Cùng tham dự có đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện một số ngành, đoàn thể liên quan.
Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát đã được nghe lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh báo cáo tóm tắt về việc thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025”. Qua báo cáo cho thấy, trên cơ sở Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện (Kế hoạch 599/KH-UBND, các văn bản chỉ đạo thực hiện hàng năm), thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, giao cho Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan triển khai thực hiện. Theo số liệu thống kê tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại 9 xã chọn mô hình làm điểm từ năm 2015-2018 có 144 cặp tảo hôn hôn, trong nữ dưới 16 tuổi kết hôn có 41 người, nam dưới 16 tuổi kết hôn có 21 người; có 1 cặp hôn nhân cận huyết thống, cụ thể: Huyện Kỳ Sơn: xã Nậm Cắm có 4 cặp tảo hôn, xã Huồi Tụ có 36 cặp tảo hôn, xã Mường Lống có 29 cặp tảo hôn; Huyện Tương Dương: xã Tam Hợp có 22 cặp tảo hôn, xã Mai Sơn có 9 cặp tảo hôn, xã Nhôn Mai có 5 cặp tảo hôn; huyện Quế Phong: xã Tri lễ có 15 cặp tỏa hôn, Nậm Nhoóng có 3 cặp tảo hôn, 1 cặp hôn nhân cận huyết thống; huyện Con Cuông: xã Môn Sơn có 21 cặp tảo hôn. Kết quả bước đầu thực hiện đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho thấy, thông qua công tác tuyên truyền đã phần nào nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về quy định của pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Quang cảnh buổi làm việc
Tuy nhiên, qua khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông cho thấy việc thí điểm thực hiện mô hình 9 xã điểm do Ban Dân tộc chủ trì chưa có kết quả rõ nét; nhận thức về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của cấp ủy, chính quyền các cấp chưa đầy đủ do đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo thiếu cụ thể; tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chiếm tỉ lệ cao thậm chí có xu hướng tăng và độ tuổi tảo hôn ngày càng giảm, số phụ nữ kết hôn dưới 16 tuổi còn cao; kết hôn cận huyết thống tuy đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh trở lại; công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình ở vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại và hiệu quả chưa đạt được như mong muốn; thậm chí tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn diễn ra ngay trong gia đình của cán bộ, Đảng viên. Những hậu quả từ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thiếu sự chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ như: khai sinh cho trẻ, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, xử lý vi phạm; việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thực hiện chưa nghiêm, chưa xử lý trường hợp nào tại các huyện.
Đồng chí Nguyễn Thị Lan, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội phát biểu tại buổi làm việc
Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở các địa phương đang kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi và chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số; quyền của trẻ em cũng không được đảm bảo do tảo hôn nên không được đăng ký kết hôn và trẻ sinh ra không được làm giấy khai sinh, không có thẻ BHYT.
Tại cuộc làm việc, đại diện Ban Dân tộc tỉnh và một số sở, ngành, đoàn thể thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh cho rằng mặc dù đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động, hình thức tuyên truyền trong các đồng bào tại các địa phương nhưng hiệu quả mang lại chưa cao do nhận thức và tập tục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương chưa kiên quyết, nhiều trường hợp cán bộ chủ chốt của xã cũng vi phạm do đó chưa thể nêu gương và tuyên truyền cho người dân.
Sau khi nghe những ý kiến của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của Ban Dân tộc trong việc triển khai Đề án; đề nghị lãnh đạo Ban Dân tộc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu trong cuộc họp để bổ sung và rút kinh nghiệm. Đồng thời nhanh chóng nghiên cứu tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy có văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị các cấp giảm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Rà soát các văn bản đã ban hành để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung phù hợp (Quyết thành lập Ban chỉ đạo, quy chế hoạt động). Chỉ đạo các địa phương thực hiện mô hình điểm xây dựng kế hoạch và quy chế hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả. Đổi mới công tác tuyên truyền, lồng ghép nội dung này với thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ./.
Nguyễn Vân