Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Phải biến khát vọng thành hành động cải biến thực trạng
Trao đổi tại cuộc làm việc, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Tổ trưởng Tổ tư vấn đã gợi mở những quan điểm và định hướng cơ bản khi soạn thảo báo cáo. Theo đó, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị ban hành từ năm 2013, như vậy đã qua hơn 2 nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng, đất nước đã có nhiều thay đổi cả về thể chế và cơ chế quản trị quốc gia.
Từ Đại hội XI, XII của Đảng, nhất là sau Đại hội XIII, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo và triển khai quyết liệt. Sự phân cấp và giao quyền của Trung ương cho các địa phương cũng mạnh hơn, môi trường kinh doanh đã được cải thiện.
Vì vậy, theo ông Trương Đình Tuyển, việc tổng kết phải gắn với việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội XI, XII và cả gần nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là kết quả thực hiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, chống tiêu cực và thực hiện 3 đột phá chiến lược ở tỉnh ta.
Cùng với đó, trong 10 năm qua, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng. Điều này mở ra nhiều cơ hội phát triển của cả nước cũng như từng địa phương trong thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu; đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức phải vượt qua như: nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh,... Trên cơ sở phân tích đó, vị cựu Bộ trưởng Thương mại, người từng đóng vai trò rất lớn trong quá trình đàm phán để đưa nước ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006 đề nghị cần làm rõ tỉnh ta đã tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức trên thế nào, thể hiện bằng các tiêu chí đo lường cụ thể?
Ông cũng gợi mở cần phải phân tích làm rõ kết quả thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao năng lực cạnh tranh” để có thể tham gia vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu bởi đây là yêu cầu chung của cả nước cũng như ở Nghệ An trong giai đoạn vừa qua.
So với các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nghệ An có hệ thống kết nối giao thông thuận lợi nhất, cả đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường không; kết nối với Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan cũng khá thuận lợi. Vị nguyên Bộ trưởng đề nghị Tỉnh cần làm rõ Nghệ An đã khai thác yếu tố này thế nào?
Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu phát triển thành phố Vinh thành Trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và là cực tăng trưởng của cả vùng.
Phân tích rõ nội hàm “trung tâm là cực tăng trưởng phải có khả năng hội tụ và lan tỏa cao từ trung tâm đến ngoại vi”, ông đề nghị cần làm rõ trong báo cáo thành phố Vinh đã thể hiện được vị thế này chưa? qua đó đặt một loạt câu hỏi gợi mở nguyên nhân: Vì không gian kiến trúc? Vì định hướng phát triển? Vì phân cấp, giao quyền? Vì năng lực của đội ngũ cán bộ?...
Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế - xã hội của tỉnh cũng gợi mở, báo cáo cần đề cập đến các nội dung như: vấn đề ưu tiên tập trung nguồn lực để phát triển các vùng động lực, tạo tác động lan tỏa cao đi đôi với đẩy nhanh giảm nghèo ở những vùng khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội thể hiện qua việc huy động và phân bổ nguồn lực.
Cùng với đó, Trung ương và Chính phủ coi kinh tế biển bao gồm nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, công nghiệp đóng tàu thuyền, du lịch biển, gắn với bảo vệ tài nguyên biển và hệ sinh thái biển (bao gồm bảo vệ môi trường biển) là một trong những trọng tâm và động lực phát triển. Nghệ An có bờ biển dài hơn 80km đã thực hiện yêu cầu này thế nào? Kết quả ra sao?
Mặt khác, Nghệ An cũng cần làm rõ việc thực hiện chủ trương mà trong nhiều nghị quyết của Đảng đều nhấn mạnh đó là coi chất lượng nguồn nhân lực (cả phẩm chất và năng lực) và ứng dụng khoa học, công nghệ, cùng với cải cách thể chế, ở cấp địa phương là cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có “hạ tầng đô thị” là yếu tố quan trọng, là những đột phát chiến lược.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng đề nghị cần làm rõ hiệu quả của khu kinh tế Đông Nam để từ đó rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển thời gian tới.
Ông cũng cho rằng, là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam, dân số đông đứng thứ 4 cả nước, vậy ngoài thành phố Vinh, Nghệ An cần đánh giá xem có tạo được cực tăng trưởng nào khác chưa?
