Nhiều giải pháp bảo tồn
Ngay sau khi Dân ca ví, giặm được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Nghệ An đã có những hoạt động thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình di sản văn hóa này. Nổi bật là việc UBND tỉnh ban hành Đề án bảo vệ và phát huy giá trị Di sản dân ca ví, giặm giai đoạn 2021 – 2025; theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các địa phương tham mưu triển khai các nội dung của đề án như nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, tư liệu hóa, số hóa dân ca ví, giặm, phát triển các câu lạc bộ và nghệ nhân, thực hiện truyền dạy di sản và tuyên truyền quảng bá giá trị của di sản...
Ngoài ra, tỉnh cũng có những chính sách đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm như Nghị quyết 29/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và các nghệ sĩ đang làm việc tại Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh, qua đó góp phần khuyến khích, động viên sự tích cực phát huy vai trò của các nghệ nhân cũng như câu lạc bộ trong việc bảo tồn, phát huy di sản, trong đó có dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Theo Nghị quyết Nghị quyết 29/2021 của HĐND tỉnh, các nghệ nhân khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, ngoài các chế độ được hưởng theo quy định, tỉnh hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/người/tháng đối với Nghệ nhân Nhân dân; 1.000.000 đồng/người/tháng đối với Nghệ nhân Ưu tú. Đối với các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể, hỗ trợ 30.000.000 đồng/câu lạc bộ mới thành lập để mua sắm nhạc cụ, đạo cụ, biểu diễn; hỗ trợ kinh phí hoạt động 5.000.000 đồng/câu lạc bộ/năm.
Từ 82 câu lạc bộ dân ca vào cuối năm 2014, đến nay toàn tỉnh đã có 140 câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở 20 huyện, thành phố, thị xã với tổng số hơn 3.000 thành viên. Ngoài ra, toàn tỉnh có 48 nghệ nhân dân ca ví, giặm được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, 1 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
Tại nhiều địa phương, hoạt động của các câu lạc bộ dân ca ví, giặm đã diễn ra rất sôi nổi, đóng góp tích cực vào phong trào văn hóa – văn nghệ của địa phương. Bà Hoàng Thị Hoài Thanh - Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hưng Nguyên, cho biết: “Toàn huyện đang có 16 câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Hầu hết các câu lạc bộ đều hoạt động tốt, có khả năng xã hội hóa, biểu diễn phục vụ du lịch và cũng nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Ngoài số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng/năm của tỉnh, huyện Hưng Nguyên trích ngân sách hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/năm cho các câu lạc bộ dân ca. Một số câu lạc bộ ở các xã Hưng Tân, Châu Nhân, Hưng Đạo, Hưng Thịnh… còn được xã hỗ trợ từ 2-3 triệu đồng/năm.
Trong số này, Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân là một trong những câu lạc bộ được thành lập sớm nhất và hoạt động sôi nổi nhất. Từ 20 thành viên ban đầu vào năm 2013, đến nay câu lạc bộ có 35 thành viên, sinh hoạt mỗi tháng 1 lần. Từ năm 2012 tới nay, Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân đã giành 2 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba tại các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn tích cực phối hợp với đội Thông tin lưu động đến các cơ sở tham gia truyền dạy hát dân ca cho học sinh Tiểu học, THCS trên địa bàn.
“Điều ý nghĩa nhất là chúng tôi đã truyền được tình yêu dân ca cho lớp trẻ, để vốn văn hóa tinh thần quý báu của dân tộc ngày được gìn giữ, phát triển”, anh Phan Đăng Minh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hưng Tân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ.
