Môi trường – Tiêu chí khó thực hiện ở các xã miền núi
Theo quy định, với xã vùng II - Cao Sơn (Anh Sơn) phải có 20% số hộ trở lên được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn thì mới đạt chuẩn NTM. Thế nhưng, hiện nay chưa có doanh nghiệp đầu tư công trình nước sạch trên địa bàn, hoặc địa phương lân cận cũng chưa có nhà máy nước để kéo đường ống mở rộng khách hàng. Chính vì tiêu chí nước sạch tập trung khó thực hiện, trong lộ trình xây dựng xã NTM năm 2023 chưa thể khẳng định đạt hay không. “Lâu nay người dân trên địa bàn xã sử dụng nguồn nước giếng khơi để sinh hoạt, ăn uống, xem đây là nguồn nước hợp vệ sinh nhất. Những năm gần đây, người dân chăm lo sức khoẻ hơn, đã đầu tư lắp đặt hệ thống bể chứa nước trên cao, sau đó mua máy lọc nước để sử dụng. Do vậy, hiện nay khoảng 70% số hộ đã có máy lọc nước trong nhà”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho hay.
Xã Đồng Văn (Tân Kỳ) cũng đang có kế hoạch về đích NTM trong năm 2023 này. Ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho rằng, thời điểm đầu năm, khi huyện giao kế hoạch cho xã về đích NTM trong năm 2023, địa phương cũng xác định nội dung tỷ lệ 20% số hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn là khó khăn nhất. Bởi từ trước đến nay, người dân trong xã sử dụng nguồn nước giếng khơi để sinh hoạt, chưa có nhà máy nước sạch tập trung. Cùng đó, vừa qua được Nhà nước đầu tư 2 dự án nước tự chảy ở 2 xóm Đồng Tâm và Khe Sơn, nên gần như 100% số hộ trong xã đã chủ động được nguồn nước sinh hoạt.
Đến thời điểm này Nghệ An đã có 309/411 xã đạt chuẩn NTM. Thực tế cho thấy, trong số 309 xã đã về đích NTM thì phần lớn thuộc các huyện miền xuôi, như vậy những xã chưa về đích NTM cơ bản đều thuộc các huyện miền núi. Như huyện Anh Sơn, đến nay đã có 14/20 xã đã về đích NTM, còn 6 xã chưa về đích gồm: Cao Sơn, Thành Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn, Tam Sơn và Phúc Sơn. Ông Hoàng Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho rằng, những xã chưa về đích NTM là những xã khó khăn nhất huyện, do đó khi thực hiện các tiêu chí NTM ở các xã này gặp nhiều khó khăn. Trong các tiêu chí khó như: Giao thông, cơ sở vật chất văn hoá… thì tiêu chí môi trường, trong đó nội dung tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn là không thể đạt được, bởi trên địa bàn các xã này chưa có nhà máy nước sạch tập trung.
Theo quy định trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM của tỉnh Nghệ An, những xã không thuộc khu vực vùng III, khi thực hiện tiêu chí môi trường, phải có từ 20% tỷ lệ hộ dân trở lên được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Đó là tiêu chí cứng phải thực hiện. Do đó, tới đây Hội đồng thẩm định NTM tỉnh sẽ tiến hành thẩm định tại cơ sở, theo đó những xã chưa có nhà máy nước sạch tập trung thì huyện phải có kế hoạch lộ trình cụ thể đến năm 2025 có dự án nhà máy nước sạch tại địa phương, hoặc cụm xã…
Khó ở những địa phương đặc thù
Đặc thù là xã bãi ngang, đất chật người đông, về xã Diễn Bích (Diễn Châu), hiện nay, không khó để nhận thấy sự chật hẹp tại các tuyến đường giao thông nội xóm, liên xóm, có những tuyến xe máy tránh nhau còn khó, chưa kể đến ô tô. Do đó, vào những giờ tan tầm như học sinh đi học về hay giờ tàu cá về cảng vẫn có sự ùn tắc cục bộ. Đối với tiêu chí về giao thông, khi yêu cầu đường xã, xóm được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết như biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh…đảm bảo đi lại thuận tiện, an toàn rất khó thực hiện, chưa kể chi phí đầu tư cho giao thông không hề thấp.