Đặc biệt, không chỉ tại cuộc làm việc vừa qua, mà tại nhiều cuộc họp trước đó, vị chuyên gia quê Diễn Châu đều bày tỏ trăn trở khi Nghệ An là vùng đất “địa linh nhân kiệt” song vấn đề đặt ra là phải chuyển vùng đất “địa linh nhân kiệt” của từng cá nhân riêng lẻ thành vùng đất “địa linh nhân kiệt của cả hệ thống”. Ông cho rằng, phải coi chất lượng nguồn nhân lực của cả hệ thống là một đột phá chiến lược quan trọng. Do đó, qua lần tổng kết này, Nghệ An cần đánh giá kết quả thực hiện nội dung trên. Mặt khác, ông đề nghị Tỉnh làm rõ giải pháp để chấn chỉnh một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn trì trệ, thậm chí còn sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cùng với gợi mở một số vấn đề cần làm rõ trong báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, ông Trương Đình Tuyển cũng đã có những đề xuất cụ thể với tỉnh trong thời gian tới.
Theo đó, Nghệ An phải tăng tốc cải cách hành chính. Mặc dù những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển chính quyền số, doanh nghiệp số, xã hội số. “Coi chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà là một phương thức phát triển trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Trương Đình Tuyển nói.
Cùng với đó sớm sáp nhập thị xã Cửa Lò với thành phố Vinh để tạo thành một đô thị biển. Mở rộng tuyến đường từ Cửa Lò - Cửa Hội đi Kim Liên, Nam Đàn; hình thành một chợ đêm và phát triển kinh tế đêm dọc tuyến đường này.
Tỉnh cũng cần tính toán để khi có điều kiện thành lập thành phố Phủ Quỳ thuộc tỉnh; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa thị trấn Con Cuông và nhanh chóng hình thành đô thị sinh thái theo chủ trương đã có của lãnh đạo tỉnh; thành lập thị trấn Thanh Thủy (Thanh Chương) và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa thị trấn này, tạo nên “một cửa khẩu quốc tế sầm uất”, kết nối với Lào và vùng Đông - Bắc Thái Lan. Cùng với đó, phát triển dịch vụ logistics và các doanh nghiệp hoạt động logictics trên tuyến đường này.
Ông Trương Đình Tuyển cũng đề nghị cần giữ số dân còn lại của tộc người Đan Lai trên địa bàn sinh tồn của họ; không tiếp tục di dời ra nơi ở khác; đi đôi với đó là vận động người dân bài trừ những hủ tục lạc hậu, bảo vệ tập quán và phát triển bản sắc độc đáo của người Đan Lai, coi đây là một điểm nhấn hấp dẫn du lịch.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng đề nghị tiếp tục phát triển kinh tế biển vì đây là một ngành sản xuất và dịch vụ tổng hợp gồm nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ như: Công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền; nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Khai thác tốt hơn vùng bãi ngang, nhất là ở các huyện Quỳnh Lưu, chừng nào đó là Diễn Châu, Nghi Lộc, thành phố Vinh (như Hưng Hòa) để nuôi trồng thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển.
Phát triển du lịch biển thông qua nâng cấp các địa điểm du lịch biển như: Quỳnh Phương (Hoàng Mai) và đặt điểm du lịch này trong sự kết nối theo tuyến: Hồ Vực Mấu, Yên Lý, Diễn Lâm (vườn thú Mường Thanh), Nghĩa Đàn (Trang trại bò sữa và vùng hoa TH,...), Lễ hội “Hang Bua (Quỳ Châu), bãi biển Diễn Thành, Đền thờ An Dương Vương (Đền Cuông, Diễn Châu), Bãi Lữ (Nghi Lộc). Phát triển du lịch tâm linh thông qua các điểm đến gồm: Đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên); Núi Quyết (TP. Vinh) và du lịch văn hóa - lịch sử: Khu Tưởng niệm Bác Hồ, Khu thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh; mộ Bà Hoàng Thị Loan, Đền thờ Vua Mai Hắc Đế,.. Việc kết nối các điểm đến này sẽ làm tăng giá trị gia tăng của từng điểm đến.
Cùng với đó, Nghệ An cần phát triển các sản phẩm đã có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng như: Cam Vinh; mở rộng sản xuất những đặc sản có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng phát triển như: Quả bơ, dầu sở ở Nghĩa Đàn.
Thành Duy ghi