Tại huyện Đô Lương, bà Nguyễn Thị Anh Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo các xã thành lập và kiện toàn Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, có chính sách hỗ trợ phù hợp; khuyến khích các nghệ nhân ưu tú, các thành viên các câu lạc bộ soạn lời mới, truyền dạy dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ…
Đến nay, Đô Lương có 18 câu lạc bộ dân ca ví, giặm, mỗi câu lạc bộ có từ 20 – 30 thành viên, tạo nên mạng lưới hát dân ca rộng khắp từ huyện đến cơ sở, mở rộng đến các cơ quan, trường học, với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, tiêu biểu như Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm các xã Bồi Sơn, Tân Sơn, Giang Sơn Đông…
Cùng với hoạt động của các câu lạc bộ dân ca, không thể không kể đến vai trò của các nghệ nhân, các hạt nhân văn nghệ tiêu biểu với những nỗ lực không biết mệt mỏi trong việc trao truyền dân ca ví, giặm. Đó là Nghệ nhân Nhân dân Võ Thị Hồng Vân ở xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, nhiều năm qua đã mở lớp dạy học, hát dân ca miễn phí tại nhà, thu hút đông đảo học sinh của huyện Thanh Chương tham gia; Nghệ nhân Ưu tú Cao Xuân Thưởng (Diễn Châu). Nghệ nhân Nhân dân Võ Thị Hồng Vân đã có hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ, với đủ các thể loại: đơn ca, đối ca, diễn xướng, tiểu phẩm, kịch, ca kịch... dựa trên chất liệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; thầy Biện Ngọc Khánh - giáo viên môn Âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Vinh Tân (TP Vinh), đã có nhiều đóng góp trong việc đưa dân ca ví, giặm vào trường học...
Tạo không gian diễn xướng cho ví, giặm
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thị Hồng Lưu – nguyên Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An - thì cũng như các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là của cộng đồng, sống trong cộng đồng và được cộng đồng giữ gìn, phát huy. Hiện nay, không gian để thực hành di sản dân ca ví, giặm tương đối phong phú như ở các buổi sinh hoạt cộng đồng, các kỳ liên hoan dân ca ví, giặm, các điểm du lịch...
Ví như tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, từ năm 2015, việc đưa dân ca ví, giặm vào phục vụ khách du lịch đã thực hiện thường xuyên, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Tại thành phố Vinh, từ năm 2022, các hoạt động biểu diễn dân ca ví, giặm được tổ chức tại các tuyến phố đi bộ, tạo điểm nhấn thú vị vào mỗi dịp cuối tuần.
Đặc biệt, từ năm 2022, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã tiến hành tổ chức các hoạt động diễn xướng dân ca ví, giặm nhằm đưa hoạt động dân ca vào môi trường diễn xướng sống động của đời sống nhân dân. Đến nay, Trung tâm đã tổ chức được hơn 20 buổi diễn xướng dân ca tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh), thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Tuy vậy, sau 10 năm dân ca ví, giặm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, việc bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình di sản này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chất lượng sinh hoạt của các câu lạc bộ dân ca ví, giặm chưa đồng đều; nhiều CLB hoạt động cầm chừng, rời rạc, do thiếu sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền cơ sở. Lực lượng tham gia sáng tác lời cho dân ca ví, giặm ngày càng giảm sút. Một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ không còn mặn mà với dân ca nói chung và với dân ca ví, giặm nói riêng; việc đưa dân ca vào trường học cũng chưa được thực hiện một cách đồng bộ.
Đặc biệt, đến nay, dù đã có nhiều nỗ lực của các ngành liên quan và các địa phương nhưng dân ví, giặm vẫn chưa trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Nghệ An. Những năm qua, ngành Văn hóa đã ấp ủ việc tổ chức các show diễn thực cảnh gắn với trình diễn dân ca ví, giặm tại Khu di tích Kim Liên và Bảo tàng Nghệ An để phục vụ du khách, nhưng đến nay vì nhiều nguyên nhân khác nhau, ý tưởng này vẫn chưa thể trở thành hiện thực.
Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục triển khai đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm giai đoạn 2021-2025, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm giai đoạn 2026 – 2030, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; phát huy vai trò của cộng đồng thông qua việc tổ chức các lớp truyền dạy trong cộng đồng, phát triển mạng lưới câu lạc bộ ở cơ sở, các nghệ nhân; phát triển mạng lưới, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm văn hóa gắn với dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại các khu, điểm du lịch và trong cộng đồng… để di sản dân ca ví, giặm mãi là mạch nguồn trong dòng chảy văn hóa đương đại.
Ông Bùi Công Vinh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An.