Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ảnh: Trần Hải).

Cùng dự có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo.

Phát biểu ý kiến khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hôm nay, trong chuỗi các hoạt động của Tháng vì người nghèo, chúng ta tổ chức Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1243 ngày 22/10/2024 thành lập Ban Chỉ đạo. Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo đã được ban hành tại Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 5/11/2024.

Đây là Phiên họp có ý nghĩa quan trọng để định hướng cách làm, tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm thực hiện thành công của Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.

Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các bộ, các ngành, các địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và Nhân dân, trong thời gian qua, chúng ta đã giúp cho khoảng 340 nghìn hộ người có công với cách mạng và trên 800 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, đến nay cả nước còn khoảng trên 315 nghìn hộ có khó khăn về nhà ở (khoảng 106 nghìn hộ người có công, 46 nghìn hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và 153 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo khác) cần được hỗ trợ để cải thiện ngôi nhà bảo đảm an toàn, ổn định để “an cư, lạc nghiệp”, góp phần thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

ndo_br_a3-9820.jpg.webp
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo. (Ảnh: Trần Hải).

Để thiết thực chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chúng ta quyết tâm phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu: hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, sớm hơn 5 năm so mục tiêu ban đầu đề ra, so Nghị quyết 42 của Trung ương.

Tại Phiên họp này, Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào một số nội dung chính: xác định rõ mục tiêu, quan điểm, định hướng chỉ đạo để thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình, bảo đảm hoàn thành trong năm 2025. Phân tích, xác định cụ thể những khó khăn, vướng mắc (như: xác định đối tượng, đất ở, huy động, sử dụng nguồn lực, cách thức triển khai thực hiện ở cơ sở…) và biện pháp khác nếu thấy cần thiết. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, kế hoạch, lộ trình thực hiện để hoàn thành mục tiêu vào năm 2025, trong đó lưu ý bảo đảm tinh thần tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó trên tinh thần đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả; phân công “5 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả.

ndo_br_a1-9636.jpg.webp
Quang cảnh Phiên họp thứ nhất. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng chỉ đạo, cần thống nhất cần thành lập Ban Chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến cấp xã. Trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được hỗ trợ; tinh thần là chúng ta hỗ trợ, nhưng người nghèo vẫn phải cố gắng, nỗ lực, cộng đồng phải giúp đỡ, với tinh thần ai có gì giúp nấy với tinh thần “ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”, tinh thần "tương thân, tương ái", “tình đồng chí, nghĩa đồng bào”, "lá lành đùm lá rách", “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, không trông chờ, ỉ lại; tất cả phải chủ động, tích cực.

ndo_br_a4-4472.jpg.webp
Các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng đề nghị các thành viên cho ý kiến cụ thể, giải pháp trọng tâm, tập trung phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, đề xuất kiến nghị cụ thể. Ban Chỉ đạo cần phải họp kiểm điểm hằng tháng để rà soát, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc; đôn đốc, kiểm tra như các công tác về chuyển đổi số, thúc đẩy các công trình trọng điểm….

Thủ tướng cho rằng, việc này đòi hỏi lương tâm, trách nhiệm của cán bộ vì khi người dân còn phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát thì cán bộ, đảng viên không thể yên tâm được. Chính sách của Đảng, Nhà nước là coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Theo Thủ tướng, nhà tạm, nhà dột nát thì không thể bảo đảm môi trường, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Đây là việc làm mang tính nhân văn cao cả, nhưng trách nhiệm nặng nề của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cán bộ, đảng viên vì mục tiêu cao nhất của Đảng là mang lại độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Một bộ phận nhân dân chưa được hạnh phúc, ấm no thì trách nhiệm của Đảng, Nhà nước còn rất nặng nề.

