Sáng 31/7, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức phiên họp thứ năm. Đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh.

bna_5.jpg
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của các bộ, ngành, địa phương và vai trò chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn của Tổ công tác cùng sự đồng hành của Hội đồng tư vấn, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Kết quả đã cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh; phân cấp 108 TTHC; đơn giản hóa 247 TTHC, giấy tờ công dân; 1.052 TTHC nội bộ được Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành, địa phương phê duyệt phương án đơn giản hóa Dịch vụ công trực tuyến được cải thiện về chất lượng, nhiều dịch vụ công được tái cấu trúc; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, số hóa đều tăng so với năm 2023; Bộ chỉ số theo Quyết định số 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phát huy vai trò đánh giá và phục vụ chỉ đạo, điều hành.

Về kế hoạch cải cách TTHC, 6 tháng đầu năm 2024 có 14/28 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 14 nhiệm vụ đang triển khai (có 7 nhiệm vụ quá hạn), kế hoạch tổ công tác 2024: 13/17 nhiệm vụ đã cơ bản hoàn thành (không có nhiệm vụ quá hạn), kế hoạch Tổ tư vấn 2024: 10/23 nhiệm vụ đã hoàn thành, có 1 nhiệm vụ quá hạn.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo nêu rõ một số quy định, TTHC còn chồng chéo, phức tạp, qua nhiều khâu trung gian; việc đánh giá tác động chính sách, chi phí tuân thủ cũng như hoạt động tham vấn của một số cơ quan tuân thủ chưa nghiêm. TTHC nội bộ trong từng bộ, cơ quan, địa phương và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau còn phức tạp, rườm rà; Việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân chưa được quan tâm đúng mức, tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là ở cơ sở vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC chủ yếu theo phương thức truyền thống hồ sơ giấy, theo địa giới hành chính; một số dịch vụ công trực tuyến thực hiện chưa thuận lợi. Việc số hóa tái sử dụng dữ liệu số hóa tại các bộ, ngành, địa phương còn thấp.

bna_-1.jpg
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành tham dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương, đại diện các doanh nghiệp đã trao đổi những mô hình, cách làm hay trong công tác cải cách TTHC; đồng thời trao đổi những khó khăn, vướng mắc đề xuất các giải pháp đẩy mạnh cải cách TTHC,...

Tại tỉnh Nghệ An, với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ công tác cải cách TTHC tiếp tục có sự chuyển biến rõ nét và đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa theo lộ trình tối thiểu 20% TTHC nội bộ; chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ được đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100% (với 732.009 hồ sơ).

bna_2.jpg
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành và địa phương tham dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Tỷ lệ thanh toán trực tuyến tăng từ 13,51% năm 2023 lên 40,47% trong 7 tháng đầu năm; số hóa hồ sơ TTHC đạt tỷ lệ 78,91% và 75,5% kết quả giải quyết TTHC… Để triển khai ĐA06/CP các đơn vị, địa phương đã chủ động nghiên cứu, có nhiều cách làm hay, nhiều giải pháp sáng tạo nên đến nay cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ theo yêu cầu đề ra.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác cải cách TTHC 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, có nhiều mô hình mới như: Cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế từ ngày 22/4/2024; Mô hình Trung tâm hành chính một cấp sẽ được triển khai thí điểm tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh là cơ quan hành chính có chức năng tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát, theo dõi, đánh giá thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông sẽ khởi động tháng 9/2024; Đề án 06 trên ứng dụng VNeID hiệu quả thiết thực, hiệu quả; Tổ công tác, hội đồng tư vấn hoạt động có hiệu quả hơn.

bna_4.jpg
Quang cảnh điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Triển khai nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát các quy định của Chính phủ để triển khai công tác cải cách THTC trên tinh thần: Đề cao vai trò người đứng đầu; cần phải quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn; phải phối hợp tốt hơn; đi cùng với đó là làm tốt công tác truyền thông. Phó Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành, địa phương có ý kiến trả lời kiến nghị của các thành viên Hội đồng tư vấn tổng hợp trình Phó Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024...