Hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Sơn La hiện có 682 HTX. Nhờ đẩy mạnh phát triển các mô hình HTX trồng cây ăn quả, Sơn La đã xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường 14 nước.

Cũng nhờ chủ trương phát triển các HTX trồng cây ăn quả và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp mà diện mạo đời sống nông thôn ở Sơn La đã có nhiều thay đổi. Đến cuối 2021, tỉnh đã giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 xuống còn 15,1%, giảm 3,28% so với năm 2020.

191240-thai-binh-keu-goi-giai-c-1667787754110--n1.jpg
Toàn tỉnh Sơn La hiện có 682 HTX

Ông Nguyễn Văn Cường, thành viên HTX trồng cây ăn quả ở bản Nghĩa Hưng (xã Mường Cơi, huyên Phù Yên) cho biết, tham gia HTX trồng cây ăn quả trên đất dốc giúp hiệu quả kinh tế được nâng cao. Ví dụ trước đây 1kg ngô chỉ bán được khoảng 5.000 đồng/kg nhưng khi chuyển đổi sang trồng cây bưởi da xanh và tham gia HTX, giá bán nông sản rất ổn định từ 25.000-30.000 đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập của gia đình cao gấp khoảng 10 lần so với trồng ngô.

Cũng theo ông Cường, gia đình ông tham gia HTX nên được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, được mua cây giống, phân bón chất lượng cao. Đặc biệt là thành viên được bao tiêu sản phẩm nên không lo được mùa mất giá. Nhờ đó, các gia đình đều có thu nhập cao hơn trước.

Không chỉ tại Sơn La mà tại tỉnh Phú Yên, các HTX cũng chính là những mô hình kinh tế hoạt động hiệu quả và có những đóng góp thiết thực trong hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo cho người dân. HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (xã Hoà Phòng, huyện Tây Hoà) là một trong những HTX đang đồng hành cùng chính quyền địa phương trong chương trình giảm nghèo nhờ tập trung áp dụng kỹ thuật vào trồng lúa chất lượng cao và cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con.

HTX còn mở nhiều dịch vụ khác như thu gom rác thải, kinh doanh xăng dầu, bán rượu tằm, thủy lợi nội đồng. Các dịch vụ này cho tổng doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ đó chia lãi vốn góp cho bà con luôn đạt năm sau cao hơn năm trước. Thành viên không chỉ có thu nhập từ sản xuất mà còn từ nguồn vốn góp nên nhiều hộ nhanh chóng thoát nghèo.

Hỗ trợ mạnh mẽ về mặt tài chính

Thực tế cho thấy, nếu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là làn gió mới của chương trình xây dựng nông thôn mới thì các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX chính là một trong những nhân tố quan trọng để thúc đẩy giảm nghèo, nâng cao đời sống vùng nông thôn.

Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có 28.237 HTX, tăng 2.092 HTX so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, cả nước có 121.670 tổ hợp tác, tăng 1.960 tổ hợp tác (tăng 1,6%) so với 31/12/2021. 6 tháng đầu năm 2022, cả nước cũng thành lập mới 12 liên hiệp HTX (tăng 11,11%), đưa tổng số liên hiệp HTX trên cả nước hiện nay lên con số 120. Khu vực HTX thu hút trên 6,9 triệu thành viên (tăng 93.518 thành viên so với cùng kỳ) và 2,53 triệu lao động (tăng 45.207 lao động).

Có thể thấy, vai trò nổi bật và quan trọng hàng đầu của khu vực kinh tế tập thể, HTX là hỗ trợ và thúc đẩy hàng triệu hộ thành viên là các hộ kinh tế gia đình, phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Thông qua phát triển các loại hình HTX, ở nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn có đầu ra ổn định.

Một trong những hoạt động hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo được khu vực kinh tế tập thể, HTX triển khai hiệu quả nhất đó là tài chính. Trong bối cảnh người dân luôn có nhu cầu phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo nhưng lại thiếu vốn và không thể tiếp cận các nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, thì việc các Quỹ tín dụng nhân dân hay các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được thành lập và phát triển rộng khắp trên cả nước đang là giải pháp phù hợp nhất hiện nay.

Đơn cử như Quỹ Tín dụng nhân dân Tiên Động hoạt động trên địa bàn hai xã Tiên Động và Quang Trung (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Người dân sống chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản và kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, thu nhập bình quân trên đầu người thấp. Tuy nhiên, nhờ có Quỹ Tiên Động mà nhiều thành viên HTX, người dân đã tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập ở khu vực nông thôn.

Chị Bùi Thị Liên (thôn Đoàn Khê, xã Tiên Động) từng gặp không ít khó khăn trong việc mở rộng nuôi trồng thủy sản, trang trại. Tuy nhiên, từ nguồn vốn vay của Quỹ Tín dụng nhân dân Tiên Động, hiện nay chị đã phát triển nuôi trồng thủy sản với diện tích lên đến gần 40 ha. Hiện, gia đình chị là một trong những hộ thoát nghèo thành công nhờ có nguồn vốn từ Quỹ tín dụng nhân dân.

Trước vai trò của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong công cuộc xóa đói nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới các nhà quản lý, các địa phương cần phổ biến sâu rộng về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, HTX trong xóa đói, giảm nghèo thông qua các mô hình, điển hình tiên tiến. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để các HTX tiếp cận các chính sách về vốn, đất đai, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại. Có như vậy, kinh tế tập thể, HTX mới tiếp tục và thực sự trở thành công cụ giảm nghèo hiệu quả trên cả nước.

Thảo Anh