Nhiều mục tiêu của Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành
Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh - Phó Trưởng Đoàn giám sát nêu rõ, Nghị quyết số 43 được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch Covid - 19 đang diễn ra và gây tác động rất tiêu cực đến đời sống người dân, kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng giảm thấp, sản xuất kinh doanh thu hẹp, an sinh xã hội, việc làm, sinh kế của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Kết quả thực hiện cho thấy, hầu hết chính sách, biện pháp được ban hành tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu trước tình hình cấp bách, được Nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng.
Qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Nhiều chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời như: chính sách tín dụng qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giảm thuế suất giá trị gia tăng đã góp phần hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh; các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua đã phát huy hiệu quả, tăng cường trách nhiệm, năng lực điều hành, tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, bổ sung dòng tiền quan trọng, kịp thời cho nền kinh tế, đồng thời, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư.
Bên cạnh những kết quả tích cực là cơ bản, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh cũng chỉ rõ, việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43 còn một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn theo yêu cầu về thời hạn của Nghị quyết số 43; danh mục dự án trình Quốc hội không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều so với dự kiến khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn chậm trễ. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022 - 2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm.
Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch).
Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước còn thấp khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao. Đến hết năm 2023, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thách thức, chưa phục hồi được sau tác động của dịch Covid - 19.
Tiến độ một số dự án quan trọng quốc gia rút ngắn đáng kể
Về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, Chính phủ đã khẩn trương ban hành các văn bản triển khai thực hiện, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan triển khai thực hiện dự án, đề ra các mốc tiến độ, triển khai các cơ chế đặc thù theo yêu cầu. Tiến độ chuẩn bị triển khai các dự án tuy chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ nhưng đã được rút ngắn đáng kể so với thực tế triển khai các dự án trước đây.
Các dự án được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Các địa phương đã cơ bản thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và nhận được sự ủng hộ của người dân trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Việc phân cấp đã tăng tính chủ động, gắn với trách nhiệm cụ thể, đồng thời, tạo điều kiện nâng cao năng lực điều hành, quản lý dự án lớn của nhiều địa phương khi lần đầu tiên được giao triển khai thực hiện dự án quan trọng quốc gia. Đến nay, các dự án thành phần phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản đã triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu và được bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo cam kết.
Cùng với các chính sách tài khóa kích cầu tiêu dùng của Nghị quyết số 43, các dự án quan trọng quốc gia đã thúc đẩy mạnh mẽ tổng cầu đầu tư của nền kinh tế, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh cũng nêu rõ, tiến độ hoàn thành một số dự án còn chậm so với yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, một số dự án dự kiến tăng tổng mức đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Đối với một số dự án được phân chia thành các dự án thành phần do các địa phương khác nhau làm cơ quan chủ quản vận hành độc lập, nên khó khăn trong việc điều hòa, phối hợp, cân đối tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần.
Mặt khác, công tác dự báo, chuẩn bị đầu tư một số dự án còn hạn chế, chưa lường hết những khó khăn, vướng mắc, chưa bảo đảm tầm nhìn dài hạn, dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện; công tác quản lý vật liệu xây dựng tại các địa phương còn nhiều bất cập. Một số dự án hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác nhưng chưa được đầu tư đồng bộ trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh (ITS) gây khó khăn cho các đối tượng tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông...
Không để dự án dở dang, kém hiệu quả
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 43 Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc nêu tại Báo cáo giám sát.
Cùng với đó, đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến ngày 31.12.2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình đã được phân bổ theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội để đưa các dự án đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư vốn.
Trường hợp không thể hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; đề xuất, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2025, không để dự án dở dang, kém hiệu quả.
Cùng đó, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc đề xuất các chính sách, chương trình, dự án bảo đảm khả năng giải ngân, đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí đề ra để phát huy hiệu quả, hiệu lực, kịp thời, tránh lãng phí nguồn lực có liên quan. Rà soát quy định pháp luật liên quan đến công tác đánh giá tác động chính sách để có giải pháp nâng cao năng lực phân tích, dự báo đánh giá kỹ tác động chính sách của các Bộ, ngành, địa phương trong việc hoạch định chính sách phát triển.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của Chương trình để đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật.
Các địa phương tiếp tục chủ động, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành về các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tiếp tục quan tâm rà soát, có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo rà soát các hạn chế, bất cập trong các chính sách, pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu phí các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư; rà soát, hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Đồng thời, quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan liên quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục tồn tại, hạn chế, nguyên nhân đã được chỉ ra tại Báo cáo kết quả giám sát. Quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các dự án bảo đảm chất lượng, hoàn thành theo tiến độ yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội.
Bộ Giao thông Vận tải và các bên liên quan phối hợp với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền khẩn trương triển khai đầu tư hoàn thiện các trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh (ITS) nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ khi các dự án cao tốc đưa vào khai thác; ban hành định mức về quản lý thu phí đường cao tốc.
Các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư. Các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư khẩn trương, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc như: phối hợp chặt chẽ với các địa phương để bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu; các địa phương ban hành công bố giá vật liệu xây dựng kịp thời, phù hợp với thực tế thị trường; tổ chức thu phí các đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư; nâng cao năng lực, trách nhiệm của các chủ thể trong triển khai các dự án.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, kịp thời phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn vi phạm trong triển khai thực hiện các dự án, nhất là các vấn đề liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu và đấu thầu, chỉ định thầu.