Nhiều học sinh lớp 12 "từ chối" môn Tiếng Anh
Lớp 12A1 là lớp có điểm đầu vào khá cao ở Trường THPT Phan Đăng Lưu (Yên Thành), tỷ lệ học sinh xác định vào đại học gần 100%. Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngoài 2 môn bắt buộc là Toán, Văn, hầu hết học sinh đều chọn các môn tự nhiên như Vật lý, Hóa học hoặc Sinh học. Số học sinh đăng ký môn thứ 3 là Tiếng Anh chỉ có 4 em.
Chia sẻ về lý do, em Phùng Oanh cho biết: Em đang đặt mục tiêu vào Trường Đại học Y Huế, vì thế, em sẽ chọn môn Hóa học và Sinh học để đăng ký dự thi môn tự chọn. Điều đó, sẽ thuận lợi cho em trong việc xét tốt nghiệp và để đăng ký vào đại học.
Toàn trường, hiện tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi môn Tiếng Anh chỉ khoảng 36% và chủ yếu tập trung vào nhóm học sinh đăng ký dự thi khối D (Toán – Văn – Anh) hoặc khối A1 (Toán – Lý – Anh).
Trong khi đó, tại Trường THPT Bắc Yên Thành, năm nay, qua khảo sát có 165/ 594 học sinh chọn Ngoại ngữ là môn dự thi tốt nghiệp.
Lý giải về lý do, cô giáo Nguyễn Thị Hà - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Năm nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều nét mới nên học sinh có nhiều cơ hội để đăng ký môn thi tự chọn trong tổng số 9 môn mà các em được học gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Ở trường chúng tôi, những học sinh lựa chọn Tiếng Anh làm môn tự chọn đồng nghĩa với việc đây cũng là môn các em xét tuyển vào đại học hoặc ở một số em có nhu cầu đi du học, đi xuất khẩu lao động hoặc có ý định đi làm việc ở các công ty nước ngoài.
Cô giáo Lê Thị Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Yên Thành
Tại Trường THPT Nghi Lộc 3, năm học 2024 - 2025 nhà trường chỉ có 1/5 học sinh (với khoảng 100 em) đăng ký dự thi môn tự chọn là môn Tiếng Anh.
Không ít học sinh trong số này đang có dự định đi du học sau khi hoàn thành chương trình lớp 12. Cô giáo Nguyễn Thị Nga – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Tuy số lượng học sinh đăng ký không cao, nhưng những em đã lựa chọn môn Tiếng Anh nghĩa là các em đã xác định mục tiêu của mình và các em sẽ học nghiêm túc để sau này có thể ứng dụng tiếng Anh vào cuộc sống.
Tránh tâm lý “thi gì học nấy”
Năm học này, Trường THPT Quế Phong có hơn 550 học sinh lớp 12. Từ năm lớp 10, trên cơ sở học sinh đăng ký tự nguyện, nhà trường chia thành 7 lớp theo định hướng Khoa học xã hội và 8 lớp theo định hướng Khoa học tự nhiên.
Bước sang năm học cuối cùng, do đây là năm đầu tiên thực hiện thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới nên bắt đầu từ cuối năm lớp 11, nhà trường đã tiến hành khảo sát số lượng học sinh đăng ký dự thi các môn. Qua đó, cho thấy đa số học sinh chọn đăng ký dự thi tốt nghiệp 2 môn tự chọn trong các môn như Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Kinh tế pháp luật. Số lượng học sinh thi các môn như Vật lý, Hóa học chủ yếu rơi vào lớp A1 hoặc số học sinh dự kiến lấy các môn này để xét tuyển đại học. Riêng tỷ lệ đăng ký dự thi môn Tiếng Anh rất ít, chỉ khoảng 2 – 3%.
Mặc dù tiến hành khảo sát từ rất sớm, nhưng theo thầy giáo Nguyễn Hồng Tư – Phó Hiệu trưởng nhà trường, việc khảo sát chỉ mang tính chất tham khảo và không công khai với cả giáo viên và học sinh. Điều này có nhiều lý do, trong đó, một phần nhà trường không muốn học sinh “a dua”, đăng ký môn tự chọn theo số đông. Bên cạnh đó, tránh việc học sinh học lệnh, học tủ và cũng để các giáo viên bình đẳng, yên tâm dạy học.
Tuy nhiên, chúng tôi quan điểm, hiện nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn quá căng thẳng và cơ hội xét tuyển đại học không nhiều. Việc các em học đều các môn sẽ tạo điều kiện để các em có thể tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực hoặc có thêm kiến thức về môn Tiếng Anh, nhằm hỗ trợ các em sau khi ra trường và đi làm.
Thầy giáo Nguyễn Hồng Tư - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong
Việc 100% học sinh không đăng ký dự thi môn Tiếng Anh cũng là điều không quá bất ngờ với giáo viên Trường THPT Trần Đình Phong – một ngôi trường ngoài công lập ở huyện Yên Thành. Nhưng với đặc thù học sinh của trường sau khi tốt nghiệp dự kiến sẽ đi du học, đi xuất khẩu lao động chiếm phần lớn, ban giám hiệu nhà trường vẫn chú trọng tập trung môn Tiếng Anh nhằm để các em có thể thích ứng khi lao động, học tập tại nước ngoài.
Qua trao đổi, thầy giáo Nguyễn Trọng Vận – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Năm học này, trường chúng tôi chỉ có 71 học sinh lớp 12 và rất ít học sinh dự kiến thi vào đại học. Do đầu vào thấp nên tâm lý các em thường rất ngại môn Tiếng Anh và các em thường chọn các môn xã hội để “an toàn” và dễ đậu hơn. Dù đây là xu thế hiện nay, nhưng về phía nhà trường vẫn rất lo ngại vì ngoại ngữ là bộ môn thiết yếu, rất cần thiết trong cuộc sống hàng ngày và đặc biệt đây là một tiêu chí nếu các em muốn đi du học hoặc đi xuất khẩu lao động. Trước mắt, chúng tôi vẫn khuyến khích học đều các môn và cần phải tiếp tục trau dồi ngoại ngữ, xem đây là một kỹ năng cơ bản cần phải có trong thời kỳ hội nhập...
Năm học 2024 – 2025 là năm học đầu tiên toàn ngành Giáo dục tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, ngoài 2 môn bắt buộc Toán và Ngữ văn, học sinh chỉ còn phải thi 2 môn (thay vì 4 môn như trước đây) và Tiếng Anh từ môn bắt buộc đã trở thành môn tự chọn.
Trong bối cảnh mới, việc học sinh lớp 12 có xu hướng không đăng ký môn Tiếng Anh dù không phải là điều quá bất ngờ, nhưng cũng để lại nhiều suy nghĩ. Thực tế cho thấy, lâu nay, các học sinh thường “thi gì học nấy” và nếu không thi Tiếng Anh, rất dễ xảy ra tình trạng một thế hệ học sinh sẽ “bỏ bê” môn học này ngay từ lớp 10. Điều đó, dường như sẽ đi ngược lại với xu thế hội nhập hiện nay và sẽ là bước cản trên hành trình đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường./.