Mô hình phát triển kinh tế nuôi gà thịt thả đồi của gia đình hội viên nông dân Trần Thị Hoa ở bản Kim Tiến, xã Phúc Sơn là một trong những mô hình tiêu biểu ở địa phương

Mô hình phát triển kinh tế nuôi gà thịt thả đồi của gia đình hội viên nông dân Trần Thị Hoa ở bản Kim Tiến, xã Phúc Sơn là một trong những mô hình tiêu biểu ở địa phương. Trước đây, gia đình chị gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, mặc dù đất đai nhiều song do chưa có tiền đầu tư giống và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên kinh tế cũng chỉ đủ ăn. Được Hội Nông dân xã Phúc Sơn cho tham gia lớp tập huấn chuyển giaokhoa học, kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học, đã giúp chị thay đổi cách nghĩ, cách làm; đồng thời tạo điều kiện cho gia đình chị thụ hưởng dự án gà đẻ trứng với số lượng 2.000 con, trong đó được hỗ trợ 50% giống và 50% thức ăn. Hiện nay mỗi năm gia đình chị nuôi 2 lứa gà thịt, mỗi lứa 1.500 con, ngoài ra chị còn trồng 1 ha chè nguyên liệu và đào 3 sào ao thả cá. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm cũng mang lại cho gia đình chị thu nhập trên 150 triệu đồng.  

Một trong những điển hình cho phong trào phát triển kinh tế ở xã Đức Sơn là hội viên Nguyền Ngô Quỳnh ở thôn 12 xã Đức Sơn, với mô hình nuôi lươn không bùn kết hợp với giun quế. Ông Quỳnh cho biết: Tháng 4 năm 2020, sau khi tìm hiểu nhận thấy trên địa bàn mô hình nuôi lươn chưa có, hơn nữa số lượng các quán ăn nhà hàng khá nhiều, ông đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư sang nuôi lươn không bùn. Đặc biệt, giống lươn được ông Quỳnh chọn nuôi là lươn đồng được ông tự đi đặt trúm ở các cánh đồng trên địa bàn và thu gom từ các hộ dân trong vùng sau đó về thuần thục. Sau một thời gian cho lươn ăn ốc bươu, qua tìm hiểu ông Quỳnh đã đầu tư mua 6 tạ sinh khối giun quế về nuôi để làm thức ăn cho lươn. Chia sẻ về kĩ thuật nuôi, ông Quỳnh cho biết, lươn là loại động vật khá dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, thức ăn của nó khá dễ kiếm, nhưng thức ăn tốt nhất của nó là giun, vì con giun có hàm lượng đạm cao nên rất phù hợp cho lươn phát triển. Hiện ông Quỳnh đang nuôi hơn 40m2 giun quế để làm thức ăn cho lươn, giun sinh trưởng và phát triển nhanh, vừa giảm được chi phí thức ăn mà con lươn ít bị dịch bệnh. Hiện nay, mô hình nuôi lươn không bùn kết hợp giun quế của ông Quỳnh mang lại hiệu quả rất cao, mỗi năm cho thu nhập từ 80- 100 triệu đồng.

Hội viên Hội Nông dân xã Lĩnh Sơn luôn đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo

Hội Nông có nhiều biện pháp, cách làm hay nhằm giúp đỡ hội viên giúp nhau giảm nghèo bền vững. Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Sơn cho biết: Với mục tiêu “trao cần câu không trao con cá”, Hội Nông dân xã Đức Sơn đã định hướng cho hội viên biết khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương; đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong toàn thể hội viên. Đến nay Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đứng ra ủy thác và đã tạo điều kiện cho gần 100 hội viên được tiếp cận nguồn vốn với mức dư nợ gần 4,5 tỷ đồng đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở được 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho trên 350 lượt hội viên nông dân. Thông qua các lớp tập huấn, đã giúp các hội viên biết cách áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo. Với sự vào cuộc của Hội Nông dân xã Đức Sơn, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung.

Không chỉ ở xã Đức Sơn, hiện nay  21/21 cơ sở trên địa bàn huyện Anh Sơn đều phát huy tốt vai trò của mình trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng hội viên, điển hình là Hội Nông dân xã Lĩnh Sơn. Hội nông dân xã Lĩnh Sơn hiện có gần 1.700 hội viên, sinh hoạt ở 8 cơ sở Hội. Trong những năm qua, Hội Nông dân xã luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên trong mọi phong trào, đặc biệt là phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo. Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 20 hội viên có mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm. Nhờ sự nỗ lực giúp hội viên phát triển kinh tế, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của hội chỉ còn 1%.

Nhiều gương hội viên Hội Nông dân Anh Sơn sản xuất kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn cho biết: Thời gian qua, bám sát nhu cầu thực tế của hội viên, Hội nông dân huyện Anh Sơn đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, tuyên truyền, vận động hội viên giúp nhau giảm nghèo bền vững. Các phong trào thi đua do Hội Nông dân các cấp phát động tiếp tục phát triển sâu rộng, được nâng cao về chất lượng, có sức lan tỏa. Các cấp Hội Nông dân đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân về pháp luật, kiến thức kinh doanh, khoa học kỹ thuật, năng lực tổ chức sản xuất, quảng bá, tiêu thụ nông sản cho nông dân; quan tâm các hình thức hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp; tổ chức cho hội viên, nông dân tham quan, học tập kiến thức kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh trong và ngoài địa bàn; chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế để hội viên, nông dân học tập, làm theo. Vì vậy, ngày càng xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Đến nay toàn huyện có 2.750 hội viên có mức thu nhập trến 100 đến 200 triệu/năm; 532 hộ có mức thu nhập từ 200 – 500 triệu/năm, 41 hộ có mức thu nhập trên 500 – 1 tỷ đồng; 47 hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng. Hội Nông dân các cấp đã phối hợp xây dựng được 580 mô hình phát triển kinh tế hộ. Năm 2022, có 7.868 hội viên Hội Nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 68%/tổng hộ đăng ký. Cùng với việc thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của tổ chức hội các cấp, để giúp hội viên nông dân có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, dạy nghề và chuyển giao khoa học, kỹ thuật đã tạo điều kiện giúp nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất có hiệu quả, cụ thể trong nhiệm kỳ 2018- 2023, Hội đã xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn huyện, dư nợ tính đến nay đạt 3.6 tỷ đồng thuộc 9 dự án, cho 71 hộ vay. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội hàng năm giải ngân trên 17 tỷ đồng cho 340 hộ vay; nâng tổng dư nợ do Hội quản lý đến nay lên trên 154 tỷ đồng cho 2.990 hộ vay. Từ đó, đã có nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi gà thịt, gà đẻ trứng xã Lĩnh Sơn, Cẩm Sơn, Đức Sơn; nuôi ong xã Tường Sơn; mô hình chăn nuôi cá lồng bè thị trấn; mô hình chăn nuôi bò 3B Vĩnh Sơn; mô hình chăn nuôi dê Tào Sơn; mô hình trồng cam bù sen Khai Sơn… Ngoài ra, các cấp hội đã đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế theo nhóm hộ, tổ liên kết, tổ hợp tác, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; các tổ hội đã liên kết, giúp đỡ trong đầu tư, mở rộng dịch vụ tạo việc làm cho nông dân nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh nông sản cho nông dân.

Với truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện, Hội Nông dân tỉnh và sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền các cấp cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, hội viên, Hội Nông dân huyện Anh Sơn sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng cụ thể, sâu sát, hướng về cơ sở, đồng hành với nông dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng quê hương Anh Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh.