Thay đổi mức đãi ngộ

Ở thời điểm này, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề, đề xuất thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011; xây dựng sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

bna_cap-cuu-cho-benh-nhan-nguy-kich.-anh-thanh-chung.jpg
Cấp cứu cho bệnh nhân nguy kịch. Ảnh: Thành Chung

Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất: Tăng tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tăng mức tiền trực và tiền ăn cho cán bộ y tế phù hợp với chỉ số trượt giá và giá tiêu dùng hiện nay; áp dụng quy định thời giờ làm việc, làm thêm và thanh toán chế độ làm thêm giờ đối với thời gian trực 24/24 giờ của viên chức, người lao động theo Bộ luật Lao động; áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù đối với các đối tượng hợp đồng lao động đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 (bao gồm bảo vệ, lái xe, hộ lý, hợp đồng chuyên môn trong thời gian chờ thi tuyển viên chức).

Hiện nay, mức phụ cấp trực của bác sĩ, nhân viên y tế đang được thực hiện theo Khoản 3, Điều 2 Quyết định 73/2011/QĐ-TTg. Theo đó, người lao động thường trực 24/24 giờ được hưởng mức phụ cấp là 115.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt; 90.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng 2; 65.000 đồng/người/phiên trực đối với các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương; 25.000 đồng/người/phiên trực đối với trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân - dân y.

Người lao động thường trực theo ca 12/24 giờ được hưởng mức bằng 0,5 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ. Người lao động thường trực theo ca 16/24 giờ được hưởng mức bằng 0,75 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ... Nếu thường trực tại khu vực hồi sức cấp cứu, khu vực chăm sóc đặc biệt thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,5 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày lễ, ngày Tết thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.

bna_dieu-tri-cho-benh-nhan-bi-dot-quy-nao-o-benh-vien-huu-nghi-da-khoa-nghe-an.-anh-thanh-son.jpg
Điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ não ở Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Thành Chung

Bên cạnh đó, bác sĩ, nhân viên y tế còn được hưởng chế độ như sau: Người lao động thường trực 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/người/phiên trực. Người lao động thường trực 24/24 giờ vào ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần được nghỉ bù 1 ngày; vào các ngày lễ, Tết được nghỉ bù 2 ngày; thường trực theo ca 12/24 giờ hoặc ca 16/24 giờ được nghỉ ít nhất 12 giờ tiếp theo.

Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh huy động người lao động làm việc vào giờ nghỉ trên thì phải trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định của pháp luật về lao động. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh huy động người lao động làm thêm giờ thì phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Người làm việc vào ca đêm được trả tiền lương làm việc vào ban đêm theo quy định của pháp luật về lao động.

“Mặc dù thời gian đào tạo y, bác sĩ dài hơn các ngành nghề khác, chưa kể đến thời gian đào tạo chuyên sâu, thực hành sau đó, học tập liên tục, thế nhưng, đãi ngộ tiền lương lại không nhiều. Bên cạnh đó, việc chế độ tiền trực, phụ cấp cho nhân viên y tế hiện nay còn chưa phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay. Chế độ tiền trực của nhân viên y tế rất thấp được xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay đã không còn phù hợp”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Còn nhiều băn khoăn

bna_moi-truong-lam-viec-su-dong-cam-cua-benh-nhan-dang-la-mot-yeu-to-de-can-bo-vien-chuc-y-te-vung-chan-cong-tac.-anh-thanh-chung.jpg
Môi trường làm việc, sự đồng cảm của bệnh nhân đang là một yếu tố để cán bộ, viên chức y tế vững chân công tác. Ảnh: Thành Chung

Mặc dù Bộ Y tế chưa nêu rõ mức tăng sẽ là bao nhiêu, song thông tin đề xuất nói trên đã khiến rất nhiều cán bộ, nhân viên y tế phấn khởi, đặc biệt là đối với cán bộ, nhân viên y tế thuộc trung tâm y tế tuyến huyện (do UBND huyện quản lý và điều hành ngân sách).

