Cùng đi có đại diện các sở, ngành; lãnh đạo UBND huyện Tương Dương.
Nằm cách trung tâm xã khoảng 8 km về phía thượng lưu Thủy điện Bản Vẽ, Huồi Pủng là bản đặc biệt khó khăn của xã Hữu Khuông với 83 hộ dân. Hiện vẫn chưa có đường bộ vào bản, người dân chủ yếu đi bằng thuyền vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ.
Bởi vậy nếu bản Huồi Pủng di chuyển đến vùng Khe Hộc, cách trung tâm xã khoảng 5,5 km về phía hạ lưu Thủy điện Bản Vẽ sẽ giúp người dân thuận tiện trong đi lại, nhằm đảm bảo cuộc sống lâu dài, con em có điều kiện để học tập…
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ cùng đoàn công tác vào Khu tái định cư Khe Hộc, bản Huồi Pủng. Ảnh: Đình Tuân |
Diện tích xây dựng Khu tái định cư Khe Hộc, bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông là 8,07 ha (được UBND tỉnh cho phép khảo sát địa điểm lập quy hoạch xây dựng khu tái định cư tại Quyết định số 2017/QĐ-UBND ngày 11/7/2022) và UBND huyện phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (tại Quyết định số 1008/QĐ-UBND ngày 01/11/2022). Theo đó, tại đây được bố trí các hạng mục công trình trong vùng quy hoạch là: Đất ở, đất trường mầm non, đất nhà văn hóa cộng đồng, đất giao thông, đất làm sân thể dục, thể thao, đất cây xanh cảnh quan, đất dự phòng.
Kiểm tra thực địa dự án, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với huyện Tương Dương về phương án bố trí đất sản xuất cho người dân.
Đây là dự án di dân nội xã nên đất sản xuất của người dân vẫn canh tác trên diện tích đất hiện có tại bản cũ. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiến hành các thủ tục cấp diện tích đất đủ theo quy định để người dân sản xuất, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế vị trí đầu tư Dự án Khu tái định cư Khe Hộc. Ảnh: Đình Tuân |
Cùng với đó, hiện nay, khu tái định cư đã được đầu tư hệ thống điện 35Kv và một số cột 0,4Kv điện sinh hoạt. Chủ đầu tư đang tiến hành việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết hoàn thành công tác báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi công trình triển khai thi công.
Về hệ thống giao thông, hiện có 1 tuyến đường nhỏ từ trung tâm xã Hữu Khuông do người dân tự mở vào khu tái định cư. Huyện cam kết sau khi khu tái định cư hoàn thành sẽ đầu tư đoạn đường nối từ khu tái định cư đến tuyến đường vào trung tâm các xã Nhôn Mai, Mai Sơn bằng nguồn vốn hợp pháp khác…
Trong ngày, đồng chí Nguyễn Văn Đệ cũng đã đi kiểm tra hiện trạng trồng sắn, nuôi cá lòng hồ, một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Tương Dương. Việc kiểm tra hiện trạng trồng sắn để xem xét trên cơ sở đề xuất chuyển đổi sang trồng dứa của huyện Tương Dương, bởi thực tế, với hơn 2.000 ha sắn trên địa bàn, sau nhiều vụ trồng trên cùng diện tích đất đã bạc màu, cho năng suất kém.
Đoàn nghe giới thiệu về quy trình sản xuất, bảo quản tại Tổ hợp tác rượu nếp cẩm Tương Dương. Ảnh: Đình Tuân |
Tại Tổ hợp tác rượu nếp cẩm Tương Dương, một trong những sản phẩm trên địa bàn đã được chứng nhận sản phẩm OCOP, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý huyện cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hình thành các diễn đàn kết nối cung - cầu, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội trên địa bàn./.