Giải quyết thấu đáo, đáp ứng mong mỏi của cử tri

Đến nay, 42/56 kiến nghị đã được các Bộ, ngành trả lời và được Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chuyển tải đến cử tri. Nhiều kiến nghị được giải quyết kịp thời, nhanh chóng giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của cử tri. Điển hình như trước những phản ánh của cử tri về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của tuyến Quốc lộ 7, Bộ Giao thông vận tải đã quan tâm bố trí vốn để duy tu, sửa chữa. Năm 2021, Bộ đã giao Tổng cục Đường bộ triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp QL7; năm 2022, Bộ cũng đã bố trí 54,5 tỷ đồng (6 dự án) để sửa chữa hư hỏng các đoạn tuyến QL7 và năm 2023 dự kiến bố trí 03 dự án sửa chữa với tổng kinh phí 33 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ cũng đã quan tâm chỉ đạo xử lý tình trạng ngập úng đoạn đường Quốc lộ 7A từ ruộng Na Coi đến đoạn đường Ngã 3 Bản Na Tổng mà cử tri kiến nghị. Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ II yêu cầu Công ty 495 san gạt lề đất cao để khi mưa xuống có thể thoát nước tự nhiên và đề xuất giải pháp xử lý ngập úng để bố trí kinh phí trong kế hoạch bảo trì năm 2023.

bna_td8704209_552022.jpg
Cử tri huyện Tương Dương phản ánh tới đại biểu Quốc hội về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng tuyến Quốc lộ 7. (Ảnh: Báo NA)

Hay như vấn đề cử tri ở hầu hết các địa phương đều kiến nghị qua các buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 3 về việc quy định môn học Lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục trung học phổ thông. Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 kỳ họp thứ 3 trong đó yêu cầu Chính phủ nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm cả phần bắt buộc và phần tự chọn. Ngày 03/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT chuyển môn Lịch sử từ môn học tự chọn thành môn học bắt buộc.

bna_img_14315852196_1352022.jpg
Cử tri thành phố Vinh và nhiều địa phương kiến nghị đưa môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục trung học phổ thông. (Ảnh: Báo NA)

Kiến nghị của cử tri về việc dừng thực hiện dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập I và nhiệt điện Quỳnh Lập II và đưa 02 dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập ra khỏi Quy hoạch điện VIII cũng đã được Bộ Công thương ghi nhận và không được xem xét trong Quy hoạch điện VIII khi Bộ trình Thủ tướng Chính phủ…

Nhiều kiến nghị được ghi nhận, đề ra giải pháp, lộ trình giải quyết

Ngoài các kiến nghị đã được giải quyết nhanh chóng, các Bộ, ngành cũng đã ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An và quan tâm, đề ra các giải pháp, lộ trình thực hiện để giải quyết thấu đáo kiến nghị của cử tri. Trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 3 về nghiên cứu xem xét sửa đổi điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010 để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc cải tạo đất vườn, hiện tại người dân muốn cải tạo đất vườn nhà nhưng không được phép vận chuyển đất ra khỏi diện tích đất của gia đình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình xây dựng Luật Khoáng sản sửa đổi. Đồng thời, Bộ cũng thông tin việc hiện tại hồ sơ đề nghị xây dựng Luật khoáng sản sửa đổi đã được hoàn thành và lộ trình dự kiến trình Quốc hội Luật Khoáng sản sửa đổi trong năm 2024.

Trước những bất cập trong việc thực hiện Quyết định số 118/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro do thiên tai trên biển mà cử tri phản ánh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện nay, Bộ đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhằm xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế; trong đó sẽ nghiên cứu, tích hợp chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro trên biển để thực hiện. Dự kiến ban hành Nghị định trong năm 2023.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kinh phí phòng chống dịch tả lợn châu Phi thông qua việc đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong năm 2021 và 2022 cho đến khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2017/NĐ- CP được ban hành. Ngoài ra, do tính đặc thù chuyên môn và để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, ngày 20/6/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Tờ trình số 3933/TTr-BNN-TY gửi Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng Nghị định riêng quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật; hiện nay đang được lấy ý kiến các Bộ có liên quan.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ghi nhận và đề ra giải pháp để giải quyết nhiều kiến nghị của cử tri như: việc triển khai đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác đánh bắt hải sản vùng biển chung trong ngư trường Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc; việc nâng mức hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng và mức chi trả dịch vụ môi trường rừng; chính sách cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; kiến nghị nâng mức hỗ trợ và quy định trong các trường hợp bất khả kháng (như do áp thấp nhiệt đới hoặc phương tiện bị hư hỏng phải vào bờ) được hỗ trợ cho tàu đánh bắt xa bờ mặc dù chưa đủ 15 ngày tại Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa…

Sự giải quyết nhanh chóng, kịp thời và ghi nhận kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống của người dân cũng như trách nhiệm cao của các Bộ, ngành trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình. Qua đó, càng củng cố lòng tin của cử tri, nhân dân đối với các cơ quan nhà nước cũng như vai trò đại diện cho cử tri của cơ quan dân cử./.