Không chỉ xã Diễn Bích mà các xã vùng bãi ngang khác trên địa bàn tỉnh như Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Hải thuộc huyện Diễn Châu; Nghi Thiết, Nghi Tiến, Nghi Yên, Nghi Quang thuộc huyện Nghi Lộc cũng gặp khó ở tiêu chí này. Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết cho biết: “Địa phương về đích NTM năm 2020, hiện nay đang tập trung xây dựng NTM nâng cao và tiêu chí giao thông cũng được xem là khó khăn nhất do điều kiện tự nhiên cũng như nguồn lực đầu tư cho giao thông còn hạn chế. Hiện xã đặt mục tiêu sẽ về đích NTM nâng cao cuối năm 2024, nếu không thực hiện được sẽ phải chuyển sang năm 2025”.
Hoặc tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, toàn xã có 662 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do đặc thù là một xã vùng màu nên Nghi Phong không có hệ thống tưới chủ động, do đó tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động là 0%. Các xã vùng màu khác tại huyện Nghi Lộc như Nghi Thạch, Nghi Thịnh, Nghi Long... cũng gặp khó ở tiêu chí này.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Hằng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh cho biết: Thực tế sau khi về đích NTM, một số địa phương trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí NTM nâng cao. Do đó, các xã cần chủ động nguồn lực, kết hợp với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện để cân đối đầu tư, có định hướng thực hiện tiêu chí. Đối với các tiêu chí khó, quan điểm của Hội đồng thẩm định là sẽ xem xét cụ thể tại từng địa phương, có thể tạo điều kiện tuy nhiên xã đó phải có cam kết hoàn thành trong tương lai gần, trình bày lộ trình, thời gian cụ thể hoàn thành tiêu chí mới được hội đồng thẩm định xem xét chấp thuận.
Những bất cập từ tiêu chí về sản phẩm OCOP
Giai đoạn 2021 - 2025, một trong những tiêu chí quan trọng để xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao là phải có sản phẩm được xếp hạng trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Việc phát triển Chương trình OCOP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là động lực mạnh để kích thích phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực từng địa phương, từ đó tạo cơ sở vững chắc để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM. Đẩy mạnh Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã; đồng thời đưa NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Song quá trình triển khai chương trình OCOP ở nhiều địa phương cũng đang bộc lộ những khó khăn, thách thức.
Tìm hiểu thực tế, tại nhiều địa phương, việc xây dựng sản phẩm OCOP gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu), theo lộ trình đến năm đạt chuẩn NTM nâng cao nhưng đến nay, xã vẫn đang loay hoay tìm và xây dựng sản phẩm riêng. Ông Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: Dù là một xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, với một số sản phẩm đặc trưng như: rau màu, cà, ngô, lạc nhưng hiện tại, xã vẫn chưa xây dựng được sản phẩm OCOP. Qua khảo sát, đánh giá, nguyên nhân là do các sản phẩm trên người dân chỉ sản xuất theo mùa vụ với sản lượng ít, các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn, lâu dài.
Bên cạnh đó, quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; sự hiểu biết của một số cán bộ cơ sở và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung còn phụ thuộc vào tư vấn; một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản.
Cũng do áp lực về tiêu chí cứng trong NTM nâng cao nên hiện nhiều địa phương “chạy đua” để có được sản phẩm OCOP dù sản phẩm đó không có ưu thế, không mang tính đặc trưng, đặc thù. Do đó, không ít sản phẩm OCOP của tỉnh đang có sự suy giảm về mặt chất lượng, số lượng. Thực tế, có rất nhiều sản phẩm OCOP ở các địa phương na ná nhau: Mật ong, tinh bột nghệ, giò bê, ngũ cốc… Do chạy theo thành tích, phấn đấu được chứng nhận OCOP để được công nhận NTM nâng cao mà chưa chú trọng đến hiệu quả kinh tế mang lại, đến mục đích, ý nghĩa của chương trình nên nhiều sản phẩm sau khi “xếp hạng” là “xếp xó”, hoặc do hạn chế của cơ sở sản xuất, sự thiếu quan tâm, sâu sát của các địa phương khiến cho nhiều sản phẩm không tiếp tục phát triển, hoặc không có thị trường dẫn đến dừng sản xuất phải đưa ra khỏi chương trình.
Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh đã đề ra chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 có 82% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) và 11 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 1 huyện đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu).