Tuổi cao, chí càng cao
Ở tuổi 65, lương hưu 8 triệu đồng/tháng, 4 con đều thành đạt ở thành phố; điều kiện ấy, dễ thường tâm lý muốn nghỉ ngơi và hưởng thụ; nhưng ông Lê Xuân Quế hiện vẫn lăn lộn việc xóm, việc dân với vai trò xóm trưởng xóm 4, xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương.
Xóm 4 hiện có 272 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu. Đây là xóm có phong trào khá toàn diện, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới và hiện nay là xây dựng nông thôn mới nâng cao, xóm luôn dẫn đầu phong trào ở xã. Kết quả của xóm có vai trò đóng góp rõ nét của ông Lê Xuân Quế. Ngoài tích cực phối hợp với chi bộ, Mặt trân tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ của xóm, ông Quế cũng luôn thể hiện sự tiên phong, gương mẫu làm trước, từ việc hiến đất, lùi bờ rào, đóng góp mở rộng đường giao thông. Ông cũng là người luôn khởi xướng và vận động cán bộ chủ chốt xóm làm trước, góp trước nhằm nhân lên, tạo sức lan toả. Như việc để đầu tư hệ thống truyền thanh xóm, ông Quế đã gợi mở, vận động cán bộ xóm đóng trước tuỳ theo điều kiện kinh tế của từng người, như bản thân ông đóng 3 triệu, có người đóng 2 triệu, 1 triệu… Hay để tạo ý thức, nề nếp treo cờ Tổ quốc của hộ dân trong xóm, vào dịp 18/11 vừa qua, ông Quế đã trích tiền cá nhân mua cờ tặng cho các hộ dân trong xóm, đảm bảo 100% tuyến đường và hộ dân treo cờ vào dịp lễ. Tương tự, phong trào trồng cây xanh các tuyến đường xóm được dân đồng thuận ủng hộ trồng và đồng thuận không thả bò rông để bảo vệ tuyến cây xanh do chính mình trồng. Ông Quế cho rằng: “Hết tuổi lao động là nên nghỉ ngơi - suy nghĩ ấy rất hợp tình, hợp lý. Nhưng với tôi, mình đang còn sức khoẻ mà Bác Hồ cũng từng nói “Tuổi cao chí càng cao”, khi Đảng đang tín, dân đang tin thì cố gắng làm những công việc có ích cho xã hội, cho dân”.
Cũng tích cực tham gia công việc ở xóm, ông Nguyễn Hữu Diến 67 tuổi ở xã Nam Thành (huyện Yên Thành) đang đảm nhận Bí thư chi bộ xóm Tây Hồ với tổng 358 hộ và trên 1.500 nhân khẩu. Ông Diến tâm sự rằng: Công việc ở xóm, “thượng vàng hạ cám” đủ hết; từ việc xóm đến ma chay, xích mích, mâu thuẫn trong dân đều phải vào cuộc giải quyết. Đặc biệt hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia họp xóm ít, nên muốn phổ biến hay triển khai việc gì thì cán bộ xóm đều phải đi đến tận hộ dân để thông tin, tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Trong vận động, cơ bản người dân có ý thức chấp hành, nhưng cũng có những người không đồng thuận, buộc phải kiên trì, đi lần 1, lần 2, 3, 4 vì phong trào chung. Dù công việc vất vả, nhưng thấy mình vẫn đang có ích cũng thấy vui và hạnh phúc.
Có thể nói, ở cấp xóm hiện nay, người cao tuổi đang đóng góp một vai trò quan trọng, họ tham gia từ các tổ tự quản, tổ hoà giải, tổ COVID-19 cộng đồng đến bí thư chi bộ, xóm trưởng, Trưởng ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng các đoàn thể. Theo tổng hợp từ Hội Người cao tuổi tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 23 nghìn người cao tuổi tham gia vào các tổ chức trong hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, nhiều người cao tuổi tham gia vào nhiều lĩnh vực hoạt động, như tham gia tư vấn hoặc trực tiếp thực hiện các đề án, đề tài khoa học kỹ thuật hoặc tư vấn các dự án, chương trình kinh tế - xã hội. Nhiều người cao tuổi hiện là chủ doanh nghiệp, chủ trang trại hoặc trực tiếp lao động, sản xuất. Bà Võ Thị Phương, ở khối 9, phường Bến Thuỷ (thành phố Vinh), dù ở tuổi 78 và có lương hưu, nhưng hàng ngày bà vẫn đi chợ bán gà. Bà Phương cho rằng: Đi chợ, vừa vận động chân tay khoẻ khoắn, vừa giao tiếp với mọi người vui hơn, khỏe hơn. Ở chợ Vinh, nhiều người biết tới bà Nguyễn Thị Minh, ở khối 1, phường Hồng Sơn, năm nay 79 nhưng vẫn gắn bó với nghề bán chuối gần 30 năm nay. Khi được hỏi ở tuổi này vẫn đi chợ, bà Minh cho biết, chỉ là không thích “ăn không ngồi rồi”, tạo gánh nặng cho con cháu, mình đang có sức khoẻ thì cứ làm việc vui vẻ, khoẻ mạnh.
