122d4090934t83801l0.jpg
Mô hình hệ sinh thái vườn đồi tổng hợp tại Hà Tĩnh

Từ năm 2020, Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF) đã triển khai dự án SIPA Hà Tĩnh. Đến nay có hơn có hơn 3.560 hộ, tương đương 14.000 người tham gia các mô hình nông lâm kết hợp như: phát triển hệ sinh thái vườn đồi tổng hợp; nuôi ong dựa vào hệ sinh thái vườn rừng và rừng trồng; trồng hành tăm thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng hữu cơ; nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt kết hợp phát triển hệ sinh thái vườn hồ; trồng cỏ chịu hạn phục vụ chăn nuôi. Thu nhập của mô hình sau khi tham gia dự án tăng nhiều lần so với trước.

122d4091627t95009l0.jpg
Nhờ tham gia dự án, anh Nguyễn Duy Sinh được hướng dẫn và hỗ trợ trồng cỏ chịu hạn phục vụ chăn nuôi. Đến nay, 5 con bò của anh phát triển tốt.

Đơn cử, năm 2020, anh Nguyễn Duy Sinh (thôn Ao Tròn, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn) cùng 8 hộ dân ở địa phương quyết định tham gia dự án SIPA. Gia đình anh Sinh được hỗ trợ trồng cỏ Guinea phục vụ chăn nuôi (hỗ trợ phân bón, hạt giống và được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc). Anh Sinh kể: Gia đình tôi chuyển đổi 4 sào ruộng màu chuyên trồng lạc sang trồng cỏ. Trước đó, do thời tiết nắng hạn, nhiều công chăm sóc nên cây lạc không có hiệu quả kinh tế, chưa kể, ở các vụ hè thu, vụ đông thì diện tích này phải bỏ hoang.

Hiện tại, sau chuyển đổi, diện tích cỏ của gia đình phát triển tốt, đảm bảo lượng thức ăn tươi cho 5 con bò, trong khi công chăm sóc rất ít. Việc chuyển đổi cây trồng kết hợp chăn nuôi sẽ giúp gia đình tôi tăng thêm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt hơn, SIPA đã thay đổi được tư duy của tôi, giúp tôi và bà con ở đây bứt khỏi thói quen trồng trọt cố hữu, mở ra những hướng phát triển kinh tế có hiệu quả hơn từ đồng ruộng.

122d4091742t54768l0.jpg
Mẻ thu hoạch tôm của nhà anh Võ Minh (xã Vượng Lộc, Can Lộc), một trong những nông hộ tham gia dự án ở mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt.

Còn tại xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc), gia đình anh Võ Minh tham gia mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt. Nhờ dự án, anh đã biến ruộng lúa hoang hoá thành hồ nuôi tôm càng xanh.

“Tôm càng xanh hợp với khí hậu nắng nóng ở đây, lại không phải dùng phân bón hoá học hay thuốc sâu như trồng lúa. Tôm bán đắt hàng, thu hoạch đến đâu là bán hết tới đó. Năm tới, tôi sẽ mở rộng diện tích hồ tôm lên tới 15 - 20ha. Đồng thời, tôi sẽ cùng các hộ gia đình trong xã thành lập tổ hợp tác phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh để hỗ trợ nhau trong chăn nuôi, bán hàng và xây dựng mô hình nuôi tôm sinh thái" - anh Võ Minh chia sẻ.

122d4091815t53653l0.jpg
Gia đình ông Trần Xuân Lý (Sơn Hồng, Hương Sơn) trồng dứa và cỏ lạc dại trên các đường đồng mức trong vườn đồi, xen canh giữa những cây cam, bưởi. Nhờ đó, đất vườn được giữ ẩm và chất dinh dưỡng, cây cam, bưởi phát triển tốt hơn. Vừa qua, ông đã thu được 1,2 tấn dứa.

Bà Lê Thị Tầm, Giám đốc dự án SIPA Hà Tĩnh cho biết: “Thông qua việc triển khai các mô hình, các hộ dân ở Hà Tĩnh đã được cải thiện rõ rệt về khả năng thích ứng và sinh kế, thu nhập của mô hình sau khi tham gia dự án tăng gấp 2-5 lần so với mô hình trước khi tham gia dự án. Cụ thể, mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt thu được hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Mô hình hành tăm luân canh cây họ đậu cũng mang về 80 triệu đồng/ha/năm. Mô hình nuôi ong lấy mật cũng giúp bà con tăng thêm thu nhập từ 35- 40 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, 1 ha cỏ chịu hạn có thể cung cấp thức ăn cho khoảng 8 con bò trong 1 năm. Chúng tôi rất phấn khởi khi đã góp phần hồi sinh những vũng đất thoái hóa và tạo ra sinh kế bền vững cho bà con nông dân".

122d4091935t68120l0.jpg
Các tổ ong của gia đình ông Võ Văn Giáp (xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn) được dự án SIPA hỗ trợ và cung cấp giống, tập huấn kinh nghiệm nuôi ong. Sau hơn một năm tham gia dự án, từ 10 tổ ong ban đầu, gia đình ông đã nhân lên được 17 tổ và thu được 100 lít mật ong/năm.

TS. Nguyễn Quang Tân - Điều phối viên ICRAF tại Việt Nam cho hay: “ICRAF đã kêu gọi, vận động khoảng 20 tỷ đồng nhằm thực hiện các dự án nhân rộng kết quả triển khai tại Hà Tĩnh sang tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và một số tỉnh miền Trung khác. Thời gian triển khai các dự án từ năm 2022 - 2025”.