Được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và nội lực của Nhân dân, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến nay đã có 1061 hồ chứa nước, trong đó có 55 hồ lớn, 220 hồ loại vừa và 876 hồ nhỏ, hàng năm phục vụ tưới cho trên 20 ngàn ha lúa. Nhìn chung hồ chứa nước ở Nghệ An có những điểm sau đây:
- Vị trí hồ chứa nước cao hơn khu dân cư và cơ sở hạ tầng kỹ thuật phía hạ lưu.
- Trên 50% số hồ được xây dựng theo kinh nghiệm, không lưu trữ hồ sơ thiết kế và chủ yếu thi công bằng thủ công là chính.
- Các hồ chứa nước đã sử dụng lâu năm, nhiều hồ đã xuống cấp nhất là hồ do địa phương quản lý.
Do những đặc điểm trên đây, có thể nói hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh có nguy cơ mất an toàn rất lớn. Thực tế đã xảy ra vỡ đập hồ Bàu Vàng ở huyện Yên Thành về mùa mưa và vỡ đập hồ chứa nước ở huyện Đô Lương ngay giữa mùa khô.
Hiện nay các hồ chứa nước loại lớn do các doanh nghiệp thủy lợi quản lý, còn lại do xã, hợp tác xã quản lý. Nhìn lại trước đây khi ngành thủy lợi chưa sáp nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tất cả các huyện đều có Phòng thủy lợi, tuy nhiên, hiện nay ở nhiều huyện, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có cán bộ thủy lợi. Đáng lo ngại, trong đó có những huyện rất nhiều hồ chứa nước.
Theo phân cấp thì Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão là Chủ tịch UBND các cấp, song phương án kỹ thuật do cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm. Như vậy, với các huyện không có cán bộ thủy lợi và với các nguy cơ mất an toàn nêu trên thì ai sẽ chịu trách nhiệm tham mưu nội dung này?
Thiết nghĩ, các cấp có thẩm quyền cần xem xét, nghiên cứu để đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đang đặt ra./.
Nguyễn Quang Hòa
Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An