Tiếp tục phát huy vai trò người cao tuổi
Bên cạnh những người cao tuổi đang tích cực tham gia hoạt động xã hội, lao động, sản xuất thì hiện nay vẫn còn những người cao tuổi có trí tuệ, có sức khoẻ, nhưng không tham gia các hoạt động xã hội hay công việc gì, bởi tâm lý muốn nghỉ ngơi hoặc sợ bị nói này, nói nọ “già còn ham”, “già tội gì vất vả” hoặc sợ dự luận đánh giá hoàn cảnh vất vả mới làm như vậy, hay con cháu ngăn cản... Song thực tiễn, người cao tuổi nếu tích cực hoạt động, dù là hoat động thể dục, thể thao, văn hoá, văn nghệ hay lao động, sản xuất, bên cạnh sức khoẻ, tinh thần được nâng lên còn mang lại nhiều giá trị xã hội khác.
Hiện nay, ở Việt Nam, già hoá dân số đang diễn ra với tốc độ nhanh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tuổi thọ của người dân liên tục tăng nhanh, từ 68,6 tuổi vào năm 1999 lên 73,2 tuổi vào năm 2014 và dự báo là 78 tuổi vào năm 2030. Vấn đề già hoá dân số, nếu xét ở góc độ tiêu cực thì đặt ra nhiều thách thức, như thay đổi cơ cấu lao động, suy giảm tăng trưởng lực lượng lao động; gia tăng sức ép cho hệ thống chăm sóc y tế, an sinh xã hội, đảm bảo đời sống văn hoá, tinh thần cho người cao tuổi… Tuy nhiên, theo ông Cao Đăng Vĩnh, Chủ tịch Hội người cao tuổi tỉnh, xét về góc độ tích cực, người già là nguồn lực quan trọng, là tài sản quý báu của dân tộc nếu biết phát huy, tạo môi trường, điều kiện cho họ tham gia hoạt động (người cao tuổi ở Nghệ An chiếm khoảng 12% dân số). Bởi người già là người từng trải và có kinh nghiệm phong phú về cuộc sống, có độ chín về trình độ ở một số chuyên môn, lĩnh vực nhất định, am hiểu về văn hoá, ứng xử trong cộng đồng, dòng họ và gia đình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “...Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề... Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui”.
Thời gian qua, người cao tuổi trong tỉnh đã, đang tham gia và có nhiều đóng góp tích cực trong nhiều lĩnh vực, từ khoa học kỹ thuật, kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng – an ninh ở từng khu dân cư, địa bàn. Đặc biệt, trong nhiều phong trào như xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng ở các địa phương thời gian qua, bằng uy tín trong cộng đồng, dòng họ, gia đình, người cao tuổi có đóng góp rất lớn trong tuyên truyền, vận động Nhân dân và con cháu đồng thuận ủng hộ. Kết quả và vai trò đóng góp đó của người cao tuổi là nhờ nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp và xã hội về về vai trò, đóng góp của người cao tuổi được nâng lên. Về phía người cao tuổi cũng ngày càng ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình đối với xã hội, với cộng đồng, địa phương, với dòng họ, gia đình.
Cũng theo ông Cao Đăng Vĩnh, để tiếp tục phát huy vai trò người cao tuổi, cấp uỷ, chính quyền các cấp và Nhân dân cần thực hiện đúng các quy định pháp luật về người cao tuổi; gắn với tạo điều kiện, môi trường và có cơ chế động viên, khích lệ, phát huy vai trò, đóng góp của người cao tuổi vào sự phát triển chung của tỉnh và từng địa phương. Trước mắt, các cơ quan có liên quan cần xúc tiến triển khai thành lập Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1336/QĐ-TTg, ngày 31/8/2020; từ đó tạo điều kiện để người cao tuổi tự giúp nhau chăm sóc sức khoẻ, xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, giảm gánh nặng cho xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ quyền lợi người cao tuổi.
MINH CHI