Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Bao đời nay bà Lá Thị Lan cũng như những người dân ở xóm Hợp Thành, xã Yên Hợp, trong vườn nhà chỉ trồng một vài cây ăn quả, ít rau phục vụ gia đình, những lúc cần tới thảo dược sẽ vào rừng tìm hái. Chưa bao giờ bà nghĩ đến việc sẽ mang các loại cây dược liệu về trồng ở vườn nhà, đặc biệt bà chưa bao giờ nghĩ những loại cây này mang lại thu nhập cho gia đình.

Bà Lá Thị Lan-xóm Hợp Thành, xã Yên Hợp trồng cây dược liệu bán cho HTX tăng thêm thu nhập

Bà Lá Thị Lan - xóm Hợp Thành, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp chia sẻ “Trước đây bà trồng cây ổi, bưởi… mỗi năm thu hoạch được 1 mùa, từ ngày Tĩnh Sáng Đường ra đời bà trồng các cây dược liệu nhất là rau má. Đối với rau má, mùa hè bà thu hoạch mỗi tháng 1 lần, mỗi lần thu 3-4 triệu. Những nơi đất cằn không trồng được rau má thì bà trồng các cây dược liệu khác”.

Không chỉ bà Lan mà hiện nay nhiều bà con Yên Hợp có thêm thu nhập từ việc đưa cây dược liệu từ rừng về trồng tại vườn nhà. Là xã đặc biệt khó khăn, nhưng Yên Hợp là vùng đất có lợi thế về nguồn dược liệu tự nhiên rất đa dạng. Bởi vậy, khi BCH Đảng bộ huyện Quỳ Hợp ban hành Nghị quyết số10-NQ/HU vềxây dựng các mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện” địa phương đã triển khai xuống các xóm, bản, khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, tập thể xây dựng và phát triển các mô hình trồng, tiêu thu dược liệu.

Xã Yên Hợp chuyển đổi trồng keo sang trồng cây xạ đen dưới đất hành lang dưới điện 35KV

Ông Nguyễn Công Giáp - Bí thư Đảng bộ xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp cho hay “Từ lúc nhận được Nghị quyết số 10-NQ/HU của Huyện uỷ, Đảng uỷ xã Yên Hợp đã ban hành nghị quyết của Đảng uỷ và giao cho UBND xã xây dựng kế hoạch, mô hình chuyển đổi trồng cây dược liệu dưới hành lang lưới điện; được sự đồng tình của Nhân dân đã chuyển đổi được gần 1 ha và có những xóm, bản trồng cách đây gần 7-8 tháng cây dược liệu đã phát triển rất tốt. Đây là một thắng lợi bước đầu. Còn sang giai đoạn 2 từ 2024 - 2025 sẽ tiếp tục chuyển đổi hết cây dưới hành lang lưới điện”.

Cán bộ HTX Tĩnh Sáng Đường giới thiệu mô hình trồng cây dược liệu

Nắm bắt được tinh thần Nghị quyết cũng như mong muốn khôi phục lại nguồn dược liệu trong tự nhiên, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, anh Lá Văn Duy và cộng sự đã vay vốn của ngân hàng để thành lập Hợp tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường, đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại bậc nhất trong các hợp tác xã nông nghiệp ở Nghệ An để trồng, chăm sóc và sản xuất ra các sản phẩm từ các cây dược liệu cung cấp ra thị trường

Đến nay Hợp tác xã đã mở rộng mô hình trồng cây dược liệu lên tới hơn 10ha, với hơn 30 sản phẩm được chế biến từ các cây dược liệu tại địa phương và bán ra thị trường. Trong đó, có sản phẩm trà túi lọc cà gai leo, bột rau má sấy lạnh, mật ong đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Cùng với mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, hợp tác xã còn tuyên truyền người dân thực hiện liên doanh, liên kết trồng cây dược liệu và thu mua toàn bộ sản phẩm bà con trồng được. Từ đó góp phần vào việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm Hợp tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường

Với chủ trương đúng của Đảng và ý chí, quyết tâm của người dân làm giàu trên quê hương, bằng lợi thế sẵn có, Nghị quyết số 10-NQ/HU của Đảng bộ huyện đã đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả.

Chị Hoàng Thị Vân - công nhân HTX nông dược Tĩnh Sáng Đường phấn khởi: “Trước đây làm công việc tự do, không ổn định, khi thành lập Tĩnh Sáng Đường tôi có công việc và đồng lương ổn định hơn nhiều so với trước đây”.

Không chỉ Yên Hợp mà sau khi Nghị quyết số 10-NQ/HU được ban hành, mỗi một xã, bản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đều đã có những cuộc họp bàn để triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống sao cho phù hợp, hiệu quả.

 Nhận thấy những lợi thế tại địa phương, Đảng ủy xã Châu Cường đã xây dựng Đề án “Về phát triển các vùng trồng rừng, cây gỗ lớn và cây dược liệu trên địa bàn xã giai đoạn 2020-2025”.

HTX Tĩnh Sáng Đường có 3 sản phẩm gồm trà túi lọc cà gai leo, bột rau má sấy lạnh, mật ong được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh

Là địa phương có nhiều diện tích đất bãi bồi, đất canh tác kém hiệu quả, xã đã mạnh dạn vận động 20 hộ dân tiên phong chuyển đổi hơn 5ha sang trồng cây húng quế. Không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng ban đầu. Song với sự quyết tâm của cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, bà con từng bước tin tưởng và nay mong muốn được mở rộng diện tích.

Hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU đã trở thành thước đo chất lượng cán bộ, đảng viên ở cơ sở

Không phải là các địa phương được chọn làm điểm, lại là hai 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Quỳ Hợp, song Yên Hợp và Châu Cường đã mạnh dạn tiên phong trong việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU về xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Quỳ Hợp của Ban Thường vụ Huyện ủy. Điều này cho thấy ý Đảng đã thực sự hợp lòng dân.

Bà Nguyễn Thị Lan, bản Nhọi, Châu Cường xuống giống trồng cây húng quế

Ông Sầm Phúc Thảo - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp cho biết “Sau khi có Nghị quyết, UBND xã đã xây dựng kế hoạch triển khai, khoanh, quy hoạch vùng và chọn các hộ để triển khai thực hiện dự án này. Sau khi triển khai, UBND xã đã phối hợp với HTX dược liệu Quỳ Hợp cử cán bộ nông nghiệp, các ban, ngành, đoàn thể xuống với Nhân dân xóm, bản để hướng dẫn, phân tích, tuyên truyền cho bà con để hưởng ứng thực hiện dự án”.

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU, UBND huyện Quỳ Hợp đã chọn xóm Xiểm, xã Hạ Sơn trồng 1 ha cây đinh lăng, xóm Thung Khẳng, xã Thọ Hợp trồng 1 ha cây cát sâm và trồng 1 ha cây xạ đen tại xã Bắc Sơn với tổng kinh phí thực hiện hơn 816 triệu đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 300 triệu đồng, số còn lại do Nhân dân đóng góp.

Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện Quỳ Hợp có gần 10ha dược liệu các loại, chủ yếu là các loại cây cát sâm, đinh lăng, cây xạ đen; huyện cũng hình thành vùng trồng dược liệu tại các xã: Thọ Hợp, Hạ Sơn, Bắc Sơn, Yên Hợp và rải rác tại một số địa phương có tiểu vùng khí hậu phù hợp.

Từ các sản phẩm dược liệu, qua sơ chế, chế biến đã giúp huyện Quỳ Hợp có nhiều mặt hàng nông sản được chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An, từng bước khẳng định ưu thế, hiệu quả kinh tế từ dược liệu và trở thành cây trồng giúp Quỳ Hợp xóa đói, giảm nghèo.

Cán bộ phòng NN&PTNT huyện cùng đảng uỷ, chính quyền địa phương kiểm tra mô hình trồng cây húng quế tại bản Nhọi

Sau hai năm, ngoài giá trị kinh tế mang lại từ các mô hình cho thấy Nghị quyết 10-NQ/HU thực sự tạo nên bước chuyển về thói quen canh tác và đặc biệt là khẳng định tính thiết thực, đúng đắn của Nghị quyết.

Ông Trương Văn Bình - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Hợp cho biết “Phòng Nông nghiệp đã phối hợp với phòng Tài nguyên chỉ đạo các xã triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/HU, từng bước quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây dược liệu để nâng cao thu nhập cho bà con. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết nối các hộ trồng cây dược liệu với các đơn vị, các đơn vị trong và ngoài địa bàn như HTX Tĩnh Sáng Đường, HTX dược liệu Quỳ Hợp tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đồng thời chỉ đạo các xã lồng ghép thêm các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các vùng nguyên liệu, dược liệu trên địa bàn huyện”.

Với chủ trương “Lấy hiệu quả công việc, lấy sản phẩm làm thước đo đánh giá cán bộ”- hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU về phát triển cây dược liệu đã trở thành thước đo hiệu quả nhất để đánh giá mỗi cán bộ, đảng viên và các địa phương ở Quỳ Hợp.

Tại các cuộc sinh hoạt định kỳ, các hội nghị chuyên đề, trên các phương tiện thông tin đại chúng, website của huyện, các trang mạng xã hội…nội dung của Nghị quyết số 10-NQ/HU về phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện được truyền tải thường xuyên và dễ hiểu nhất để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân đều có thể tiếp cận và thấm nhuần, từng bước thay đổi từ nhận thức đến hành động, cùng đồng lòng xây dựng và phát triển quê hương.

Hộ dân ở xóm bản Nhọi Châu Cường tiên phong chuyển đổi sang trồng cây húng quế

Ông Phan Đình Đạt - Bí thư Huyện uỷ Quỳ Hợp cho biết“Với một huyện miền núi như ở Quỳ Hợp, điều thay đổi lớn nhất, tạo nền tảng có sự phát triển chính là người dân dần dần thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất, từ tự cung, tự cấp chuyển sang tư duy sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất và không để đất bỏ hoang; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những hướng đi tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế, xoá đói giảm nghèo bền vững”

Với việc lấy dân làm chủ thể trong triển khai Nghị quyết số 10-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện Quỳ Hợp cho thấy đây thực sự là Nghị quyết mang “ý Đảng - lòng dân”, đã và đang thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của huyện miền núi phong phú tài nguyên; từng bước chuyển đổi phát triển nền nông nghiệp hiện đại và trở thành huyện miền núi mạnh về kinh tế, vững về chính trị; đặc biệt, phấn đấu đưa huyện Quỳ Hợp từng bước trở thành trung tâm cây ăn quả và là điểm sáng về việc xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu của tỉnh Nghệ An.