Khó xác định nguồn gốc, ranh giới đất cơ sở tôn giáo

Một bộ phận cán bộ cơ sở chưa hiểu đúng nghĩa đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý, bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào cũng chỉ có quyền sử dụng, nên ảnh hưởng đến tham mưu quản lý đất đai liên quan tới tôn giáo. Mặt khác, hiểu biết và nhận thức của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo về luật pháp liên quan đến đất cơ sở tôn giáo còn rất hạn chế, phần lớn có tư tưởng đất không phát sinh, tranh chấp nên không cần kê khai, cấp giấy chứng nhận.

vh-1670022516394--n1.jpg
Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh tháng 10.2022 về tình hình quản lý, sử dụng đất đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục, tôn giáo, thể thao, du lịch. Ảnh: CTV

Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng còn chậm, nhiều khó khăn trong xác định nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất. Nhiều cơ sở tôn giáo không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; hầu hết đã sử dụng đất từ lâu, ranh giới, mốc giới biến động, không rõ ràng; việc xác định nguồn gốc, ranh giới sử dụng đất cơ sở tôn giáo còn nhiều bất cập: Nguồn gốc sử dụng đất của các cơ sở tôn giáo phức tạp, tổ chức tôn giáo thay đổi qua nhiều thời kỳ, nhiều người quản lý cơ sở tôn giáo khác nhau. Quá trình sử dụng không có hoặc mất giấy tờ, bị lấn chiếm hoặc lấn chiếm thêm nên việc xác định ranh giới sử dụng đất khó, kéo dài.

Đa số cơ sở tôn giáo đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do chưa xác định ranh giới sử dụng đất tôn giáo với các hộ dân, cá nhân sử dụng đất liền kề. Hiện chỉ có ranh giới tạm và nảy sinh tranh chấp khi tiến hành đo đạc, kê khai. Tài liệu hồ sơ địa chính của các địa phương được lập từ nhiều thời điểm khác nhau, không thống nhất, không cập nhật, chỉnh lý những biến động trong quá trình sử dụng đất nên khó khăn trong việc xác định ranh giới, mốc giới. Nhiều nơi hồ sơ địa chính bị thất lạc, hoặc độ chính xác không còn vì đất cơ sở tôn giáo biến động do nhận chuyển nhượng, mua, tự ý mở rộng do hiến đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xây dựng sang vị trí mới… (sau ngày 1.7.2004). Biến động này không được cập nhật trong hồ sơ địa chính.

Chưa chú trọng lập hồ sơ kê khai đăng ký quyền sử dụng đất

Phần lớn người đứng đầu cơ sở tôn giáo thay đổi theo thời gian, nhiệm kỳ, nhưng không cập nhật trong hồ sơ đất đai, chỉ xác nhận được người đại diện khi tiến hành kê khai. Do vậy, khi không đồng thuận thì người đại diện hiện tại phủ nhận những thỏa thuận của người đại diện trước đây với chính quyền.

Một số cơ sở tôn giáo không phối hợp với cơ quan chức năng trong việc lập hồ sơ kê khai đăng ký quyền sử dụng đất. Một số cơ sở cố tình không kê khai, không đồng ý cho cán bộ đo đạc diện tích đất, không ký vào biên bản sau khi cán bộ đo đạc. Nhiều trường hợp không có hồ sơ, không có văn bản quản lý của Nhà nước, chỉ có bản vẽ hiện trạng. Một số cơ sở kê sai mục đích sử dụng, đất nghĩa trang, đất trồng cây lâu năm, đất sản xuất trước năm 1975 đều kê khai thành đất tôn giáo. Một số không muốn kê khai diện tích đất để tiếp tục lấn chiếm đất công.

Có cơ sở tôn giáo sử dụng nhiều thửa đất, có thửa sử dụng chung cho nhiều mục đích (cơ sở tôn giáo, từ thiện xã hội, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở sản xuất). Một số cơ sở tôn giáo xây dựng trên đất rừng đã được địa phương giao khoán và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ban quản lý rừng. Một số cơ sở tôn giáo đề xuất sử dụng đất vào các hoạt động phụ trợ (như làm ao, sân bóng, bãi giữ xe, khu vui chơi, làm nghĩa trang, xây dựng nhà dưỡng lão…) trong khi pháp luật về đất đai chưa có quy định này.

Một số chức sắc, chức việc tôn giáo lợi dụng việc buông lỏng quản lý của chính quyền, dùng ảnh hưởng của cá nhân, tôn giáo vận động tín đồ chuyển nhượng, bán, hiến quyền sử dụng đất trái quy định. Một số trường hợp lợi dụng việc chưa có quy định cụ thể về hạn mức đất dành cho cơ sở tôn giáo, cố ý làm lấn để tạo thêm quỹ đất gây ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, ảnh hưởng đến an ninh xã hội khi có những vụ khiếu kiện xảy ra…

Chưa quan tâm quy hoạch, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa

Mặc dù hệ thống pháp luật đã có những quy định cụ thể (Điều 162, Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 5.4.2016 của Chính phủ về Xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng), tuy nhiên, còn nhiều bất cập trong công tác quy hoạch, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa. Việc mai táng người đã chết được tích tụ từ lâu đời nhưng phân bổ, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự đồng bộ. Công tác quy hoạch, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa chưa được quan tâm, bố trí hợp lý, làm gia tăng nguy cơ lãng phí đất, ô nhiễm môi trường và thiếu đất nghĩa trang, nghĩa địa trong tương lai.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu quỹ đất cho phát triển đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp ngày càng tăng, làm cho diện tích đất dành cho nghĩa trang, nghĩa địa cũng bị ảnh hưởng, phải di dời sang vị trí khác, hoặc phải quy hoạch tập trung trên một diện tích nhỏ hơn, dễ gây ra những bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân, tạo nên rào cản không đáng có cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trên thực tế hiện nay xuất hiện loại đất được dùng để xây dựng các cơ sở bảo quản lưu trữ tro cốt (ngoài các cơ sở tôn giáo, nơi thờ tự như chùa, nhà thờ…) nhưng pháp luật đất đai chưa có quy định điều chỉnh (như quy định về việc quy hoạch, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các quyền, nghĩa vụ liên quan khác của chủ sử dụng loại đất này).

Hương Linh