Ông Phạm Ngọc Luân - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Chương nêu quan điểm: Đầu năm 2012, thời điểm Quyết định 73/2011 có hiệu lực, mức lương cơ sở là 830.000 đồng/tháng. Hơn 12 năm qua, mức lương cơ sở được điều chỉnh thêm 8 lần, hiện ở mức 2.340.000 đồng/tháng nhưng các chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tiền trực; tiền ăn trên vẫn chưa có sự điều chỉnh tương ứng. Việc Bộ Y tế đề xuất tăng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề là rất đúng, phù hợp. Đề nghị mức tăng này cũng tăng theo mức tăng lương cơ sở, lên khoảng 3 lần so với mức cũ.

Tuy nhiên, với khá nhiều đơn vị khám, chữa bệnh (đặc là đơn vị tự chủ tài chính nhóm 3, 2, 1) thì thái độ đón nhận thông tin này là “không buồn, không vui”. Ở Nghệ An hiện nay, hiện có 46 đơn vị sự nghiệp y tế thì có 1 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 1; 18 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 2; 18 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 3 và 9 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Được biết, việc thực hiện tự chủ tài chính tại các đơn vị y tế trong tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở được tăng lên từ mức 1,8 triệu đồng/tháng lên mức 2.340.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, ở thời điểm này có tới 7 đơn vị tự chủ tài chính tuyến huyện vẫn chưa thể trả mức lương mới cho cán bộ, nhân viên y tế.

bna_nu-dieu-duong-bam-tru-hang-thang-troi-noi-co-so-y-te-thuc-hien-dieu-tri-cho-benh-nhan-covid-19.-anh-thanh-cuong.jpg
Nữ điều dưỡng bám trụ hàng tháng trời nơi cơ sở y tế thực hiện điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Thành Cường

Ông Tăng Việt Hà - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc nêu quan điểm: Việc tăng chế độ ưu đãi và đãi ngộ là tất yếu và rất tốt cho cán bộ, nhân viên y tế. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, sau khi tăng chế độ phụ cấp thì giá dịch vụ khám, chữa bệnh cũng phải tăng theo; cần phải kết cấu yếu tố tăng này vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Nếu không thì tăng cũng như không tăng.

Ở các đơn vị tự chủ tài chính chi thường xuyên, nếu không thực hiện tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh thì việc tăng phụ cấp cũng không làm thay đổi tổng thu nhập của nhân viên. Nguyên nhân là nguồn thu của bệnh viện hoàn toàn phụ thuộc vào viện phí. Khi mà giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa thay đổi, chưa tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành thì tổng thu là không đổi. Như vậy, cán bộ, nhân viên y tế được tăng lương và chế độ ưu đãi, đãi ngộ thì đồng nghĩa với việc phải giảm thu nhập tăng thêm.

Hiện nay, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện theo Thông tư số 21/2023/TT-BYT và Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023, trong đó, mức giá gồm 2 yếu tố: Chi phí trực tiếp (chi phí điện, nước, duy tu, bảo dưỡng nhà cửa, trang thiết bị…) và nhân công (tiền lương theo mức lương cơ sở); chưa tính yếu tố chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định. Trong khi đó, chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định cũng là các khoản chi thường xuyên để duy trì các hoạt động bình thường của cơ sở y tế.

“Việc chưa tính đủ các yếu tố chi phí vào giá ảnh hưởng đến nguồn thu của các bệnh viện. Cụ thể, chưa tính chi phí khấu hao vào giá dẫn đến cơ sở y tế không có nguồn quỹ phát triển sự nghiệp để tái đầu tư, mua sắm bổ sung trang thiết bị, phát triển kỹ thuật; chưa tính chi phí quản lý vào giá dẫn đến cơ sở y tế không có nguồn lực để chi cho các hoạt động đổi mới phương thức quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao tay nghề. Như vậy, điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người bệnh... Tăng chế độ ưu đãi và đãi ngộ đối với nhân viên y tế là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần sớm phải được song hành.

Ông Nguyễn Hồng Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh