e3a0c569b6237b7d2232-104245_973.jpg

Người dân Thái Bình luôn trăn trở với việc xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình. Ảnh: TL.

“Thái Bình là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn thứ 2 tại khu vực đồng bằng sông Hồng với truyền thống thâm canh nổi tiếng. Vậy tại sao cho đến nay vẫn chưa có thương hiệu lúa gạo Thái Bình? Câu hỏi đó luôn đau đáu ở trong suy nghĩ và tâm khảm của người dân Thái Bình”, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, bày tỏ nỗi lòng tại Hội nghị phát triển thị trường lúa gạo tỉnh Thái Bình.

Theo đó, ông Trần Mạnh Báo phân tích, mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của tỉnh Thái Bình trên thị trường vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Cụ thể, hiện nay, đa phần người trồng lúa tại Thái Bình vẫn sản xuất manh mún, canh tác và tiêu thụ một cách tự phát. Sản phẩm hàng hóa lúa gạo không có bao bì, nhãn mác hoặc mỗi đơn vị làm một kiểu, không có quy trình thống nhất.

Đặc biệt, chất lượng sản phẩm chưa được giám sát. Người tiêu dùng khó nhận biết được nguồn gốc của sản phẩm. Người dân bị phụ thuộc nhiều vào việc bán sản phẩm cho thương lái tiêu thụ. Việc xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm chưa bài bản, chưa nêu được đặc trưng của sản phẩm và vùng sản xuất…

“Có thể thấy, để phát triển, tiếp cận được thị trường, thương hiệu lúa gạo Thái Bình cần phải có sự đổi mới. Chúng ta cần xây dựng chuỗi các hoạt động từ nghiên cứu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm lúa gạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và thị trường. Để làm được điều đó đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với các HTX và hộ sản xuất”, ông Trần Mạnh Báo bày tỏ quan điểm.

toi-la-boc-truc-tao-bao-va-thich-pha-cach-203144_20201118_549-104245_249.jpg

Ông Trần Mạnh Báo cho rằng, việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của tỉnh Thái Bình trên thị trường vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động trong ngành nông nghiệp và luôn trăn trở với cây lúa, hạt gạo, ThaiBinh Seed đã đầu tư nguồn lực, trí lực và tâm huyết nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo Thái Bình.

Hiện nay, ThaiBinh Seed đang tập trung mở rộng ngành kinh doanh lương thực và xác định đó là chiến lược phát triển trong giai đoạn tới. Các sản phẩm của ThaiBinh Seed được sản xuất theo chuỗi từ nghiên cứu tạo giống chất lượng, sản xuất lúa gạo đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Nhà nước.

Theo đó, sẵn sàng tham gia chương trình phát triển ngành lúa gạo Thái Bình, doanh nghiệp cam kết sẽ cung cấp những giống lúa chất lượng cao cho sản xuất. Đồng thời tổ chức vùng sản xuất nguyên liệu gạo phù hợp để đạt được chất lượng gạo ngon.

“ThaiBinh Seed đã và đang nghiên cứu, sản xuất thử để xác định các vùng trồng lúa gạo phù hợp với từng giống và từng địa phương”, ông Trần Mạnh Báo cho hay.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẵn sàng đầu tư xây dựng hệ thống chế biến lúa gạo theo công nghệ hiện đại. ThaiBinh Seed đang triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến gạo theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản với diện tích 10 ha tại huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.

gat_lua_1_2_10041017062020-104247_530.jpg

Thái Bình cần có thêm những chính sách hỗ trợ về lãi suất ngân hàng, giống, cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu. Ảnh: TL.

Theo doanh nhân Trần Mạnh Báo, để doanh nghiệp có thể thực hiện được những điều đó, ông mong muốn tỉnh Thái Bình tạo điều kiện giúp ThaiBinh Seed xây dựng vùng nguyên liệu cho sản xuất lúa hàng hóa và nguyên liệu cho nhà máy chế biến gạo chất lượng cao.

Bên cạnh đó, đại diện doanh nghiệp cũng đề nghị tỉnh Thái Bình có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất ngân hàng, hỗ trợ các hợp tác xã và hộ nông dân về giống, cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu.

Song song, ông Trần Mạnh Báo cũng cho rằng tỉnh Thái Bình cần xây dựng sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm nông sản Thái Bình hướng tới kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững, kết nối bán hàng trực tuyến với các kênh bán hàng trong và ngoài nước.

Thái Bình là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi về điều kiện tụ nhiên, thổ nhưỡng, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và kinh nghiệm thâm canh để phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành hành lúa gạo. Tỉnh Thái Bình cũng đã xác định phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng theo nhu cầu của thị trường. Tập trung quy hoạch các vùng sản xuất và tổ chức sản xuất theo phương thức hợp tác, liên kết, hình thành các hợp tác xã kiểu mới để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn với hoạt động chế biến và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp… để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn, có thương hiệu theo nhu cầu của thị trường.

Phạm Hiếu