàn đã tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động về vai trò, tầm quan trọng của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bên cạnh đào tạo nghề tạo việc làm tại chỗ, Nam Đàn đẩy mạnh đào tạo nghề cho các đối tượng xuất khẩu lao động. Riêng năm 2022, huyện đã giải quyết việc làm cho hơn 4.500 lao động, trong đó xuất khẩu lao động trên 1.770 người; tổ chức 23 lớp đào tạo nghề tại các xã, doanh nghiệp cho hơn 500 lao động nông thôn gồm kỹ thuật chăn nuôi gà, bò; kỹ thuật may công nghiệp; kỹ thuật chế biến món ăn; kỹ thuật trồng cây có múi, cây ngắn ngày.
Đồng chí Vương Hồng Thái – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, đánh giá: Công tác đào tạo nghề đã góp phần giải quyết xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Nam Đàn. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện còn 0,68% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 -2025); thu nhập bình quân đạt 62 triệu đồng/người/năm; việc đào tạo nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tác động đến các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện.
Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương, trong những năm qua, công tác giải quyết việc làm cho người lao động luôn được huyện Hưng Nguyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Huyện đã ban hành Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm tại Khu công nghiệp VSIP và cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Hưng Nguyên giai đoạn 2021-2025”. Huyện đã chủ động phối hợp với các đơn vị tuyển dụng lao động, tư vấn ngày hội truyền thông giáo dục nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp học nghề và phiên giao dịch việc làm trong, ngoài nước.
Kết quả gần 2 năm qua, Hưng Nguyên đã đào tạo nghề cho 3.544 lao động; đưa 4.212 lao động vào làm việc tại các cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 63% năm 2021 lên 68,0% năm 2022 (tăng 5%), thu nhập bình quân đầu người đạt 50- 55 triệu đồng/năm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn của huyện.
“Người dân nhận thức sâu sắc hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để cho biết, chuyển sang học nghề để tìm việc làm chuyển đổi nghề nghiệp; học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, có năng suất, thu nhập cao hơn”- Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên Nguyễn Hữu Hà cho biết.
Phối hợp đồng bộ
Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số đông và nguồn lao động dồi dào, trong đó lực lượng lao động ở nông thôn chiếm tỉ lệ lớn trong lực lượng lao động xã hội. Nguồn lực thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm. Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 01/3/2013 chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 14-ĐA/TU ngày 25/1/2022 về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; HĐND dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 32/NQ – HĐND ngày 14/7/2022 về tăng cường công tác đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, các tổ chức đã xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; từ đó chủ động ban hành Nghị quyết của cấp ủy, dựng chương trình, đề án, kế hoạch của địa phương, đơn vị để triển khai tổ chức thực hiện. Thực hiện nhiệm vụ đổi mới công tác đào tạo cho lao động nông thôn, tỉnh đã sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, kiện toàn tổ chức, nhân sự thực hiện đào tạo nghề; kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; đổi mới chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề; đổi mới công tác tư vấn, hướng nghiệp, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề.
Đến nay, Nghệ An có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (46 cơ sở công lập, 16 cơ sở ngoài công lập), gồm: 09 Trường cao đẳng, 13 Trường trung cấp, 22 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, 18 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, có 03 trường chất lượng cao, 16 trường được lựa chọn đầu tư ngành nghề trọng điểm, với 16 lượt nghề cấp độ quốc tế, 9 lượt nghề cấp độ Asean, 36 lượt nghề cấp độ quốc gia.
Kết quả giai đoạn 2011-2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 471.326 lao động nông thôn; tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp đạt 75,94%. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% đầu năm 2012 và đạt 67,7% cuối năm 2022 (tăng 25% so với đầu năm 2012); cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp, tăng lao động ngành công nghiệp và dịch vụ.
Tuy nhiên chất lượng, hiệu quả một số ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn chưa phù hợp nhu cầu của thị trường lao động. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo còn thiếu và lạc hậu; đội ngũ nhà giáo thiếu về số lượng, trình độ kỹ năng tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu; chương trình, giáo trình đào tạo chưa thực sự đổi mới, linh hoạt, chưa sát với thực tế sản xuất kinh doanh, dịch vụ và thị trường lao động.
Một bộ phận lao động nông thôn sau học nghề chưa áp dụng được kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh; không tạo việc làm, chuyển đổi việc làm mới, hoặc có việc làm nhưng không ổn định, thu nhập thấp. Sự phối hợp, gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề nghiệp với doanh nghiệp còn hạn chế; đào tạo nghề cho lao động nông thôn để phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở một số địa phương chưa thực sự được chú trọng; chưa có định hướng rõ ràng về ngành nghề, việc làm sau đào tạo,...
Đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Nguồn lực lao động nói chung hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang còn rất dồi dào nhất là nguồn lao động chưa qua đào tạo ở nông thôn. Việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn để sử dụng ngay tại địa phương tránh bị lãng phí là rất cần thiết và bức thiết. Thời gian tới cần tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh đối với công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của tỉnh.