Cần thiết tổ chức cơ quan thanh tra thuế, hải quan

Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) tán thành với các quy định của dự án Luật được trình tại Kỳ họp lần này, trong đó đã xử lý được những vướng mắc, khó khăn đối với thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, đồng thời khẳng định vai trò hệ thống tổ chức của thanh tra Cục thuộc Tổng cục, Cục thuộc Bộ mà đơn vị đóng tại địa phương, thí dụ như Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Thống kê…

Riêng trong lĩnh vực thuế và hải quan, đại biểu cho rằng, nếu bỏ chức năng thanh tra thì ngân sách nhà nước sẽ có nguy cơ thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn thu lớn và ổn định, bền vững của ngân sách nhà nước.

hai-dung-nam-dinh-712.jpg

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Hiệu quả của thanh tra Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh và khu vực là không phải bàn cãi. Vì thế, đại biểu cho rằng, cần thiết tổ chức cơ quan thanh tra ở Cục thuộc Tổng cục, Cục thuộc Bộ để tăng sự huy động vào ngân sách nhà nước.

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba không quy định việc thành lập cơ quan thanh tra tại Cục là đơn vị đóng tại địa phương thuộc Tổng cục.

Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy để đáp ứng yêu cầu quản lý, một số luật hiện hành như Luật Quản lý thuế, Luật Thống kê đã quy định giao các cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương (Cục Thuế, Cục Hải quan, Chi cục Thuế, Chi cục Hải quan địa phương, Cục Thống kê cấp tỉnh) thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực thuế, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2017-2021 các đơn vị làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại 63 Cục Thuế cấp tỉnh đã thực hiện hơn 31 nghìn cuộc thanh tra, chiếm 99% tổng số cuộc thanh tra của toàn ngành, qua đó thu hơn 33,5 nghìn tỷ đồng, bằng 78% số thu qua thanh tra toàn ngành.

Giai đoạn 2017-2021, các đơn vị làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại 63 Cục Thuế cấp tỉnh đã thực hiện hơn 31 nghìn cuộc thanh tra, chiếm 99% tổng số cuộc thanh tra của toàn ngành, thu hơn 33,5 nghìn tỷ đồng, bằng 78% số thu qua thanh tra toàn ngành.

Như vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nếu không tổ chức cơ quan thanh tra tại Cục Thuế địa phương thì chỉ với đội ngũ công chức tại Thanh tra Tổng cục Thuế không thể đảm đương được khối lượng công việc rất lớn mà các cơ quan thanh tra thuế tại địa phương đang đảm nhiệm.

Bộ Tài chính cho rằng nếu bỏ chức năng thanh tra của Cục Thuế, Cục Hải quan (tỉnh, khu vực) thì ngân sách nhà nước sẽ có nguy cơ thất thu thuế nhiều nghìn tỷ đồng.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về thành lập cơ quan thanh tra tại Cục thuộc Tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương, có phạm vi đối tượng quản lý lớn, quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội và được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra (khoản 3 Điều 18 của dự thảo Luật).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc ràng buộc điều kiện “được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra” sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ việc thành lập cơ quan thanh tra tại các đơn vị này, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Có nên quy định thanh tra trong bảo hiểm xã hội?

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã thể hiện cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đủ điều kiện để thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, hệ thống cơ quan bảo hiểm xã hội cũng được tổ chức theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, giống như Cục Thuế, Chi cục thuế, Cục Hải quan ở tỉnh hoặc ở khu vực và Bảo hiểm xã hội cũng có phạm vi, đối tượng quản lý lớn và quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội.

quang-canh-sang-25-10-3398.jpg

Quang cảnh phiên họp sáng 25/10. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Góp ý dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hải Dũng phân tích, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này đã quy định các cơ quan thanh tra Cục thuộc Tổng cục, thuộc Bộ được thành lập theo quy định của Chính phủ, thì với hệ thống của Bảo hiểm xã hội là cơ quan thuộc Chính phủ tương tự như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê nhưng chưa được Luật Thanh tra khẳng định vị trí của Thanh tra Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2021, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm về đối tượng, mức đóng bằng 120% với số tiền truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế…

Bên cạnh đó, thanh tra bảo hiểm xã hội còn có đóng góp to lớn để bảo đảm việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, xử lý các vi phạm trong đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế kịp thời và nghiêm minh.

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng cần thiết quy định trong Luật Thanh tra (sửa đổi) về cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội, bao gồm ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chung quan điểm, đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) cho biết, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra.

hung-quang-ngai-7585.jpg

Đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) phát biểu thảo luận tại hội trường. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Qua tiếp xúc cử tri và ghi nhận ý kiến các cơ quan liên quan, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cơ quan thanh tra trong cơ quan Bảo hiểm xã hội, đồng thời bổ sung quy định việc tổ chức hoạt động và nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành tại Trung ương và địa phương của cơ quan Bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định.

Cũng liên quan đến thanh tra chuyên ngành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Hà Nội) đề xuất nên đưa nội dung này ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh tra (sửa đổi) và đề nghị thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo phân tích của đại biểu, Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định về thanh tra chuyên ngành về thanh tra bảo hiểm xã hội ở Điều 13, theo đó quy định thanh tra lao động thương binh và xã hội thực hiện thanh tra chuyên ngành về thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về thanh tra; thanh tra tài chính thực hiện thanh tra chuyên ngành về quản lý tài chính bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về thanh tra; cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo quy định của Luật này và các pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, trên thực tế, việc thực hiện thanh tra chuyên ngành của các cơ quan bảo hiểm xã hội đã được tổ chức và hoạt động ở cả cấp Trung ương và cấp địa phương đã phát huy hiệu quả.

Vì vậy, trong trường hợp đưa phạm vi về thanh tra chuyên ngành của cơ quan bảo hiểm xã hội vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này thì cần phải cân nhắc, nếu quy định phải bảo đảm cụ thể, rõ ràng, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan này.

Trung Hưng