Một sáng mùa Đông, huyện biên giới Kỳ Sơn chìm trong sương mù và giá rét. Thế nhưng, tại Trường Phổ thông DTNT THCS Kỳ Sơn, tiếng nói cười vẫn vang lên rộn rã. Đám học trò và cả thầy cô giáo nhà trường tự hào và vui sướng khi biết tin kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh vừa diễn ra. Theo thầy Nguyễn Quế Trường – Hiệu trưởng cho hay, nhà trường có 14 em tham dự đều đạt 14 giải. Trong đó 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 07 giải Ba và 05 giải Khuyến khích.
“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của nhà trường có số lượng học sinh tham gia và đạt giải nhiều như năm nay. Bởi 100% học sinh nhà trường đều là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, sự nỗ lực của thầy cô và các em là một điều khiến nhiều người phải khâm phục” – thầy Nguyễn Quế Trường chia sẻ.
Trong lớp 9A, từng tốp đang vây quanh cô học trò Cự Gầu Xư để chúc mừng. Chia sẻ về niềm vui này, cô học trò người Mông cho biết: Nhà Gầu Xư ở tận bản Tiền Tiêu, thuộc xã biên giới Nậm Cắn. Bố em là một cán bộ xã, còn mẹ là lao động tự do. Gầu Xư là con thứ hai trong gia đình có bốn anh chị em. Ngày còn học tiểu học, với năng khiếu của mình, Gầu Xư đã từng tham gia và đạt nhiều giải thưởng cấp huyện. Trong đó, có giải Nhì cuộc thi kể chuyện về tấm gương Bác Hồ. Đó cũng là niềm vinh dự và động lực để Gầu Xư nỗ lực vượt qua định kiến rào cản “con gái không cần phải học” trong suy nghĩ lạc hậu của nhiều người Mông.
Lên cấp 2, thi đậu vào trường nội trú của huyện, Cự Gầu Xư đam mê môn Giáo dục công dân, một môn học mà nhiều bạn vẫn cho là khô khan và không có hứng thú.
“Nhiều bạn nói như thế nhưng trong mỗi tiết học em đều tìm thấy niềm vui và những bài học bổ ích, quý báu. Em thấy môn học này phù hợp với khả năng của em, bổ sung cho em những kiến thức và kỹ năng còn thiếu trong cuộc sống, trong ứng xử với các mối quan hệ ngoài xã hội” – Gầu Xư chia sẻ.
Bởi thế, năm học lớp 8, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, Gầu Xư đã giành giải Nhất. Rồi những vòng tuyển chọn đội ngũ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, em cũng thể hiện được bản lĩnh của mình khi liên tiếp đứng đầu bảng. Gầu Xư bảo rằng, ngoài lịch nhà trường bố trí ôn tập một tuần hai buổi thì thời gian còn lại em đều tự học.
“Muốn học tốt môn mà các bạn vẫn thường bảo khô khan này thì trước tiên em đều vạch ra mục tiêu cho mình. Ban đầu là những mục tiêu nhỏ, sau khi hoàn thành lại đề ra mục tiêu lớn hơn. Các chương trình sách, báo, tài liệu, truyền hình em đều tham khảo và tự rút ra bài học cho mình. Cách học của em chỉ đơn giản thế thôi” – Gầu Xư “bật mí”.
Cô giáo Trần Thị Thu Hằng, giáo viên trực tiếp bồi dưỡng Gầu Xư cho biết: Năm học này, cô có 4 học sinh do cô bồi dưỡng đều đạt giải môn Giáo dục công dân cấp tỉnh và tất cả 4 em đều là người Mông. Trong đó, Gầu Xư qua các lần kiểm tra đều luôn giữ vững được thành tích.
“Ngoài việc ôn tập trên lớp, tôi còn tranh thủ ôn tập ban đêm cho các em không kể ngày mưa hay nắng. Bù lại, học sinh người Mông như các em đều rất ngoan ngoãn và chăm chỉ. Đặc biệt, em Gầu Xư là người luôn có cái nhìn mới mẻ và sáng tạo trong mọi vấn đề” – cô Hằng tâm sự.
Nói về ước muốn của mình, Cự Gầu Xư chia sẻ: “Sau này, em muốn trở thành một biên tập viên bởi từ nhỏ em đã đam mê và cũng từng tham gia làm MC nhiều chương trình. Quê em có núi non hùng vĩ, có chợ biên tấp nập với những nét đẹp văn hóa mà nhiều người chưa từng biết. Trở thành một biên tập viên là cơ hội để em giới thiệu mảnh đất quê em đến với bạn bè muôn nơi”.