Thủ tướng cho rằng làm công việc này phải có tâm, có đức, trách nhiệm, nhiệt huyết, chia sẻ thực sự với người nghèo, người có công với cách mạng, “không thể hời hợt, nói xong để đó được”. Nếu chúng ta biết cách làm thì sẽ phát huy rất tốt, nhất là qua thực tế triển khai việc xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Hòa Bình. Đây là công việc chung, của cả hệ thống chính trị, cần phát huy sức mạnh của nhân dân.

Thủ tướng cho rằng, cấp Trung ương không thể đi lo cụ thể từng căn nhà được mà phải chỉ đạo, giao địa phương, Trung ương không thể làm thay địa phương, cấp tỉnh không làm thay cấp huyện, cấp huyện làm thay cấp xã. Chính quyền phải bám dân, bám cơ sở, xuống tận cơ sở.

ndo_br_bo-lao-dong-8918.jpg.webp
Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

* Về tình hình hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công: theo kết quả rà soát, cả nước còn khoảng 106.000 hộ người có công có khó khăn về nhà ở. Tổng kinh phí dự kiến khoảng trên 4.000 tỷ đồng (mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng, mức hỗ trợ sửa chữa là 30 triệu đồng).

Ngày 27/9/2024, Thường trực Chính phủ đã họp về chính sách hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Bộ Xây dựng đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

ndo_br_bo-xay-dung-1577.jpg.webp
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Về hỗ trợ nhà ở từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: ước đến hết năm 2024, tổng số hộ được hỗ trợ nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 60.040 hộ (ngân sách trung ương đã bố trí hơn 2,3 nghìn tỷ đồng).

Kế hoạch năm 2025: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất bố trí kinh phí năm 2025 nguồn ngân sách Trung ương là 1.266.784 triệu đồng để xây mới và sửa chữa khoảng gần 40.000 căn còn lại.

Từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: đến nay, cả nước đã hỗ trợ được khoảng 18.200 căn cho các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo báo cáo của các địa phương, dự kiến năm 2025 sẽ hỗ trợ khoảng 21.800 căn nhà với tổng kinh phí khoảng 673.721 triệu đồng.

ndo_br_cac-thanh-vien-2205.jpg.webp
Các thành viên Ban Chỉ đạo tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Hỗ trợ nhà ở từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát: sau Lễ phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" tại Hòa Bình đến trước khi tổ chức Chương trình phát động vào ngày 5/10/2024 có 1/63 địa phương (Lâm Đồng) đã tổ chức lễ phát động, có 34/63 địa phương đã ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai Phong trào tại địa phương, tổng số kinh phí đã huy động được khoảng 44,178 tỷ đồng.

Ngay sau Chương trình phát động của Chính phủ ngày 5/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao 200 căn nhà hỗ trợ tỉnh Quảng Trị; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh 25 tỷ đồng xây dựng 500 căn nhà và thông tin sẽ hỗ trợ tỉnh Nghệ An 10 tỷ đồng; Bộ Công an bàn giao 1.300 căn nhà cho người nghèo tại tỉnh Trà Vinh với tổng kinh phí là 84 tỷ đồng; CLB Phù Đổng Ninh Bình và hai cầu thủ Hoàng Đức, Đặng Văn Lâm đã ủng hộ 3 tỷ đồng Phong trào thi đua.

Theo tổng hợp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến ngày 6/11/2024, Quỹ Vì người nghèo trung ương đã nhận được thêm trên 10 tỷ đồng ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân. Tập đoàn KN hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 3 tỉnh thuộc Nhóm 1 với tổng kinh phí là 95 tỷ đồng (trong đó: Bà Rịa-Vũng Tàu: 10 tỷ đồng, Đồng Nai: 55 tỷ đồng, Khánh Hòa: 30 tỷ đồng). Theo thông tin nhanh, có một số địa phương đã kết nối, nhận kinh phí hỗ trợ từ các bộ, cơ quan, đơn vị (Quảng Trị, Thanh Hóa, An Giang...).

