Đóng góp tích cực từ tổ tự quản
Tổ 3, thuộc xóm 5, xã Nam Anh có 20 dân, chủ yếu làm nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là tổ có các phong trào mạnh không chỉ riêng trong xóm mà cả xã; bao gồm về phát triển kinh tế, văn hoá – văn nghệ, thể thao, đóng góp xây dựng nông thôn mới…
Ở tổ 3, theo chia sẻ của Tổ trưởng Nguyễn Đình Cảnh: Chế độ họp tổ được duy trì vào ngày 30 hàng tháng, cho nên, các chủ trương, kế hoạch của xóm, của xã, từ phương án sản xuất, đến đóng góp quỹ phí, xây dựng nông thôn mới…, đều được thông tin đến người dân và cùng nhau thảo luận, thống nhất triển khai nhanh, kịp thời hơn. Trong tháng, hộ gia đình nào xả nước sinh hoạt, chăn nuôi, hoặc vận chuyển phân bón để rơi vãi trên đường, làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, đều được nhắc nhở khắc phục. Tình làng, nghĩa xóm được gắn kết hơn. Bên cạnh xây dựng “phường tiền” để hỗ trợ nhau không lấy lãi, các hộ trong tổ đoàn kết giúp ngày công khi gia đình có hiếu - hỉ, hoặc làm mùa khi gia đình có người ốm đau; hỗ trợ giúp đỡ một hộ thoát nghèo, hiện trong tổ không còn hộ nghèo.
Toàn xóm 5 (xã Nam Anh) có tổng 12 tổ tự quản được thành lập theo từng tuyến đường; tổ ít nhất có 12 hộ, tổ nhiều nhất có 30 hộ. Theo đồng chí Nguyễn Kim Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm, việc thành lập các tổ tự quản theo các trục đường có nhiều thuận lợi trong việc cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, đóng góp làm đường giao thông, đường hoa, đường cờ, đảm bảo sự công bằng, đồng thuận, thống nhất cao hơn và tạo hiệu quả đồng đều, đẹp mắt hơn. Tình làng, nghĩa xóm gắn kết, có thể nói, họ cùng chung niềm vui, nỗi buồn, hoạn nạn có nhau.
Xét ở góc độ chỉ đạo, quản lý của xóm, thông qua thành lập và duy trì hoạt động của các tổ tự quản; các nhiệm vụ, phong trào của xóm được triển khai kịp thời, hiệu quả hơn. Nhiều nội dung không cần tổ chức họp dân mà chỉ cần họp hoặc thông báo trên nhóm zalo, facebook, các Tổ trưởng tổ tự quản và các đảng viên được phân công theo dõi các tổ tự quản sẽ triển khai ngay. Xóm lấy tổ tự quản là đối tượng chỉ đạo trực tiếp, tạo phong trào thi đua giữa các tổ tự quản trong nhiều nội dung, thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ của xóm, nhất là xây dựng nông thôn mới. Như thi đua làm đẹp làng, đẹp xóm; thi đua giao nộp sản phẩm; thi đua khuyến học, khuyến tài, động viên con em học tập; thi đua thực hiện kế hoạch hoá gia đình; thi đua giữ gìn an ninh trật tự; thi đua làm kinh tế, xoá hộ nghèo…
Đối với xóm Sào Nam (xã Xuân Hoà), sau khi sáp nhập hai xóm 1 và 2, quy mô xóm được mở rộng về diện tích và tăng số hộ; việc chỉ đạo, triển khai các công việc ở xóm sau sáp nhập vất vả, khó khăn hơn. Xóm được xếp vào “tốp đầu” xã về nợ nộp sản phẩm, quỹ, phí các loại; huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao có những hạn chế. Trên cơ sở chủ trương của cấp trên, xóm tiến hành thành lập và kiện toàn các tổ tự quản, trong đó chú trọng lựa chọn những người thật sự có tiếng nói, uy tín trong cộng đồng dân cư làm Tổ trưởng tổ tự quản để quy tụ khối đoàn kết; đồng thời hướng dẫn các tổ tự quản cách thức, hình thức hoạt động cụ thể; trọng tâm là phát huy dân chủ, tự quản trong Nhân dân, mọi công việc, người dân phải được biết, được bàn, được quyết định, thống nhất và tự giác tham gia.
