Du lịch nông thôn, theo OECD, là tất cả các hình thức du lịch hoạt động trong không gian nông thôn, có đầy đủ chức năng không gian mở tiếp xúc với thiên nhiên, di sản, xã hội truyền thống, có sự kết nối với các cộng đồng gia đình làng xóm. Du lịch nông nghiệp là một hình thức phát triển mối giao hoà về mặt tự nhiên, văn hoá và con người giữa các vùng đô thị và nông thôn thông qua việc đến ở hoặc tham quan có mục đích nhằm trải nghiệm, hưởng thụ các sản vật địa phương tại từng gia đình nông hộ hoặc các trang trại, là một hình thức xuất khẩu hàng hoá sản phẩm nông nghiệp tại chỗ rất hiệu quả và là nơi quảng bá sản phẩm tại nơi xuất xứ của nó. Ngoài ra, nó còn cho phép tương tác giữa khách du lịch và người địa phương để có sự trải nghiệm về văn hoá, kỹ nghệ, ẩm thực, lễ hội, … Và còn là một hoạt động giáo dục hiệu quả đối với học sinh sinh viên.

doi_che_thanh_chuong.jpg
Đồi chè Thanh Chương thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm (Ảnh: Internet)

Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn của Nghệ An

- Nghệ An là một tỉnh đất rộng, đa dạng về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, có rừng, có biển, có trung du với nhiều thắng cảnh, phong phú về đa dạng sinh học, với nhiều dân tộc đang sinh sống . Đây là điều kiện tốt để có đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn.

- Là tỉnh có số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới tốp đầu cả nước, và đang trong lộ trình xây dựng ở cấp độ cao hơn.

- Là tỉnh có sản vật nông nghiệp khá phong phú, ngon, và có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

- Văn hoá phong phú, đa dạng, có bản sắc độc đáo. Có dân ca ví dặm là di sản phi vật thể nhân loại, kể cả dân ca dân vũ của các dân tộc thiểu số…

- Người dân chất phác, thân thiện, cởi mở, chân tình…

- Có nhiều di sản lịch sử, văn hoá vật thể độc đáo.

trai-nghiem-dl.jpg
Trải nghiệm làm nhà nông cùng người dân tại Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Ảnh: Internet)

Để phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, sắp tới chúng ta phải gì?

Trước hết, cần phải hiểu và nắm chắc tính chất cơ bản của du lịch nông nghiệp nông thôn là: Cộng đồng - Bền vững - Bình đẳng. Từ tính chất này, bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch lớn để làm đầu mối, dẫn dắt thì cần phải đặc biệt quan tâm đến sự tham gia của cộng đồng người dân (ở tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, nghề thủ công, hay dịch vụ…) thông qua các hợp tác xã du lịch - nông nghiệp và các hoạt động phải theo một chuỗi chặt chẽ.

- Cần sớm rà soát để đưa vào quy hoạch các vùng, điểm có tiềm năng lợi thế du lịch nông nghiệp nông thôn để có định hướng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đạt chuẩn du lịch gắn với chương trình nông thôn mới.

- Định hướng sớm quy hoạch không gian du lịch nông nghiệp nông thôn trong quy hoạch không gian nông thôn ở cấp xã (nơi được chọn) để tạo sự kết nối giữa không gian sản xuất nông nghiệp - làng nghề - tiểu thủ công nghiệp - không gian dân cư- không gian dịch vụ, du lịch. Đây là tiền đề để thu hút đầu tư cũng như kích thích thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Trong đó các cơ sở dịch vụ phải đạt chuẩn du lịch, chất lượng ngày càng cao, chuyên nghiệp để thu hút khách.

- Bổ sung du lịch nông nghiệp nông thôn vào danh mục đào tạo nghề cho nông dân để đào tạo nguồn nhân lực cho lao động tại chỗ trên cơ sở gắn hoạt động nông nghiệp với du lịch cũng như các hoạt động dịch vụ và các kỹ năng khác.

- Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản phẩm OCOP chất lượng cao, an toàn và mẫu mã đẹp. Xây dựng “mỗi sản phẩm - một câu chuyện” nhằm khai thác lịch sử, văn hoá và tri thức bản địa của từng sản phẩm gắn với du lịch.

- Triển khai xây dựng một số mô hình điểm ở miền núi, trung du, đồng bằng ven biển, từ đó rút kinh nghiệm và xác định điểm nghẽn và đánh giá sự hài lòng của khách du lịch, từ đó xác định tính bền vững của nó để có sự tác động hợp lý.

o-nghe-an-co-nhieu-trang-trai-cam-co-the-phat-trien-du-lich-canh-nong--anh-sach-nguyen.jpg
Du lịch nông nghiệp, nông thôn - Hướng đi trong xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Sách Nguyễn, nguồn: Internet)

- Sớm hình thành một số cơ chế đặc thù cho du lịch nông nghiệp như cơ chế xây dựng Farmstay (nơi lưu trú, dừng nghỉ), Farmshop (cửa hàng bán sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp), đất dịch vụ du lịch nông nghiệp… để hỗ trợ doanh nghiệp dễ triển khai. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân làm du lịch nông nghiệp (như chính sách du lịch cộng đồng đã ban hành), chính sách đào tạo, chính sách thuế, đất,…

- Thực hiện chuyển đổi số những nơi đã triển khai để thí điểm xây dựng Làng du lịch nông nghiệp nông thôn thông minh. Với mục tiêu phục vụ du lịch, kết nối cộng đồng dân và khách du lịch với chính quyền, doanh nghiệp và cũng là một kênh quảng bá hình ảnh miền quê với nét văn hoá độc đáo riêng biệt cũng như sản phẩm quê hương nhằm thu hút khách trong và ngoài nước.

Chúng ta đang tiến hành tổng kết đánh giá về Nghị quyết phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, đồng thời đang trong lộ trình xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đến 2030 và tầm nhìn 2050, hy vọng phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn là một hướng đi bền vững nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn với một tầm cao mới, đa dạng về công năng và là một nơi đáng sống, là chốn du khách cùng ta trở về!

Trần Quốc Thành

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An