Qua nắm bắt thông tin, Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào ngày 5/10/2024 được nhân dân đánh giá cao, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, làm lay động lòng người, được các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, người dân ủng hộ. Kết thúc Chương trình, tổng số tiền huy động được là 5.932 tỷ đồng…

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, thay mặt Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan đã chuẩn bị chu đáo, thực hiện tốt Chương trình truyền hình trực tiếp phát động phong trào xoá nhà tạm, nhà dột nát đầu tháng 10 vừa qua; đã huy động được nguồn lực lớn nhất từ trước đến nay (gần 6.000 nghìn tỷ đồng) phục vụ phong trào. Thủ tướng đánh giá chương trình này là việc làm nhân văn, cao cả, mang tính toàn dân, toàn diện, do đó cần tạo phong trào, xu thế, tổ chức thực hiện như ngày hội, chiến dịch để thúc đẩy hoàn thành mục tiêu, làm việc với tất cả tâm, đức tất cả vì người nghèo, người có công với cách mạng.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng của thiên tai luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm qua các thời kỳ và xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chính sách về nhà ở đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Về mục tiêu, quan điểm, định hướng, Thủ tướng nhấn mạnh, phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu: hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó, tập trung huy động nguồn lực xã hội hoá kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành đồng thời cả 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công; Hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước.

Xác định rõ quan điểm hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm 2025. Quán triệt phương châm: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ”. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình với tinh thần: tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện, trong đó chính quyền địa phương các cấp có vai trò quyết định sự thành công của Chương trình dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó lưu ý phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể để bảo đảm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025. Đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Trung ương, địa phương cũng phải đóng góp, kêu gọi sự hỗ trợp của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các lực lượng. Trung ương dành nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các Bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra.

Thủ tướng kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp, bản thân các đối tượng được hỗ trợ đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ với tinh thần: “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát”.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực truyền cảm hứng xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ trong triển khai thực hiện Chương trình với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, chủ thể có liên quan thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí nhưng cách làm phải rất linh hoạt, sáng tạo, không máy móc với tinh thần trách nhiệm rất cao, cảm xúc mạnh mẽ, tư duy phải đổi mới.

Thủ tướng lưu ý coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết tâm, quyết liệt là yếu tố quyết định sự thành công của phong trào này. Thời gian nhanh, kịp thời; trí tuệ phải thông minh, linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; quyết tâm, quyết liệt trong tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát.

Thủ tướng nêu rõ, phiên họp đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo các cấp do Bí thư cấp ủy đứng đầu, có quy chế làm việc, hàng tháng họp Ban Chỉ đạo từ Trung ướng đến cấp cơ sở để rà soát, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các vướng mắc từ Trung ương cho đến cấp xã. Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã phải hoàn thành trước ngày 30/11/2024.

Về phân nhóm các địa phương và phương án phân bổ nguồn lực hỗ trợ, Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội-cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rà soát, hoàn thiện Phương án phân bổ nguồn lực hỗ trợ vận động được từ Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát và nguồn lực hiện có của Quỹ Vì người nghèo; thay mặt Ban Chỉ đạo thông báo cho các bộ, ngành, địa phương, donah nghiệp, tổ chức, cá nhân về phân nhóm các địa phương, phương án phân bổ nguồn lực hỗ trợ để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả tích cực, đúng mục tiêu; lưu ý bảo đảm không trùng lắp, thất thoát, lãng phí.

Về phương châm, trách nhiệm của địa phương trong việc huy động hỗ trợ; giải quyết số hộ phát sinh, Thủ tướng đồng ý quan điểm đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: đây là trách nhiệm của địa phương, đặc biệt là ở cơ sở; lưu ý không để phong trào “nguội lạnh” mà phải thương xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, “hâm nóng”; đề cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương, từng người, từng gia đình, kể cả gia đình được hỗ trợ. Do vậy, các địa phương cần chủ động, sáng tạo, nỗ lực vận động nguồn lực thực hiện, tạo phong trào, xu thế. Thủ tướng cũng nêu rõ, Ban Chỉ đạo đã thống nhất từ ngày nâng mức hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát từ ngày 10/11/2024 lên mức 60 triệu đồng/căn nhà xây mới, hỗ trợ 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa; số liệu chốt là số đã báo cáo.

