Không thể phủ nhận, việc giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến đem lại nhiều lợi ích và tác động tích cực, bao gồm, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và người dân có thể thực hiện bất cứ nơi đâu khi có điện thoại thông minh kết nối internet; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính từ đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, nhiệm vụ này đang đặt ra khó khăn, hạn chế, người dân chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến.

Cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa thị xã Thái Hoà giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên môi trường mạng điện tử

Tại diễn đàn Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 vừa qua, đồng chí Phạm Tuấn Vinh – Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã Thái Hoà nêu thực tế: Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã nỗ lực chuyển tải, cung cấp khá đầy đủ các bộ thủ tục hành chính được giải quyết trên môi trường mạng điện tử, nhưng người dân sử dụng còn ít. Thực tế, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình ở thị xã Thái Hoà hiện nay chủ yếu là nội bộ sử dụng, liên quan đến các dịch vụ thi đua – khen thưởng, thẩm tra, thẩm định của các cấp, các ngành. Còn các thủ tục người dân thực hiện được hầu hết đều do cán bộ, công chức hỗ trợ người dân; thậm chí để đảm bảo chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến, cán bộ, công chức buộc phải nhận hồ sơ để làm thay người dân ngoài giờ hành chính. Điều này vừa rất mất thời gian, ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác mà cán bộ, công chức đảm nhận, vừa vất vả cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Thực trạng ở Thái Hoà được đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cũng thừa nhận đang xảy ra tại huyện Thanh Chương: “Cán bộ, công chức làm thay dân nhiều, nhất là công chức tư pháp rất vất vả. Anh em vừa làm cán bộ, công chức, vừa làm dân”.

Mô hình dịch vụ công trực tuyến tại xã Diễn Thịnh

Nêu nguyên nhân của tình trạng trên, Bí thư Thị uỷ Thái Hoà Phạm Tuấn Vinh cho rằng, một mặt, người dân chưa có niềm tin, vẫn còn tâm lý e ngại việc đăng ký thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến có được giải quyết hay không; một mặt, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của người dân còn lúng túng, khó khăn.

Là người trực tiếp hỗ trợ cho người dân sử dụng dịch vục công trực tuyến, Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ xã Nghi Long (huyện Nghi Lộc) Đặng Thị Quỳnh Hoa, cho rằng, mã định danh điện tử mức 2 của một số người dân dùng số điện của người khác nên việc lập tài khoản dịch vụ công không thể thực hiện. Mặt khác, 5 bước thực hiện dịch vụ công đang rất khó cho người dân thực hiện, nhất là bước 5 (bước thanh toán) bắt buộc nhập tên đăng nhập tài khoản ngân hàng, mật khẩu, trong khi hầu hết người dân không nhớ được tên tài khoản và mật khẩu.

Đề cập ở góc độ khác, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Phúc (thành phố Vinh) phản ánh, cơ sở vật chất, trang thiết bị của cán bộ, công chức đã cũ, xuống cấp; cộng với hệ thống đường truyền chậm, còn thường xuyên xảy ra tình trạng mạng bị ngắt quãng, dẫn đến thời gian tiếp nhận các hồ sơ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân về cải cách việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên môi trường mạng so với cách làm trực tiếp với cán bộ, công chức.

Người dân thực hiện giao dịch yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Nam Đàn

Để tháo gỡ, khắc phục các tồn tại, bất cập nêu trên, góp phần cải thiện chỉ số chuyển đổi số của tỉnh, trong đó cải cách hành chính, thực hiện trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến; Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết: UBND tỉnh đang tiếp tục kiểm soát và tăng tỷ lệ công khai, minh bạch thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia đảm bảo theo chỉ đạo của Chính phủ. Tập trung rà soát, bổ sung nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ về chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tăng cường triển khai các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, bản. Quan tâm tập trung đầu tư cơ sở, vật chất, máy móc, thiết bị đối với việc triển khai chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn, đặc biệt đối với UBND cấp xã, khối, xóm để đảm bảo việc chuyển đổi số trên địa bàn Nghệ An thành công. Quan tâm đẩy mạnh việc triển khai xác thực văn bản điện tử đối với các hồ sơ, giấy tờ của công dân để đảm bảo tốt việc tiếp nhận hồ sơ trên Cổng dịch vụ công. 

Song song với các nhiệm vụ trên, UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo các các cấp, các ngành rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, không hợp pháp và không hợp lý; tiếp tục chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí thực hiện, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân, doanh nghiệp tập trung một số lĩnh vực trọng tâm, như đầu tư, đất đai, xây dựng, tài nguyên môi trường, thuế, hải quan, y tế...

Công khai đầy đủ, đúng quy định địa chỉ email công vụ và số điện thoại “đường dây nóng” của cơ quan Thường trực về cải cách hành chính (Sở Nội vụ) và cơ quan đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính của tỉnh (Phòng kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng UBND tỉnh) để tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời đúng quy định các TTHC của tổ chức, công dân. Bố trí nguồn lực về nhân sự và ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác CCHC, đặc biệt là kinh phí để tiếp tục nâng cấp, hiện đại hóa Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng đặt ra yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo các bộ phận chuyên môn chủ động xử lý các hồ sơ trễ hạn chưa giải quyết trên Hệ thống; hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến. Tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả 25 dịch vụ công thiết yếu và thực hiện 2 nhóm thủ tục liên thông, gồm: đăng ký khai sinh; đăng ký thường trú; cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú; trợ cấp mai táng phí… Tiếp tục nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để thực hiện các hạng mục phục vụ số hóa hồ sơ; kết nối, chia sẻ, liên thông, tích hợp và đồng bộ dữ liệu với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành…

Tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh: Số 14/2023/NQ-HĐND ngày 27/10/2023 về mức thu phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Nghệ An; số 05/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 

Hiện nay, hệ thống đã cung cấp 1.768 thủ tục hành chính lên môi trường mạng điện tử (gồm dịch vụ công một phần758 thủ tục hành chính và dịch vụ công toàn trình1.010 thủ tục hành); trong đó cấp tỉnh 1.380 thủ tục hành chính; cấp huyện 275 thủ tục hành chính; cấp xã 113 thủ tục hành chính. Có 100% sở, ngành cấp tỉnh; 100% huyện, thành phố, thị xã; 100%, phường, thị trấn trong tỉnh thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.