20220308134551pct-phuong.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; các thành viên Đoàn giám sát.

Theo dự thảo Báo cáo kết quả giám sát sơ bộ, tính đến ngày 7.3, Đoàn giám sát đã nhận được toàn bộ báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát. Qua nghiên cứu bước đầu cho thấy, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, nhiều văn bản, đường lối, chủ trương của Đảng về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được ban hành đòi hỏi các cấp, các ngành phải nỗ lực phấn đấu, chủ động nắm bắt tình hình và thống nhất thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác này. Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thể chế hoá đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, có tính hiệu lực, hiệu quả cao, phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn phát triển của đất nước, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn.

20220308134659pct-phuong-a3.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp

Tuy nhiên, việc ban hành văn bản hướng dẫn của các cơ quan còn chậm, chưa kịp thời; vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn và chưa bảo đảm tính thống nhất hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể...

Đối với tình hình chung về khiếu nại, tố cáo của công dân, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, so với giai đoạn 2011 - 2016, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng; số lượt đoàn đông người tăng; số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước giảm... Nguyên nhân được chỉ ra là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người khiếu nại còn hạn chế; nhiều vụ việc đã giải quyết đúng nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại kéo dài. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là khâu công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và doanh nghiệp. Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng ở một số địa phương còn hạn chế, bất cập...

20220308134557pct-phuong-a2.jpg
Quang cảnh phiên họp

Về việc triển khai thực hiện giám sát tại đơn vị, địa phương, Đoàn giám sát dự kiến thành lập 2 Đoàn giám sát tại 5 tỉnh, thành phố với tiêu chí là các địa phương có công dân khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp; có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai; về thực hiện chính sách với người có công. Tại mỗi địa phương, Đoàn giám sát sẽ trực tiếp xem xét, có ý kiến vào các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể.

Thường trực Đoàn giám sát sẽ đề xuất Lãnh đạo Quốc hội, Đoàn giám sát tổ chức cuộc làm việc chung của Đoàn với từng bộ, ngành về một số lĩnh vực quản lý nhà nước tiềm ẩn, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo.

Các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo báo cáo bước đầu của Đoàn giám sát; đề nghị trong quá trình giám sát cần làm rõ nguyên nhân các vụ việc đã giải quyết, nhưng chưa thực hiện hoặc chỉ thực hiện được một phần; lựa chọn các vụ việc điển hình, kéo dài để giám sát; yêu cầu cơ quan Nhà nước đề xuất hướng giải quyết và chỉ rõ trách nhiệm cụ thể...

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận các ý kiến đã đóng góp cho dự thảo Báo cáo; đề nghị Thường trực Đoàn giám sát, Tổ giúp việc tổng hợp đầy đủ để tiếp tục hoàn thiện báo cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần bổ sung đánh giá về số lượng và chất lượng báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, trong đó, nêu rõ đã yêu cầu báo cáo bổ sung đối với bộ, ngành, địa phương nào? Đơn vị nào đã làm và chưa làm? Chất lượng có tốt hơn hay không?

Về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, qua nghiên cứu bước đầu vấn đề nào đã chín thì mới đưa vào báo cáo; đối với kiến nghị sửa luật thì sửa cái gì cần phải cụ thể… Về lựa chọn địa phương, số vụ việc để giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Trung Thành