Về vật liệu, nhân công, Thủ tướng cho rằng cần kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng để góp phần tạo phong trào, xu thế. Phát động phong trào, bản thân người được hỗ trợ cũng phải nỗ lực, cố gắng vươn lên. Tách riêng các đối tượng bảo trợ xã hội để hỗ trợ hiệu quả hơn. Về một số nội dung cụ thể, về công tác chỉ đạo lãnh đạo, phải xuyên suốt, đầy đủ từ Trung ương đến địa phương; các thủ tục thực hiện công việc này thì địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở, cấp xã cần tổ chức thực hiện linh hoạt, vận dụng sáng tạo các quy định pháp lý đã có để thực hiện.

Về các thủ tục pháp lý, Thủ tướng yêu cầu nguyên tắc chung là không tranh chấp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phải chịu trách nhiệm việc này; thẩm thuộc huyện thì huyện giải quyết, của xã thì xã giải quyết; nguồn lực tài chính tổng hợp từ nguồn Trung ương, Chương trình mục tiêu quốc gia, xã hội hoá, hỗ trợ bằng đa dạng hoá các nguồn. Về nhân công, phải đa dạng hoá, gia đình, bạn bè, hàng xóm giúp đỡ, huy động thêm lực lượng quân đội, công an vào cuộc. Về mẫu nhà, Bộ Xây dựng có hướng dẫn cơ bản, còn lại phải theo văn hoá, phong tục tập quán và địa phương phải điều chỉnh, tuy nhiên thiết kế cần thống nhất về mẫu.

Về công tác tuyên truyền, các cơ quan truyền thông phải xây dựng chuyên đề cụ thể, nêu rõ các kinh nghiệm hay của các địa phương, cơ quan.

Về một số thủ tục liên quan tổ chức thực hiện như tài chính, Thủ tướng đề nghị việc sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi ngân sách Nhà nước (tổng hơn 5.000 tỷ đồng) phải bảo đảm thuận lợi nhất, chống cơ chế “xin-cho”, vòng vo, thất thoát, lãng phí. Về việc kiểm tra, đôn đốc, Chính phủ có tổ công tác thì cần tổ chức thêm các cuộc kiểm tra, Mặt trận Tổ quốc cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát.

Về phân công nhiệm vụ các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn các vấn đề còn vướng mắc về thủ tục. Bộ Xây dựng: Khẩn trương nghiên cứu, thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với văn hoá, phong tục, tập quán và đặc điểm của từng địa phương, vùng miền.

Ủy ban Dân tộc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, bảo đảm hoàn thành hỗ trợ trong năm 2025. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt việc hỗ trợ nhà ở cho người có công, phong trào thi đua “Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”. Thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lặp với các hoạt động hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Thủ tướng yêu cầu lấy số liệu thống kê nhà tạm, nhà dột nát đã “chốt" để làm căn cứ thực hiện.

Bộ Thông tin và Truyền thông: xây dựng kế hoạch truyền thông hiệu quả, công bố hình thức ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát qua tin nhắn điện thoại về thông điệp “Cao điểm phát động 450 ngày đêm hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước” với các hình thức, thời lượng phù hợp. Yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí vào cuộc chủ động, hiệu quả để tuyên truyền phù hợp. Khuyến khích hình thức xã hội hóa, điều quan trọng là tạo phong trào, xu thế trên tinh thần “tình đồng chí, nghĩa đồng bào”, "tương thân, tương ái", làm trên tinh thần tự giác, phát huy tính nhân văn, giá trị tốt đẹp của dân tộc ta.