Những ký ức khó phai

Cùng với cả nước hướng về Điện Biên, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ ở tổ dân phố 8, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), nơi bà Nguyễn Thị Lý đang sống; bà Lý là dân công hỏa tuyến tham gia vận chuyển lương thực cho bộ đội ta tại Chiến trường Điện Biên Phủ.

Năm nay đã bước sang tuổi 89, nhưng ký ức về một thời gánh gạo, mở đường vượt rừng, vượt thác, núi cao, vực sâu… vẫn vẹn nguyên trong tâm trí bà. Đặc biệt, mỗi khi có người nhắc về Chiến dịch Điện Biên Phủ hay dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong (TNXP), bà Lý lại như trở về khí thế của tuổi đôi mươi. Biết chúng tôi muốn nghe lại câu chuyện “chị gánh, anh thồ”, ngày nào, ánh mắt bà rạng rỡ hẳn lên như chạm vào những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời. Ký ức về những tháng năm không thể nào quên đó lại ùa về.

Sinh ra và lớn lên ở thôn An Lạc, xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa), đến năm 1953, cô gái Nguyễn Thị Lý tròn 18 tuổi. Hưởng ứng lời hiệu triệu toàn dân tham gia vận tải lương thực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, hăm hở xung phong lên đường phục vụ Chiến dịch. “Thời điểm ấy, trong thôn, xã đâu đâu cũng có khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Rất nhiều người dân tình nguyện tham gia phục vụ chiến dịch, vì vậy đường ra mặt trận đông như ngày hội; cả thôn, cả xã chỉ còn người già, trẻ em ở lại” - bà Lý bồi hồi nhớ lại.

ganh-1712389384999.jpg
Đoàn dân công gánh gạo phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Sau khi vượt qua các “vòng tuyển”, bà Lý cùng hàng trăm người khác đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho chiến trường Điện Biên Phủ. Ngày đó, toàn bộ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu từ khắp nơi trong tỉnh được tập trung về kho Lược, huyện Thọ Xuân và kho Cẩm Thủy. Từ đây, lương thực tiếp tục được vận chuyển bằng nhiều hướng với nhiều cung đường khác nhau để bảo đảm an toàn, bí mật, tránh quân địch phát hiện, như: cung đường từ Thọ Xuân lên Lang Chánh rồi đến Hồi Xuân (huyện Quan Hóa); cung đường từ Thọ Xuân qua Cẩm Thủy, lên Bá Thước rồi đưa về Hồi Xuân. Chặng xa hơn, hàng từ Hồi Xuân đến Suối Rút, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình). Từ đây, hàng tiếp tục được chuyển qua ngã ba Cò Nòi (tỉnh Sơn La) rồi qua đèo Pha Đin, đến huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên). Sâu hơn, hàng tiếp tục được chuyển vào kho lớn tại khu rừng Nà Tấu, cách trận địa gần 40km. Một hướng khác đi từ Phú Lệ, huyện Quan Hóa, xuyên rừng qua huyện Mường Lát, sang Thượng Lào rồi vòng về Điện Biên...

Trong căn nhà cấp bốn đơn sơ, bà Lý tự hào kể lại một thời khói lửa. Ngày ấy, trung bình mỗi chị em phụ nữ gánh khoảng 20kg gạo từ Thọ Xuân lên kho ở Suối Rút (tỉnh Hòa Bình) để vận chuyển đi Sơn La và lên chiến trường Điện Biên Phủ. Đoàn dân công tải lương lên Điện Biên Phủ phải đi nhiều đường khác nhau để tránh sự phát hiện của mật thám, máy bay địch. Màn đêm buông xuống là lúc các anh, các chị gánh gạo ra chiến trường.

Để đưa gạo đến nơi an toàn là cả một quá trình gian nan, vất vả không lời nào tả hết. Bên cạnh phải tránh bom đạn, các dân công hỏa tuyến phải vượt qua đường rừng hiểm trở, dốc cao, vực sâu, muỗi rừng. Nhiều người bị vắt cắn, muỗi đốt khiến sốt rét, lở ngứa. Bên cạnh đó, cơm ăn, nước uống và các điều kiện chữa bệnh thiếu thốn, nhiều người đã mãi mãi ra đi. Nhưng với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, từng đoàn xe đạp thô sơ, người gánh bộ nườm nượp nối nhau vượt qua núi cao, đèo sâu vào chiến dịch. Từ chuyến đi đầu tiên đó, bà Lý không nhớ nổi đã tham gia bao nhiêu chuyến và vận chuyển bao nhiêu hàng hóa lên Điện Biên. Cho đến một ngày, họ được đồng đội tuyến trên truyền tin: Điện Biên Phủ đã giải phóng! Ngay lập tức, cả khu rừng trầm lặng hàng ngày như vỡ òa bởi tiếng hò reo của hàng vạn dân công.

Lịch sử luôn khắc ghi

Những đóng góp to lớn của lực lượng TNXP và dân công hỏa tuyến trong việc tải lương cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đã góp phần đưa Thanh Hóa trở thành hậu phương lớn nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những lần Trung ương giao Thanh Hóa huy động, vận chuyển lương thực, tỉnh này đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu. Điển hình, trong đợt đầu, Trung ương giao Thanh Hóa huy động và vận chuyển 1.352 tấn gạo (giao tại Hồi Xuân), 100 tấn thực phẩm (giao tại Sơn La). Đợt 2, huy động và vận chuyển 1.000 tấn gạo và 165 tấn thực phẩm giao tại Km22 đường 41, Thanh Hóa đã hoàn thành trước thời hạn 3 ngày.

Khi chiến dịch chuyển sang giai đoạn kết thúc, do yêu cầu khẩn cấp của chiến trường, Trung ương giao Thanh Hóa huy động đợt 3 với chỉ tiêu 2.000 tấn gạo và 282 tấn thực phẩm. Lúc này thóc dự trữ của tỉnh không còn, mùa vụ chưa đến kỳ thu hoạch, nhân dân đã “dốc bồ, đổ thúng” cung cấp cho tiền tuyến những hạt thóc cuối cùng; nhiều gia đình phải ăn ngô non, khoai sắn thay cơm dành gạo cho tiền tuyến. Để có đủ lương thực cho bộ đội ăn no đánh thắng, Thanh Hóa chủ trương huy động nhân dân ra đồng cắt tỉa từng nhánh lúa, bông lúa chín. Kết quả vượt chỉ tiêu giao, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sau những tháng năm tham gia tải lương phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, những dân công hỏa tuyến như bà Lý tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; bà Nguyễn Thị Lý đã được Nhà nước ghi công và tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

70 năm trôi qua, giờ đây những người “thồ hàng, gánh gạo, mở đường cho xe qua” như bà Lý còn lại rất ít. Nhưng những đóng góp của bà và đồng đội sẽ mãi mãi được lịch sử, được dân tộc tôn vinh và các thế hệ con cháu khắc ghi. Như Tổng Bí thư Lê Duẩn từng khẳng định: “không có hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh (Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh) thì không có Chiến thắng Điện Biên Phủ”.