Từ nhận thức, ý thức trách nhiệm được “khơi thông”, ở từng tổ tự quản, các hộ dân tự nguyện tháo dỡ hàng rào, các công trình dân sinh, hiến hàng trăm mét vuông đất mở đường và đóng góp tiền, ngày công làm đường bê tông, làm hệ hống truyền thanh xóm. Các công việc làm đường cờ, đường điện chiếu sáng, đường hoa, tạo cảnh quan môi trường nông thôn đảm bảo các tiêu chí “Sáng, xanh, sạch, đẹp” ở từng tổ tự quản. “Từ vai trò của các tổ tự quản đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, tự quản trong các hộ gia đình, hướng tới mục tiêu chung xây dựng cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn. Trong 5 năm xây dựng nông thôn mới nâng cao, xóm đã huy động Nhân dân đóng góp gần 3 tỷ đồng, điển hình có nhiều hộ đóng trên 20 – 30 triệu đồng, đặc biệt có hộ tự nguyện đóng góp hơn 70 triệu đồng”, đồng chí Trương Trọng Thắng – Bí thư Chi bộ, Xóm trưởng xóm Sào Nam (xã Xuân Hoà) chia sẻ.
Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân
Thể chế, cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị ở nước ta chính là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Để đảm bảo phát huy cao nhất quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp trong Nhân dân thực hiện các phong trào, nhiệm vụ chính trị của địa phương, Huyện uỷ Nam Đàn chủ trương xây dựng các tổ tự quản ở cộng đồng dân cư thông qua ban hành Đề án số 07-ĐA/HU ngày 11/9/2018.
Trên cơ sở đó, các địa phương tiến hành rà soát củng cố và kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ tự quản. Đồng chí Nguyễn Duy Thảo - Trưởng ban Dân vận Huyện uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Đàn, chia sẻ: Mô hình tổ tự quản hoạt động trên tinh thần tăng tính tự quản của người dân trong từng tuyến, cụm dân cư, dưới vai trò dẫn dắt của những người uy tín do dân lựa chọn đại diện đã tăng cường đoàn kết, sáng tạo, phát huy quyền làm chủ của người dân ở từng cụm dân cư xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Cụ thể, các tổ tự quản tự phát huy vai trò, chủ động bàn bạc, đề ra giải pháp và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo an ninh trật tự; vận động các hộ gia đình và Nhân dân tự giác hiến đất, đóng góp ngày công, tiền để chỉnh trang bộ mặt nông thôn, xây dựng đô thị văn minh; vận động người dân xây dựng đời sống văn hoá, hỗ trợ, tương trợ lẫn nhau để phát triển kinh tế.
Riêng năm 2023, tổng 1.927 tổ tự quản trong toàn huyện đã vận động người dân tự nguyện hiến 26.827 m2 đất; tháo dỡ 7.535 mét bờ rào; tham gia 51.167 ngày công; đóng góp trên 45 tỷ đồng để nâng cấp, xây dựng gần 64 km đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội khác.
Cùng với đó, thông qua hoạt động của các tổ tự quản, tình làng nghĩa xóm gắn bó, “tối lửa tắt đèn” có nhau ngày càng phát huy với hơn 70% tổ tự quản trong toàn huyện, xây dựng được quỹ thăm hỏi với hơn 14,7 tỷ đồng. Những bức xúc, mâu thuẫn trong Nhân dân được hạn chế thông qua sự thấu hiếu, nhường nhịn nhau, với quan điểm: biến chuyện to thành chuyện nhỏ, biến chuyện nhỏ thành không có chuyện gì nhau; hoặc được các tổ tự quản vào cuộc hoà giải. Trong 5 năm qua, các tổ tự quản đã hoà giải thành công 625 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các tổ tự quản đã đi từng nhà vận động và giữa các tổ tự quản thi đua nhau về cử tri đi bầu và đi bầu sớm, nên nhiều tổ có 100% cử tri đi bầu cử, tỷ lệ cử tri đi bầu cử toàn huyện là 99,4%. đã có 1.357 tổ tự quản xây dựng quỹ thăm hỏi với số tiền trên 14,7 tỷ đồng.
Hiện nay, huyện Nam Đàn đang đẩy mạnh phong trào thi đua, hướng tới mục tiêu: Xây dựng Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch vào năm 2025. Theo đồng chí Trần Thị Hiên – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ: Bên cạnh vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, điều hành của chính quyền và sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở, thì hoạt động của các tổ tự quản trong việc phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân và phục vụ nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Bởi vậy, trên cơ sở sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Đề án số 07-ĐA/HU về xây dựng tổ tự quản, Ban Thường vụ Huyện uỷ Nam Đàn đang tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản; trong đó tập trung kiện toàn và có giải pháp khắc phục đối với các tổ tự quản hoạt động hình thức, hiệu quả chưa cao, tác động đến phong trào chung ở mỗi địa phương, đặc biệt là vẫn còn công dân chưa thực hiện tốt nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú, vi phạm hương ước, quy ước, tệ nạn xã hội.